Lời cảnh báo âm thầm
Tôi có thói quen là nâng ly trà nóng lên miệng bao giờ cũng “thò mũi”, “đánh hơi” trước đã. Hễ có mùi hương tổng hợp là nhăn mặt, đặt xuống. Lắm khi chuyện trò hồi lâu, đứng lên cáo từ gia chủ ra về mà ly nước vẫn còn nguyên, lạnh tanh. Không ít trường hợp bị coi là bất nhã, thậm chí khinh người. Nhiều khi ăn xong bát bún riêu, muốn tráng miệng bằng ngụm trà nóng cho sạch mùi mắm tôm mà đành chịu. Sợ quá, nhà nào cũng trà hương, quán nào cũng trà hương, không sen thì lại hoa lài. Giữa cái thời đại văn minh này, ao ước có được một ly trà mộc thôi cũng thật là khó.
Có hãng trà quảng cáo ngoài bao bì “dùng toàn hương thiên nhiên”, trộn cả cánh hoa lài vào đấy, nhưng cơ bản vẫn là hương tổng hợp. Các nhà hóa học trổ hết tài năng nhái lại thiên nhiên, nhái lại thượng đế song vẫn còn thua xa. Hương tự nhiên bao giờ cũng lành, dịu dàng, quyến rũ chứ đâu lại hăng hắc như thế. Có điều, nếu không phải là những người chuyên môn thì cũng khó mà phân biệt được.
Tôi có một nơi uống trà mà không dính vết hương tổng hợp, ấy là nhà một đồng nghiệp của tôi, mặc dù anh ta chuyên sản xuất các loại hương tổng hợp để cung cấp cho các tiệm trà. Mỗi lần tôi nâng ly trà đánh mũi theo thói quen, anh ta mỉm cười: “Yên tâm, mình pha cho mình uống nó phải khác chứ”. Đúng là ở đấy tôi mới được uống trà mộc theo đúng nghĩa, vì anh bạn tôi tự trồng trà, tự sao lấy. Anh rỉ tai tôi: “Trà mộc thứ thiệt mà đã yên tâm à?” Lầm! Cũng đầy thuốc trừ sâu. Mình có đến một gia đình trồng trà, cũng là đối tác với nhau cả. Hắn nói: “ấy, tôi vẫn cứ phải trồng riêng một luống trà nhà dùng, không phun thuốc sâu”. Thế này thì chỉ chết người dùng, tôi trộm nghĩ.
Hương lài thì không đáng sợ lắm vì nó đi từ cồn Benzilic và acid acetic là acid giấm. Còn hương sen thì kinh khủng, đi từ metanol và dihydroquino, một thứ thuốc ảnh, cả hai chất đều độc. Chất trung gian hình thành lại là dimetylsulfat, chất mà các tài liệu chuyên môn đều ghi: “Cực độc! Tác nhân gây ung thư mạnh”. Chỉ cần tinh chế không sạch, còn vết trong sản phẩm đã sặc mùi hắc của thuốc sâu, và độc tính cũng là độc tính của thuốc trừ sâu. Tôi nhớ lần đầu thí nghiệm, chỉ ngửi thôi mà cả nhà anh ta đã đi tiêu chảy.
Tôi thật lòng khuyên anh ta: “Thôi, đừng sản xuất hương sen tổng hợp nữa, phải tội”. Anh nói cũng lại rất chân tình: “Người ta có chức có quyền còn dám thí một đời cha, mình muốn thí theo cách của họ cũng chịu, làm gì có điều kiện. Thôi thì sinh vì nghệ, tử vì nghệ, cả đời cán bộ không nuôi nổi mình, nhắm mắt cũng phải để lại cho con cái ngôi nhà, kẻo nó oán”. Đến thế thì tôi còn biết nói gì thêm.
Bẵng đi mấy năm, nhận được thư anh tôi mừng quýnh. Thư viết: “Hôm nào ra bắc lại nhà mình chơi. Nhà thì xây sắp xong rồi đấy, chỉ buồn là được thằng con một lại bị dị tật bẩm sinh. Vẫn cứ nhớ lời khuyên của bạn ngày nào, có lẽ đúng chăng?”.
Tôi nghỉ phép về mừng tân gia theo lời mời lại đúng vào đám tang của anh. Bạn bè kể lại, vừa thương, vừa trách: Gặp anh ta ở đâu là sặc mùi hóa chất ở đó. Mùi thuốc sâu như ướp vào quần áo, da thịt. Bắt tay thấy lòng bàn tay khô ráp vì tiếp xúc với acid sulfuríc đặc nhiều quá. Đừng cố nữa, ai cũng gàn, rõ khổ.
Đám tang rồng rắn kéo dài. Trong đoàn người đưa tang có các nhà hóa -học đồng nghiệp của anh, những danh trà, đối tác của anh và vô số khách hàng vẫn dùng trà hương tổng hợp hàng ngày. Xe tang lặng lẽ vòng quanh toà nhà ba tầng vừa mới xây cất mà đáng lẽ chủ nhật này tôi đến dự tân gia. Chủ của nó giờ đây là một thằng bé mồ côi dở ngây,dở dại
Tôi thở dài nhìn bức chân dung trên quan tài, có dải băng đen như một gạch chéo bên góc trái, gạch chéo xoá sổ dứt khoát của tử thần.
Chu Bá Nam