Công tác dược liệu ở địa phương
Theo Quyết định số 2163/2001/QĐ-BYT ngày 08/6/2001 của Bộ trưởng Bộ y tế về chế độ kiểm tra công tác dược tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công văn số 6318/QLD-VP ngày 26/9/2003 của Cục QLDVN hướng dẫn công tác kiểm tra dược địa phương, đoàn kiểm tra 3 tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn, Cao Bằng do DS Vũ Đình Dũng, Phó giám đốc Sở y tế Hải Dương làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra từ ngày 6/11 đến 14/11/2003 (Trưởng đoàn kiểm tra tỉnh Bắc Kạn là ông Nông Quốc Chí, Phó giám đốc Sở y tế và tỉnh Cao Bằng là ông Lục Văn Quý, Phó Giám đốc Sở y tế). Nhân đây, cũng xin trình bầy một số nội dung liên quan đến công tác dược liệu ở địa phương.
Tiềm năng
Toàn đoàn 3 tỉnh đều rất quan tâm đến công tác dược liệu. Cá nhân còn có người đã từng lăn lộn nhiều năm với công việc này. Anh Nông Văn Tiến, chuyên viên Phòng QLD (Quản lý dược) Sở y tế Cao Bằng tâm sự “ở Cao Bằng, Phòng QLD được giao trách nhiệm quản lý Chương trình quản lý thuốc gây nghiện và hướng tâm thần (Chương trình chống ma tuý). Thế là, tôi có dịp đi nhiều nơi, vào vùng sâu, vùng xa của tỉnh và tích luỹ được kinh nghiệm về cây thuốc và bài thuốc”. ở tầm toàn tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở y tế Hải Dương đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án Củng cố phát triển ngành Dược tỉnh Hải Dương đến năm 2010 ” (Ban hành tại Quyết định số 1960/2003/QĐ-UB ngày 27/6/2003 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Nhung ký). Con số vốn đầu tư của tỉnh là 41,980 tỷ đồng có thể chưa lớn so với nhiều ngành khác nhưng thật quý giá cho ngành Dược Hải Dương và chắc sẽ làm “nên chuyện” với những con người yêu ngành, yêu nghề. Một trong 5 mục tiêu ghi trong Đề án là “Phát triển các vùng chuyên canh dược liệu, đáp ứng nhu cầu điều trị, sản xuất, trao đổi. Khôi phục phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam ở địa phương”. Còn ở Bắc Kạn, đoàn có dịp đi thăm Vườn quốc gia Ba Bể và thấy bên cạnh tiềm năng du lịch đang được đầu tư khai phá, một tiềm năng to lớn về dược liệu vẫn còn đó… Tiềm năng đó còn được bộc lộ rõ khi làm việc với ông Nông Quốc Chính, Phó Chủ tịch TT Hội Đông y Bắc Kạn và ông Vũ Trường Hoan, Chủ tịch Hội Đông y Cao Bằng.
Tiềm năng trong từng con người, từng đơn vị và tiềm năng lớn lao trong thiên nhiên như vậy nhưng đòi hỏi hiện nay là làm sao để “dược liệu thực sự là nguồn lực cho phát triển kinh tế của địa phương, của ngành…”
Làm gì ?
Làm gì để phát triển dược liệu đang là điều trước tiên phải suy nghĩ. Về nuôi trồng dược liệu, Đề án củng cố phát triển ngành Dược tỉnh Hải Dương có đề cập đến việc phát triển các vùng chuyên canh dược liệu bên cạnh việc khôi phục 41 vườn thuốc mẫu đủ 60 loại cây và 82 vườn có hơn 40 loại cây thuốc tại các Trạm y tế xã để tiến tới khôi phục phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam ở địa phương. Công ty Dược Hải Dương có 21 số đăng ký thuốc sản xuất từ dược liệu trong tổng số 49 số đăng ký mặt hàng còn hiệu lực.
Còn ở Cao Bằng, ngay trong Cửa hàng của Khách sạn mà chúng tôi nghỉ, Chè đắng với những phẩm cấp khác nhau, giá cả khác nhau đang được bầy bán. Nghe nói, Chè đắng này cũng được xuất khẩu.
