TINH HOA XANH

“Hormon tình yêu”: Cách mà những chú chó chiếm được tình cảm con người

Chú chó cưng của bạn có thể yêu bạn nhiều đến nỗi chúng có thể lờ đi cảm giác nguy hiểm khi nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bạn, miễn là bạn đối xử tốt với chúng.

Nhưng điều gì đã khiến chúng tuân lệnh chủ một cách triệt để như vậy? Nghiên cứu mới đây cho thấy, có một loại hormon đã sản sinh ra khi bạn nhìn chăm chú vào đôi mắt của những chú chó, đó chính là ocytocin - hormon tình yêu.

Hormon ocytocin gắn kết tình cảm

Ocytocin thường được gọi là hormon tình yêu hay hormon gắn kết. Loại hormon này thường được nhắc đến nhiều trong các mối quan hệ tình yêu lãng mạn hay mối quan hệ giữa mẹ và trẻ sơ sinh.

Ocytocin đóng vai trò trong việc kết nối tình cảm, giúp hình thành tình yêu giữa nam và nữ. Ocytocin tăng cao ở những người đang yêu, nó góp phần quan trọng trong việc củng cố, nuôi dưỡng mối quan hệ, tăng cường tình bạn, bồi đắp lòng tin khiến chúng ta muốn kết hôn và tạo dựng gia đình cùng người ta yêu.

Không những vậy, ocytocin còn là hormon tình cảm mẹ con, được xem là vô cùng cần thiết trong quá trình người mẹ mang nặng đẻ đau. Khi mẹ bầu càng gần đến thời điểm sinh, tử cung sẽ càng nhạy cảm với ocytocin khiến tử cung co bóp với tần suất đều đặn hơn. Trong sản khoa, ocytocin thường được nhỏ vào dây truyền tĩnh mạch nhằm kiểm soát quá trình co thắt của tử cung. Nhờ đó mà thúc đẩy việc chuyển dạ, tăng cơn co bóp tử cung, giúp người mẹ sinh nở dễ dàng hơn. Ngoài ra, ocytocin còn giúp dự phòng và điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung hoặc sau sinh mổ.

Trong một kiểu quan hệ tình cảm khác, các bà mẹ thường nhìn chằm chằm vào đứa bé của họ, trong khi các em bé nhìn lại họ, sẽ có lượng ocytocin cao hơn. Những bà mẹ có nồng độ ocytocin cao hơn sẽ chăm sóc con cái của họ một cách tốt hơn, làm tăng nồng độ ocytocin ở trẻ khiến trẻ gắn bó và chú ý đến mẹ nhiều hơn, lại làm tăng nồng độ ocytocin của mẹ... Cứ như vậy, vòng tròn tình cảm giữa mẹ và bé lặp lại một cách tích cực. Nồng độ ocytocin cũng tăng ở những bà mẹ thường xuyên âu yếm em bé và giảm khi những em bé ít được mẹ bế bồng. Ngoài ra, ocytocin cũng được tiết ra qua hoạt động bú sữa mẹ ở trẻ. Trong trường hợp này, ocytocin thể hiện một lúc nhiều tác dụng: co bóp và đẩy sữa ra ngoài cho trẻ bú; giúp tử cung co lại như cũ sau 6 tuần sinh nở và quan trọng hơn cả, cho trẻ bú sau sinh làm thắt chặt sợi dây liên tâm giữa mẹ - con. Cũng từ đây, bé sẽ gắn bó với mẹ và hình thành mối tình cảm mẹ con cho đến hết cuộc đời.

Không chỉ ở mẹ, nồng độ ocytocin đã được chứng minh là tăng lên ở người cha khi họ tương tác với em bé, đặc biệt là khi họ bế bổng em bé.

Nếu không có hormon này, tình yêu cũng sẽ không tồn tại trong thế giới của loài người.

Sự chung sống lâu dài giữa chó và người đã cho phép chó tiến hóa để tận dụng hormon ocytocin làm mờ đi ranh giới mối quan hệ giữa động vật và chủ.

Sự chung sống lâu dài giữa chó và người đã cho phép chó tiến hóa để tận dụng hormon ocytocin làm mờ đi ranh giới mối quan hệ giữa động vật và chủ.

