TINH HOA XANH

Bảo tồn và phát triển nguồn Dược liệu, mô hình cần phát triển

Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, mô hình cần phát triển

Việc khai thác dược liệu có chọn lọc, có giới hạn trong toàn vùng sẽ tạo ra môi trường phát triển ổn định giữa vấn đề khai thác, bảo tồn cây thuốc với phát triển kinh tế khu vực.

 

Hiện trạng khai thác, thu hái

Quỹ đất canh tác của xã Ba Vì sau khi quy hoạch Vườn quốc gia Ba Vì là 110 héc ta. Hơn 90% số hộ đồng bào dân tộc Dao tại đây biết làm thuốc Nam, hơn một nửa trong số này là chuyên làm thuốc, số còn lại làm theo tính chất thời vụ. Nguồn thu nhập bằng nghề làm thuốc Nam chiếm hơn 70% tổng thu nhập toàn xã. Theo thống kê của UBND xã, riêng năm 2008, tổng thu nhập từ việc sản xuất kinh doanh thuốc Nam là 4,5 tỉ/5,5 tỉ đồng thu nhập, bằng 82% tổng thu nhập toàn xã, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống người Dao.

Nguồn cung cấp cây thuốc Nam chủ yếu lấy từ rừng tự nhiên trên núi và Vườn Quốc gia Ba Vì. Nguồn dược liệu thu hái từ nuôi trồng mới chỉ có 10 héc ta trong tổng số 110 héc ta đất canh tác. Đồng bào Dao sản xuất thuốc Nam theo phương thức vào rừng thu hái dược liệu về tự chế biến, vì thế sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, không thống nhất về phương pháp, không có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi nhu cầu tiêu thụ tăng dẫn đến sự khai thác rừng quá mức hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng và sự bền vững của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Trước tình hình này, Trung tâm Khoa học Công nghẹ và Môi trường thuộc Liên minh các Hợp tác xã Việt nam đã tiến hành triển khai Đề tài “Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển vùng dược liệu một số cây thuốc quí hiếm tại HTX (Hợp tác xã) dịch vụ thuốc Nam dân tộc Dao, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, Hà Nội”  thực hiện trong 2 năm 2009 và 2010.

Kỹ sư Dương Thúy Kim, chủ nhiệm Đề tài cho rằng mấu chốt của vấn đề là khả năng cân bằng lợi ích của người dân với việc bảo vệ đa dạng sinh học  ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Bên cạnh việc xây dựng khung pháp lí về công tác quản lí và bảo tồn đa dạng sinh học thì vấn đề qui hoạch, hình thành vùng dược liệu tại khu vực xã Ba Vì là rất cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được bởi nguồn tài nguyên đã có sẵn trong tự nhiên, vấn đề chỉ là trồng ở đâu, quản lí và khai thác sử dụng như thế nào cho hợp lý. Đề tài cũng tập trung lựa chọn bảo tồn những loại cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng, các loại cây quí hiếm, mà không bảo tồn tràn lan các loại cây đã bị thoái hóa về nguồn gen. Việc khai thác dược liệu có chọn lọc, có giới hạn trong toàn vùng sẽ tạo ra môi trường phát triển ổn định giữa vấn đề khai thác, bảo tồn cây thuốc với phát triển kinh tế khu vực.

Xây dựng mô hình một HTX thuốc Nam cũng là một giải pháp mà Đề tài đặt ra. Thực tế cho thấy, HTX sản xuất thuốc Nam không chỉ thu hút bà con xã viên tham gia theo hướng làm ăn có tổ chức, phát triển kinh tế gia đình dựa trên phương thức thu hái, chế biến đúng kỹ thuật, thực hiện được việc phát triển nuôi trồng dược liệu có kế hoạch. HTX cũng góp phần định hướng cho bà con tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc Nam trên chính mảnh đất của mình.

Điểm nổi bật của Đề tài là  giải pháp kết hợp giữa các công ty Dược và cộng đồng người Dao để phát triển những bài thuốc. Đây là giải pháp có tính thực tiễn trong việc giải bài toán về vốn đầu tư cho bà con, qua đó tăng cường khả năng trồng trọt và thu hái tại nhà, giảm bớt hoạt động thu hái tự nhiên. Bà con còn được cung cấp giống cây thuốc sẵn có từ một số địa phương khác, được đầu tư các dây chuyền kỹ thuật cho việc sơ chế, bảo quản cây thuốc sau khi thu hoạch hay áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp với vốn am hiểu thị trường của mình còn hỗ trợ địa phương trong hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này, góp phần nâng cao giá trị các mặt hàng trên thị trường. Khi có được sự ổn định về đầu ra, khẳng định được chất lượng thì các sản phẩm thuốc Nam và các mặt hàng từ cây thuốc sẽ có giá trị xứng đáng và có sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị của kiến thức bản địa sẽ được coi trọng xứng đáng.

Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, xây dựng và hỗ trợ cho HTX thuốc Nam của xã phát triển giống cây thuốc, đã triển khai được 1.500m2  vườn ươm cây giống, trồng được hơn 7.000 cây con chia cho các hộ gia đình trồng đại trà. Mặc dù Đề tài chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, song hiệu quả của nó rất có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp bà con dân tộc Dao nơi đây có cái nhìn đầy đủ về nguồn tài nguyên cây thuốc mà còn hướng cho bà con có cách làm ăn mới, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao hơn, vừa góp phần bảo tồn và phát triển bền vững nguồn dược liệu quí ngay tại chính mảnh đất mình sinh sống. Đây còn là cơ sở lí luận và thực tiễn cho việc triển khai mở rộng các mô hình tiếp theo ở các địa phương khác.

CTQ số 195 - 196

 
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""