Đầu óc minh mẫn từ tuổi ấu thơ đến cuối tuổi già là ước mơ cháy bỏng của nhiều người. TS. Kaja Nordengen, chuyên gia về nuôi dưỡng não bộ nổi tiếng thế giới thuộc Đại học Oslo Na Uy, tác giả cuốn sách “Rèn luyện não” bật mí những bí quyết sau để duy trì lâu dài sức khỏe não bộ.
1. Ngủ đủ
Giấc ngủ hết sức quan trọng. Bởi vậy vì sao chúng ta phải dành một phần ba cuộc đời cho giấc ngủ? Hậu quả của thiếu ngủ khi giấc ngủ quá ngắn đồng nghĩa với não hoạt động trì trệ. Bạn sẽ gặp rắc rối với trí nhớ và khả năng tập trung, suy nghĩ chậm hơn. Mất ngủ cũng ảnh hưởng bất lợi tới trạng thái tâm lý, thiếu ngủ kéo dài có thể mắc bệnh tâm thần.
Tại sao giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với não bộ? Chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ về vấn đề này, song những nghiên cứu trên động vật đã cho thấy, khi ngủ não tự làm “vệ sinh”. Dịch não nằm trong lòng và xung quanh não, trong lúc ngủ sẽ “sục rửa” não bộ, và bằng cách này loại bỏ các sản phẩm của quá trình trao đổi chất, đã tích tụ vào ban ngày, khi chúng ta thức.
2. Rèn luyện cơ thể
Không chỉ các bài tập trí tuệ tốt cho não, mà tập luyện thể chất cũng “bổ” não. Tập luyện thể chất thường xuyên mang lại hiệu ứng tích cực cho trí nhớ và học tập, đồng thời cũng ngăn ngừa các bệnh hủy hoại trực tiếp tế bào thần kinh và các rối loạn tâm lý, như trầm cảm, nhất là với những người cao tuổi. Tập luyện thể chất gia tăng khả năng linh hoạt của não bộ, trong đó có hiệu ứng kích thích sự tạo ra mao mạch và tế bào thần kinh mới.
Tuy nhiên lợi ích lớn nhất đối với não xuất phát từ thực tế: Trong thời gian tập luyện thể chất, cơ thể tiết xuất những hợp chất dẫn đến sự gia tăng và phát triển tế bào não bộ. Ngoài ra, tập luyện thể chất còn giảm thiểu nguy cơ xuất hiện nhiều chứng bệnh khác gián tiếp hủy hoại não (như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch).
Đọc sách làm giàu kiến thức, mang lại giấc ngủ ngon và nhiều lợi ích sức khỏe khác.
3. Học chơi nhạc cụ nào đó
Học chơi nhạc cụ nào đó đặc biệt có lợi cho não. Sự khác biệt về cấu trúc trong não người chơi nhạc và “mù” nhạc rất rõ rệt. Càng sớm bắt đầu học chơi một loại nhạc cụ bất kỳ nào, những khác biệt này càng thấy rõ. Các nhà khoa học đã quan sát được phần trước của thể chai, còn gọi là thể kết nối hai bán cầu đại não, lớn hơn ở người chơi nhạc. Ngoài ra, ở những người chơi các loại nhạc cụ có phím (dương cầm), vỏ não họ dầy hơn ở những vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát sự vận động, phát hiện âm thanh và nhận biết các yếu tố kích hoạt thị giác.
4. Học ngoại ngữ
Ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ nước ngoài được ghi nhận rất khác nhau trong não. Người cao tuổi học ngoại ngữ khó hơn so với người trẻ tuổi. Trẻ em học ngoại ngữ dễ hơn rất nhiều. Những âm thanh người cao tuổi không có, hoặc không phân biệt trong tiếng mẹ đẻ, có thể trở thành thách thức đích thực. Mặc dù vậy, nỗ lực học ngoại ngữ mang lại tác dụng “cứu rỗi” não bộ suốt cuộc đời còn lại.
5. Ăn uống lành mạnh
Não sử dụng tới 1 phần 5 thức ăn bạn nạp vào cơ thể? Vì thế, bạn ăn gì đóng vai trò hết sức quan trọng. Được chỉ định ở vị trí cao trên bảng danh mục các sản phẩm bổ não là axit béo omega-3 và các loại cá béo. Cơ quan giàu chất béo nhất, chính là não. Ngoài ra, tuân thủ nguyên tắc chung của dinh dưỡng lành mạnh: Thực đơn phong phú với điểm nhấn là các loại quả, lạc vừng, hạt dẻ và các loại rau. Dĩ nhiên không được phép bỏ qua bữa ăn sáng!
6. Uống đủ nước
Khoảng 80% cấu thành não bao gồm từ nước và não rất mẫn cảm với tình trạng cơ thể mất nước. Nếu chỉ nhận được lượng nước ít hơn so với nhu cầu, chúng ta sẽ khó tập trung và trí nhớ ngắn. Đơn giản, não bộ teo tóp, khi thiếu nước. Dù chỉ trong chốc lát. Thế nên thường xuyên phải uống đủ nước.
7. Loại bỏ các yếu tố gây stress
Stress (căng thẳng tâm lý) bất chợt hoặc ở mức độ vừa phải không hại não, song trạng thái stress mạn tính, kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ và học tập. Nguyên nhân của mối quan hệ nhân quả này là nồng độ độc hại của các chất dẫn truyền thần kinh kích hoạt và các hormone stress.
Não người trưởng thành đối mặt tốt hơn với tình trạng stress so với não trẻ em, hay não của trẻ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, bất chấp tuổi tác, chúng ta cần cố loại bỏ các yếu tố dẫn đến stress mạn tính, tiêu cực.
8. Đọc sách thay vì xem tivi
Khoa học đã chứng minh, ngồi trước màn hình tivi nhiều hơn 2 giờ/ngày gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Thời gian dành cho tivi nhiều hơn 3 giờ/ngày, tăng nguy cơ chết yểu.
Thời gian xem tivi quá dài không chỉ gắn với những thói quen dinh dưỡng không lành mạnh, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
Trái lại, đọc sách không chỉ làm giàu kiến thức, mà còn tạo hiệu ứng dễ ngủ, ngủ ngon, hạ thấp mức độ stress và gia tăng năng lực thấu cảm. Ngoài ra, chăm đọc sách còn gia tăng dự trữ nhận thức, làm cho não đề kháng tốt hơn với các loại bệnh.
9. Tham gia sinh hoạt bạn bè, xã hội
Não con người được tạo ra để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau cùng với cộng đồng. Nhờ thế, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau và phát triển không ít ý tưởng mới, thụ hưởng tiến bộ công nghệ khổng lồ trong tất cả lĩnh vực cuộc sống.
Muốn có sức khỏe não bộ, chúng ta cần quan tâm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Khoa học đã ghi nhận, những người tích cực tham gia sinh hoạt bạn bè, xã hội không chỉ có tuổi thọ cao hơn, mà còn có phong độ sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn, thêm nữa - bệnh mất trí nhớ xuất hiện muộn hơn so với đối tượng thực hành lối sống cô đơn, né tránh bạn bè.
10.Tự đặt thách đố
Khi thường xuyên phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào não bộ đều được kích thích. Chúng ta sẽ sống khỏe hơn, khi hàng ngày phải đối mặt với thách đố, ở mức độ khác nhau. Nhờ thế chúng ta học được nhiều hơn, trở nên sáng tạo, tháo vát và sở hữu não bộ hoàn hảo lâu hơn. Nói ngắn gọn, đối mặt thách đố mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
((Theo Wyborcza.pl))