Ðến giờ, khi đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, thế nhưng gặp và trò chuyện với ông - Dược sĩ Chuyên khoa II, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thọ Biên (SN 1940) vẫn cho tôi nguồn cảm hứng bất tận về tinh thần làm việc hăng say, tình yêu nghề, yêu ngành dược liệu. Ông như một người thắp lửa tình yêu với cây cỏ cho nhân gian...
Dược sĩ Chuyên khoa II, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thọ Biên luôn tâm huyết và dành nhiều thời gian nghiên cứu về dược liệu Lâm Đồng. Ảnh: Đ.Khiêm |
Bước vào căn nhà xưa cũ số 95 Hai Bà Trưng, thành phố Đà Lạt của người dược sĩ già Nguyễn Thọ Biên khiến tôi vô cùng xúc động khi ông cùng gia đình đã có 40 năm gắn bó tại Đà Lạt và vẫn ở trong nếp nhà phố xưa cũ ấy. Nơi phòng khách nhỏ xinh, gọn gàng, ngăn nắp là bộ bàn ghế gỗ thời xa xưa, lối lên là những bậc cầu thang xi măng bóng nhoáng cho thấy dấu tích của thời gian. Tôi được ông mời lên phòng làm việc trên gác và thấy căn phòng được sắp xếp như một bảo tàng thu nhỏ với những tấm bằng khen được ông treo ở vị trí trang trọng. Ở đó có bằng khen ghi nhận về giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông; giải khoa học công nghệ tỉnh năm 2015; tấm bằng công nhận danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân; những tấm Huân chương Kháng chiến; Huy hiệu 50 năm, 55 năm tuổi Đảng; nhiều kỷ vật ở những nước trên thế giới nơi ông đã từng học, nghiên cứu, làm việc và tham quan. Trong đó, phần lớn diện tích căn phòng ông dành cho tủ sách chuyên về ngành Dược liệu học - một ngành học, nghề nghiệp theo ông suốt cuộc đời. Đến thăm gia đình ông cho tôi cảm nhận về một lối sống giản dị, khiêm nhường và nét văn hóa gia đình của người Kinh Bắc khi ông giữ nguyên nếp sống cũ với ba đời ông bà - con - cháu cùng sinh sống dưới một nếp nhà nhỏ.
Bước vào căn bếp nhỏ, ông giới thiệu cho tôi về dụng cụ pha chế chiết xuất rượu thuốc từ dược liệu của Lâm Đồng để thỏa chí đam mê và cũng để phục vụ bạn bè, người thân uống thử để duy trì sức khỏe, tuổi thọ. Bên cạnh là một khoảnh đất nho nhỏ đủ để người dược sĩ già gieo thử nghiệm hạt giống dược liệu quý ở Mỹ do một người bạn tặng. Ông nói, nơi đây chính là nơi ông đã gieo trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh và nhiều giống cây dược liệu quý của Lâm Đồng.
Còn nhớ, có nhà báo từng gọi ông với cái tên thân thuộc là “từ điển sống” về cây thuốc, quả nhiên đúng vậy. Trong ông là một nguồn tư liệu sống vô giá về dược liệu nói chung và dược liệu Lâm Đồng nói riêng, mỗi loài cây, thậm chí là cỏ đều có một giá trị đặc biệt, có tác dụng đặc biệt và khi nghiên cứu kỹ có thể đều sản xuất được thành thuốc phục vụ con người.
Ông chia sẻ: “Tôi có thuận lợi là từng công tác tại Tây Bắc khi mới 22 tuổi, về công tác tại Công ty Dược Hà Nội cấp 1, rồi vào Lâm Đồng làm Phó Giám đốc Sở Y tế 22 năm liền từ năm 1978, sau đó giữ cương vị Giám đốc Công ty Dược Lâm Đồng... Tôi yêu thích ngành dược liệu, say mê dược liệu nên đã đầu tư nghiên cứu để tạo ra thuốc. Tôi từng có thời gian đi điều tra dược liệu tại Lâm Đồng, sau đó viết thành sách. Đến 1995, tôi viết cuốn “Cây thuốc Lâm Đồng” và năm 2015 được giải C giải thưởng khoa học công nghệ Lâm Đồng. Tôi có 7 đề tài cấp tỉnh. Đã có 2 ngàn tên cây thuốc được tôi tổng hợp thành sách nhờ ghi chép lại qua nhiều năm liền... Nghỉ hưu từ năm 2000, giờ đây tôi có điều kiện về thời gian để đầu tư cho niềm đam mê của mình”.
Ông hồi tưởng lại kỷ niệm sâu sắc nhất khi bén duyên đất Lâm Đồng. Khi đó, ông đang công tác tại Hà Nội, ông có dịp đi cùng khảo sát nghiên cứu với đoàn Liên Xô tại Lâm Đồng với đề tài nghiên cứu về cây Anh Túc và cây Solemum (trà Úc) để tìm ra hướng điều trị các bệnh về hormone người sau này. Nhưng sau đó tình hình thế giới nhiều biến động, Liên Xô gặp khó khăn và sự hợp tác dự kiến giữa 2 nước Việt Nam - Liên Xô về 2 cây thuốc nói trên chưa thực hiện được.