Tác động của ocytocin lên sự trung thành của loài chó

Bạn có thường xuyên nuôi chó không? Có nhìn vào đôi mắt của nó một cách đầy yêu thương? Hoặc mỉm cười với nó? Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy, mỗi khi bạn nhìn chăm chú vào đôi mắt của những chú chó, nồng độ ocytocin sẽ tăng lên. Và bạn cũng vậy. Theo các tác giả, sự chung sống lâu dài giữa chó và người đã cho phép chó tiến hóa để tận dụng hormon ocytocin làm mờ đi ranh giới mối quan hệ giữa động vật và chủ để bắt chước mối quan hệ giữa bố mẹ và con. Cơ chế kết nối đằng sau là tương tự nhau.

Khi não tràn ngập loại hormon này, chó tuân theo lệnh của chủ một cách tốt hơn. Và càng duy trì việc tiếp xúc bằng mắt với chủ, bên trong cơ thể chú chó lại càng tiết thêm nhiều lượng ocytocin. Dường như loại hormon này sẽ giúp các loài động vật thuần hóa hình thành mối liên kết, cảm nhận tình yêu, đáp trả lại như cách mà con người vẫn làm.

Trong thực tế, mức độ ocytocin trong cơ thể loài chó trung bình cao hơn gấp 5 lần so với mèo. Điều mà họ ngạc nhiên là lượng ocytocin càng nhiều sẽ khiến những con chó thích nhìn thấy những khuôn mặt tươi cười thay vì những khuôn mặt đe dọa - điều mà chúng ta từng làm.

Điều này nghe có vẻ không giống với thế giới loài người, nhưng trong số các loài động vật, sẽ có cơ hội sống sót cao hơn nếu chúng nhận biết được các dấu hiệu đe dọa - đây là một vấn đề lớn.

GS. Outi Vainio - Trường đại học Helsinki ở Phần Lan, tác giả nghiên cứu cho hay, có một vòng tròn tình cảm đạo đức giữa chó và người: Bạn càng đối xử tốt với chú chó của mình thì lượng ocytocin của chúng tiết ra càng nhiều và điều này khiến chúng yêu bạn nhiều hơn, đến mức chúng thậm chí còn lờ đi sự nguy hiểm vì bạn.

Ocytocin làm cho chó yêu nụ cười của bạn

Các nhà nghiên cứu đã đo kích thước con ngươi của chó để tìm hiểu cảm xúc. GS. Vainio cho biết, kích thước đồng tử lớn hơn chứng tỏ kích thích tình cảm cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã tiêm ocytocin qua mũi của chó và sử dụng thiết bị theo dõi bằng mắt. Họ đã kiểm tra cả kích thước đồng tử của chó cũng như hướng nhìn của chúng. Họ làm như vậy 2 lần cho mỗi con chó: Một lần sau khi chúng nhận được ocytocin và một lần không có hormon.

Theo mặc định, chó có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh nổi bật nhất của một tình huống xã hội - chẳng hạn như tín hiệu đáng sợ trong một tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, ocytocin dường như khiến chúng lấn át bản năng sinh tồn này; những con chó nhận được ocytocin quan tâm nhiều hơn đến khuôn mặt tươi cười của con người hơn là đe dọa.

Điều này được giải thích bởi những phản ứng cảm xúc của chúng đã được thay đổi. Nếu không có hormon ocytocin, chúng phản ứng nhiều hơn với khuôn mặt tức giận - đồng tử của chúng giãn ra nhiều hơn. Khi chịu ảnh hưởng của ocytocin, chúng lại phản ứng nhiều hơn với khuôn mặt tươi cười.

Các nhà khoa học giải thích, điều này có lẽ do ocytocin làm cho khuôn mặt tức giận trông bớt đe dọa và khuôn mặt tươi cười hấp dẫn hơn. Cả 2 dấu hiệu này cho thấy một hành vi ủng hộ xã hội cao hơn. GS. Vainio cho rằng: “Cả 2 tác động này thúc đẩy giao tiếp giữa người và chó, kèm theo đó là sự phát triển của các mối quan hệ tình cảm”.

 

 

DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""