Cây Đỗ Trọng - Cây thuốc quý được mệnh danh là thần dược trong Đông Y... Nhận dạng cây thuốc.
Đỗ trọng còn có tên gọi khác là tư trọng, ty liên bì, mộc miên, là thân cây gỗ sống lâu năm cao khoảng 15m, đường kính độ 30 – 50cm, cành mọc chếch, tán cây hình tròn. Theo Đông y, đỗ trọng vị ngọt hơi cay, tính ôn, vào kinh can và thận; có tác dụng ôn thận, tráng dương, làm khỏe gân cốt, an thai, hạ huyết áp, giảm cholesterol trong máu…
Một số bài thuốc từ đỗ trọng:
– Chữa thận yếu, thận hư, liệt dương, di tinh, mộng tinh: Lộc nhung 125g, đỗ trọng 250g, ngũ vị tử 63g, thục địa 500g, mạch môn 250g, sơn thù nhục 240g, thỏ ty tử 250g, ngưu tất 250g, câu kỷ tử 250g, sơn dược 250g. Tất cả nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với nước muối nhạt. Dùng 15 ngày là một liệu trình.
– Chữa ứ huyết kèm đau lưng do thận hư: Đỗ trọng 240g, đan sâm 240g, xuyên khung 50g, rượu trắng 1,5 lít. Thái vụn các vị thuốc trên cho vào rượu đậy kín ngâm trong 5 ngày có thể dùng. Khi uống rượu, cần hâm nóng, mỗi lần 15-20ml. 10 ngày là một liệu trình.
– Chữa gan thận yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần, di tinh, liệt dương, lao tổn cơ lưng: Đỗ trọng 50g, gan lợn 200g. Gan lợn rửa sạch, xát muối, sau thái miếng cho nước nấu cùng với đỗ trọng. Khi gan nhừ, nêm gia vị vào, ăn cả nước lẫn cái. Có thể dùng liên tục, dài ngày.
– Chữa đau cột sống: Đỗ trọng bỏ vỏ 3.000g, rượu 2 lít, ngâm 7 ngày mới dùng. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 – 30ml. Hoặc: Đỗ trọng 300g, xuyên khung 200g, quế chi 160g, tế tân 80g. Các vị thuốc thái nhỏ, ngâm trong 10 lít rượu, sau 5 ngày dùng được. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 – 20ml. Kiêng ăn hành tươi, rau sống.
– Chữa tiểu tiện nhiều lần, miệng khô ít nước bọt, mặt mày tái xám, tiêu chảy, liệt dương:Bầu dục lợn 1 đôi, hạnh đào nhân 30g, đỗ trọng 30g, kim anh tử 30g. Bầu dục làm sạch bỏ màng hôi cho vào hầm chín cùng các vị thuốc, ăn bầu dục uống nước.