Ngay sau chuyến khảo sát cùng đoàn Liên Xô tại Lâm Đồng, Dược sĩ Thọ Biên vô cùng yêu thích Đà Lạt, và quyết định rời Thủ đô Hà Nội vào Đà Lạt sinh sống và làm việc. Ông chỉ nghĩ đơn giản vì Đà Lạt có thời tiết đẹp, lại có nhiều viện nghiên cứu, có trường đại học, có đủ các cơ quan Trung ương nghiên cứu đóng chân tại Đà Lạt.
Như Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng từng viết: Trên cơ sở đúc kết những kết quả điều tra nghiên cứu và tiến hành các đợt khảo sát thực tế rất công phu, đến nay Dược sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thọ Biên đã biên soạn, bổ sung xây dựng danh lục tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng năm 2017. Trong đó, cây thuốc có 2.291 loài thuộc 283 họ thực vật, nhiều hơn danh lục tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng năm 2012 là 627 loài và 46 họ thực vật. Đây là một tập sách có giá trị khoa học và thực tiễn để chúng ta tìm hiểu về tài nguyên dược liệu ở trong thiên nhiên nhằm phục vụ đời sống con người, nhất là nhu cầu sử dụng trên thế giới hiện nay với xu hướng dùng nguồn cây cỏ để phòng và chữa bệnh.
Chia sẻ về những kỳ vọng, mong muốn của mình, Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng Nguyễn Thọ Biên cho biết: Nhà nước cần phải có quy hoạch rõ ràng và lâu dài về ngành dược liệu. Bởi vì, trong xu hướng hiện nay khi chủng loại rau hoa lên ngôi theo cơ thế thị thường thì tôi sợ rằng, lâu dài nguồn dược liệu sẽ bị mai một, cần có chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, thuế, bao tiêu sản phẩm dược liệu, nhất là cần chú trọng đào tạo dược sĩ chuyên khoa về dược liệu để có những người chuyên nghiên cứu, giữ gìn lĩnh vực này mới tạo ra nguồn dược liệu ổn định cho đất nước. Trong khi nguồn tài nguyên của Lâm Đồng, của Việt Nam rất phong phú nhưng quan trọng là cần có quy hoạch để giữ gìn và phát triển như thế nào. Ví dụ như ở Cao Lâm - Lạc Dương có loài cây Đảng sâm rất quý, núi Langbiang có nhiều nguồn sâm quý, hiện ở Viện Khoa học Tây Nguyên đã trồng ở vườn Bidoup - Núi Bà, vườn Thương ở Tuyền Lâm có trồng sâm nhiều nhưng sau khi trồng và có nghiên cứu, đánh giá lại thì chất lượng của sâm chưa đạt giá trị cao lắm.
Ngoài ra, Dược sĩ Biên còn đóng vai trò của một nhà báo, một cộng tác viên, do đi nhiều nơi chụp ảnh để phát hiện ra nhiều đề tài về cây thuốc, sau đó viết bài đăng báo, tạp chí và trở thành cộng tác viên đặc biệt của các báo, tạp chí chuyên ngành. Ông đã dành nhiều thời gian cho việc viết báo từ khi còn rất trẻ đến bây giờ cũng là để trau dồi kiến thức, lưu giữ tư liệu. Ông đã in thành tập sách với trên 200 bài báo của mình đã từng đăng trên các báo, tạp chí khoa học và cả báo Lâm Đồng để làm tư liệu cho thế hệ sau.
Phía sau người dược sĩ già tâm huyết ấy là một gia đình hạnh phúc, giản dị, một gia đình văn hóa tiêu biểu 10 năm liền được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng. Người vợ cũng là người đồng nghiệp - Dược sĩ. Hiện, ông là người lớn tuổi nhất trong Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật của tỉnh, là thành viên của Ủy ban MTTQVN tỉnh.
Với những đóng góp không ngưng nghỉ của ông về nghiên cứu dược liệu, tìm ra những bài thuốc quý để giúp ích cho đời, cho nền y học, Thầy thuốc Nhân dân - Dược sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thọ Biên vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2012-2016, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Đây là gương mặt duy nhất của tỉnh Lâm Đồng về dược liệu được nhận phần thưởng cao quý này, đó chính là động lực để dược sĩ Biên tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp y dược của địa phương.
Tinh thần lao động cần mẫn, nghiêm túc, miệt mài của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thọ Biên cho thấy chỉ có niềm đam mê với công việc, tình yêu nghề nghiệp mà cụ thể là tình yêu với cây, cỏ mới có thể khiến cho một người cao tuổi sống vui sống khỏe và thực sự có ích. Dược sĩ thực sự xứng đáng là tấm gương sáng giữa đời thường, là tinh thần sống giản dị, gương mẫu để con cháu noi theo, xã hội, cộng đồng tôn vinh.
Báo Lâm Đồng