Không chỉ Đông y mới dùng dược liệu, mà ngay cả Tây y cũng đang rất cần dược liệu để bào chế các sản phẩm Tân dược, vì không độc hại, ít tác dụng phụ, nhất là không phải tốn kém nhiều kinh phí và thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm như hóa chất.
Do đó, hiện nay các nước phát triển đang rất quan tâm đến việc nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP để thay thế hóa chất sản xuất Tân dược. Đây còn là nguồn lợi rất lớn về kinh tế, vì chẳng những tự túc được nguồn thuốc giá rẻ để chữa trị cho bệnh nhân mà còn tiết kiệm được ngoại tệ và tạo được công ăn việc làm ổn định cho nhân dân.Tuy nhiên,
- Vì bản thân ngành y tế không thể đi sâu, đi sát với nhân dân để vận động, hướng dẫn nhân dân nuôi trồng, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP, mà phải thông qua các cấp Hội Dược liệu để kết hợp với ban ngành, đoàn thể và các hội bạn, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc vận động và hướng dẫn nhân dân thành lập các Công ty hay doanh nghiệp chuyên ngành để xã hội hóa việc nuôi trồng, chế biến và phân phối dược liệu theo quy mô công nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Vì nhu cầu tiêu thụ dược liệu ở trong nước mỗi năm khoảng 100 ngàn tấn khô, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 30% (vừa tiêu dùng, vừa xuất khẩu), còn lại 70% là phải nhập trôi nổi từ Trung Quốc, chất lượng rất kém và giá cả quá cao. Thậm chí như Sa nhân, Sinh địa họ mua ở Việt Nam về chiết xuất lấy nước cốt, còn xác thì sao tẩm bán lại cho chúng ta, hoặc dược liệu có tẩm chất độc như Hồng hoa … theo như báo chí đã loan tin.
- Việt Nam có thế mạnh về truyền thống YHCT và nhiều loại dược liệu quý hiếm, nhưng giờ đây, đất và rừng ngày càng bị thu hẹp lại, các loại dược liệu quý hiếm ngày càng cạn kiệt vì không có bảo quản và đầu tư nuôi trồng, đặc biệt là nuôi trồng theo tiêu chuẩn GACP, các Trung tâm nuôi trồng dược liệu của ngành y tế tại các tỉnh thành trước đây thì bị giải thể. Riêng ở Lâm Đồng và Sapa thì bị thu hẹp lại, chỉ còn Trung tâm Dược liệu ở Đồng Tháp Mười là hoạt động rất tốt. Mặc dù Việt Nam ta có thế mạnh về đất đai, có chương trình 327, dư thừa lao động, chuyên môn và nguồn thảo dược thiên nhiên không thua kém gì các nước bạn có thế mạnh về Đông y như Trung Quốc, Hàn Quốc v.v… Thậm chí, Việt Nam còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước bạn khác cả trăm loài dược liệu như Quế, Sa nhân, Thảo quả, Ý dĩ, Ba kích, Long nhãn, Sen, Hồi, Hoa hòe, Bụp giấm, Dừa cạn v.v… mỗi năm gần 20000 tấn, trị giá cả trăm triệu USD, nên tại Đại hội nhiệm kỳ II Hội Dược liệu Việt Nam sắp được tổ chức, đề nghị quý đại biểu nên trao đổi, bàn bạc để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Dược liệu Việt Nam, các đại biểu có tâm huyết, nhiệt tình và đủ năng lực để phát động các cấp Hội và doanh nghiệp liên doanh, liên kết chặt chẽ với nhau, hưởng ứng việc nuôi trồng, chế biến và phân phối dược liệu đạt tiêu chuẩn, cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất thuốc và từng bước tiến tới xuất khẩu theo đúng định hướng sau đây:
1) Phải khoa học hóa việc nuôi trồng dược liệu bằng các biện pháp kỹ thuật như: chọn đất, chọn giống, chọn phân để nuôi trồng, thu hoạch và sơ chế dược liệu theo đúng tiêu chuẩn GACP để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, được Bộ Y tế công nhận và cấp giấy phép cho lưu hành trong và ngoài nước.
2) Phải tổ chức hoặc thành lập cho được các Công ty, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và cung cấp cho các cơ sở điều trị và Công ty sản xuất Đông dược trong nước hoặc xuất khẩu. Muốn được như vậy, cần phải có một lực lượng Hội viên Hội Dược liệu Việt Nam thật sự vững mạnh. Đồng thời, đặc biệt là phải có được sự quan tâm, khích lệ và ban hành chính sách phát triển ngành Dược liệu Việt Nam trong giai đoạn mới của Chính phủ, cụ thể như:
- Phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của Trung ương Hội Dược liệu Việt Nam và các cấp Hội trực thuộc tỉnh thành, quận huyện và xã phường
- Có nhiều chính sách ưu đãi cho các cấp Hội, các công ty và doanh nghiệp chuyên ngành nuôi trồng, chế biến và phân phối dược liệu như: Đất đai để nuôi trồng và chế biến dược liệu, miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn ban đầu, đơn giản hóa thủ tục v.v…
Về phần mình, trong giai đoạn hội nhập này đòi hỏi các nhà doanh nghiệp và các cấp Hội Dược liệu Việt Nam phải liên doanh, liên kết chặt chẽ với nhau, dưới sự hướng dẫn của Trung ương Hội Dược liệu Việt Nam để tạo thành sức mạnh tổng hợp, có đủ khả năng cạnh tranh với các đại gia trong và ngoài nước đang tung ra thị trường nhiều loại thực phẩm chức năng và thuốc Đông y, mặc dù giá cả rất cao, nhưng vẫn có người tiêu thụ. Điều này làm cho các cấp Hội Dược liệu và các nhà doanh nghiệp chúng ta phải suy nghĩ: tại sao họ làm được, nhất là trên sân nhà Việt Nam. Chẳng nhẽ chúng ta là người Việt Nam lại làm ngơ, mặc cảm vì mình nghèo nên chấp nhận sự thua thiệt. Trong khi thực tế, đối tượng chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế chúng ta đa số là dân nghèo ở thành thị, vùng sâu, vùng xa, chiếm gần 70% dân số, đang rất cần nguồn thuốc giá rẻ, chất lượng cao bằng cây nhà lá vườn, để trở về với cội nguồn của dân tộc là người Việt dùng thuốc Việt, đúng theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Tôi cũng tán thành ý kiến của một Hội viên tâm huyết (tạp chí CTQ số 223.Tr4) “Phải đổi mới mạnh mẽ về hoạt động, làm cho Hội thiết thực gắn với cuộc sống của mọi cá nhân và tổ chức. Tính thiết thực làm cho người ta tích cực, nhiệt tình với hoạt động của Hội. Nếu hoạt động như cũ sẽ làm cho các Hội viên chán nản vì Hội chẳng có vai trò gì đối với hoạt động sống của cá nhân và tổ chức Hội viên”. Đó phải là sự phấn đấu cao của bản thân Hội Dược liệu Việt Nam trong Nhiệm kỳ tới mà khởi đầu của nó là Đại hội Nhiệm kỳ sắp được tổ chức.
Nguyễn Tấn Quang (CTQ số 225)