Những việc làm trên là những cố gắng của các địa phương nhưng còn rời rạc, đơn lẻ. Trong khi chúng ta còn cứ lúng túng với cây gì, thì nhiều loại cây cỏ (có khi lạ lẫm với chúng ta) vẫn cứ được tư thương thu mua và bán sang Trung Quốc…
Ai làm ? Ai quản lý ?
Tiềm năng như vậy cần có người khai phá. Nhưng công tác dược liệu tại các địa phương, thậm chí ngay nơi có nhiều tiềm năng lại đang bị bỏ ngỏ. Nếu như trước đây, đã có thời chúng ta có được ở mỗi tỉnh 1 Trạm dược liệu (bị xoá bỏ trong những năm 1993 – 1996)?... Rồi trong một số Hội nghị ngành Dược một vài năm qua, nhiều anh em tâm huyết với sự nghiệp ngành Dược nói chung và dược liệu nói riêng đã kiến nghị xem xét lại việc không cơ cấu cán bộ Dược trong định biên theo Quyết định 58/QĐ-TTg nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tôi nghĩ, để chuẩn bị cho những bước tiến trong thời kỳ mới, có lẽ cũng cần đánh giá lại một cách khách quan và nghiêm khắc những quyết định trước đây mà đã được thời gian kiểm chứng. Để rồi, những thế hệ sau khỏi phải gánh chịu và có thể thanh thản vươn lên. Đánh giá là một bước bắt buộc của các Chương trình, Dự án phải làm trước khi chuyển sang một giai đoạn mới.
Có thể có ý kiến là các Công ty Dược các tỉnh cần đi vào công tác dược liệu. Nhưng ở những tỉnh được kiểm tra, các Công ty Dược đã và đang cổ phần hoá, phải dồn sức hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh của mình, đưa thuốc đến vùng sâu, vùng xa... thì làm sao có đủ năng lực mà làm dược liệu, một công việc khó khăn, phức tạp và mang tính lâu dài. Ví dụ như Công ty CP Dược tỉnh Bắc Kạn chỉ có 02 DS đại học, 3 DS TH và KTV, 27 DT, 27 điểm bán lẻ thuốc phục vụ cho 122 xã trong đó 90% là vùng cao. Bắc Kạn hiện vẫn còn 4 đơn vị chưa thành lập được Hiệu thuốc huyện và có Hiệu thuốc chỉ do Dược tá quản lý.
Ai chỉ đạo và hỗ trợ ?
Sự nhiệt tình của đồng nghiệp ở địa phương là rất quý, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng nhiệt tình ấy cần đến sự chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực của cấp trên, các Bộ, Ngành, Chính quyền địa phương...
Riêng đối với vấn đề dược liệu, điều đó đặt ra những yêu cầu cụ thể cần được giải quyết: Vụ, Cục nào trong Bộ Y tế được giao nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về công tác dược liệu? Sự chỉ đạo liên ngành, nhiều khi rất cơ bản do đặc thù của công tác dược liệu ra sao? Nội dung chỉ đạo, hỗ trợ thuộc nhiều lĩnh vực, từ chủ trương, chính sách, đầu tư đến kỹ thuật, thị trường tiêu thụ…
Một vài điều thu nhận trên qua đợt kiểm tra chéo 3 tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn, Cao Bằng có thể mới chỉ phản ảnh một phần những vấn đề của công tác dược liệu hiện nay. Nhưng nó là một thực tế đòi hỏi phải giải quyết khi mà toàn ngành đang xây dựng Quy hoạch phát triển ngành Dược đến năm 2010 trong đó dược liệu được xem như nền tảng của ngành Dược Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là những vấn đề mà Hội dược liệu Việt Nam với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp cần xem xét để có hành động đóng góp vào sự nghiệp chung của ngành dược liệu nước ta nói riêng và ngành Dược nói chung.
Ds. Tạ Ngọc Dũng
Caythuocquy.info.vn, Số 11