Cần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Củ bình vôi tím - một trong những cây thuốc quý ở các tỉnh miền núi
Bình vôi tím, dân tộc Tày ở tỉnh Bắc Kạn thường gọi là “Cà tòm đeng” có nghĩa là Bình vôi đỏ, tên khoa học Stephania rotunada Lour, họ Tiết dê MENISPERMACEAE Bình vôi tím là một loại dây leo giống như các loại Bình vôi khác, dưới gốc rễ hình thành củ, mọc bám vào vách đá nhưng củ Bình vôi tím loại nhỏ hơn loại trắng nhiều (chỉ nặng khoảng 0,5 – 1kg). Vỏ củ màu nâu, dây màu tím phần thịt củ màu đỏ, nhựa dây cũng màu đỏ. Phần dây leo và lá y hệt cây Bình vôi trắng, nhưng lá nhất là ngọn và lá non màu tím. Cây Bình vôi tím phân biệt đực cái rõ vì hoa đực và hoa cái khác gốc, củ cũng khác, củ cây cái thường tròn, củ cây đực thường dài hơn. Bình vôi tím là cây thuốc ít gặp, thuộc loại hiếm, thường gặp ở một số xã thuộc huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông (Bắc Kạn) với trữ lượng ít. Một số thầy thuốc biết sử dụng củ Bình vôi tím làm thuốc nên đặt mua với dân với giá khá cao (15.000đồng/ kg củ tươi) đã dẫn đến tình trạng khai thác triệt để, đẩy Bình vôi tím đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng hoàn toàn.
Các thầy thuốc dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn thường dùng Bình vôi tím để điều trị các bệnh về đường ruột như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, lỵ cấp mãn, trĩ nội xuất huyết…), các bệnh về khớp và thần kinh. Đặc biệt có thầy thuốc còn dùng bột củ Bình vôi tím cho uống với liều 5 – 10g/ ngày để tiêu u ( u đại tràng, u phổi), và có thông báo kết quả là rất tốt nhưng do chưa được kiểm chứng nên chúng tôi chưa có kết luật. Tuy nhiên dùng củ tươi giã, nát tẩm nước vo gạo để đắp các khối u lành tính bên ngoài, kể cả bướu Basedow thì có hiệu quả tốt, u nhỏ lại trong thấy chỉ sau một đợt điều trị từ 10 – 15 ngày, phải chăng nếu dùng đường uống thì thuốc cũng đều có tác dụng? Chúng ta đều biết trong củ bình vôi có một alcaloit có tên là Rotunda (Tetrahydro Panmatin) - hoạt chất chính của củ Bình vôi, có tác dụng an thần, giảm đau, và chống viêm nhẹ. Như vậy, ngoài hoạt chất này ra, trong củ Bình vôi tím còn có chất gì nữa có màu đỏ (bột củ Bình vôi tím có màu nâu đỏ khác với bột củ Bình vôi trắng có màu trắng vàng), có hoạt lực sinh học cao hơn hẳn. Các thầy thuốc dân tộc ở Bắc Kạn thường không dùng củ trắng làm thuốc, mà hay dùng củ tím.
Là một bác sỹ y học cổ truyền, thấy vị thuốc có tác dụng đặc biệt nhưng chưa biết cách nghiên cứu, ứng dụng và bảo tồn một cách có hiệu quả nên tôi rất băn khoăn. Nếu cứ khai thác và sử dụng chưa hợp lý như hiện nay, nhiều cây thuốc trong đó cây Bình vôi tím có nguy cơ bị tuyệt chủng hoàn toàn là rất cao. Rất mong các bạn đồng nghiệp, các giáo sư đầu ngành có định hướng giúp cho tỉnh Bắc Kạn chúng tôi bảo tồn gen dược liệu quý hiếm như cây Bình vôi tím này.
BS. Nông Phúc Chinh