TINH HOA XANH

Thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu

Thầy thuốc Nguyễn Tử Siêu

 

 

 

 

 

Lương y Nguyễn Tử Siêu ( 1898-1965 ) có các bút danh Nguyễn An Nhân, Liên Tâm lão nhân, Hoa Cương. Nguyên quán xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Trú quán: Số 8 đường Yên Phụ, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình - Hà Nội.

Xuất thân trong một gia đình Nho học, thân sinh đỗ Cử nhân, bào huynh đỗ Tú tài Hán học, bản thân đã qua tam trường vào năm cuối chế độ thi cử cũ, chuyển sang thi cử bằng quốc văn. Do đó lương y Nguyễn Tử Siêu hoạt động trong lĩnh vực viết văn dạy học và làm nghề đông y.Về viết văn, chuyên về lịch sử, tiểu thuyết, thời gian 20 năm ( 1925-1945 ) đã xuất bản hơn 20 cuốn với nội dung cổ vũ lòng yêu nước, chống cường quyền ngoại xâm, tiêu biểu như cuốn Tiếng sấm đêm đông, Hai bà đánh giặc, Vua bà Triệu, Vua Bố Cái, Đinh Tiên Hoàng, Việt Thanh chiến sử, Trần Nguyên chiến kỷ....Có những cuốn bị thực dân Pháp và chính quyền đương thời tịch thu, cấm lưu hành, bản thân tác giả bị quản thúc ở nguyên quán.

Trong thời gian bị quản thúc, Ông vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề Đông Y và viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông Y mang bút danh Nguyễn An Nhân, đó là những tác phẩm y dược học quí. Tiêu biểu như các bộ: Y học tùng thư, Sách thuốc trẻ em, Sách thuốc phụ nữ, Châm cứu sơ bộ thực hành và các sách dịch như Hoàng Đế nội kinh, Ngoại cảm thông trị, Khôn hoá Thái chân, Tân châm cứu học...đã được nhiều người tìm đọc và áp dụng, sau này đã trở thành những lương y có tài năng, có tiếng tăm. Cuốn Tử Siêu Y Thoại là tác phẩm cuối cùng của tác giả.Ngoài công việc viết văn, viết và dịch sách Đông Y, Dược học và hành nghề đông y, Ông từng tham gia Chủ tịch mặt trận Liên Việt tỉnh Sơn Tây, Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Sơn Tây, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông Y Việt nam các khoá 1 và 2 ( 1957- 1965 ).

Sống trọn vẹn với nghề Y, trước lúc xuôi tay nhắm mắt, ông có thể tự hào: "Tôi hành nghề y đã hơn 50 năm, mà đối với bệnh nhân phải lo lắng từng giờ, từng phút, nghe từ tiếng nói, trông từ lúc co tay, lúc duỗi chân, có lúc quên cả ăn, mất cả ngủ, bao giờ thấy bệnh tình chuyển hướng được đúng như mong mỏi của mình, lúc bấy giờ mới như trút được gánh nặng, nỗi niềm sung sướng có phần hơn cả thân nhân người bệnh".

Chỉ qua những lời tâm sự ấy cũng đủ hiểu hết y đức đáng quý của ông - một Y gia có thực chất y đức , y thuật và đức hạnh, một nhà nho có bản lĩnh chân chính, không xu nịnh theo thời cuộc.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""