Một chứng bệnh khá phổ biến, cũng là mối quan tâm của đa số bệnh nhân, nhất là phụ nữ, đó là chứng mụn nhọt và nám da.
Chúng tôi xin giới thiệu một vài phương thuốc điều trị bằng đông y đạt kết quả khả quan trên lâm sàng tại Phòng khám Nhân đạo Linh Quang (40/60 Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh).
Bài thuốc kinh nghiệm trị mụn nhọt và nám da:
1. Sài hồ nam
2. Thương truật
3. Hậu phác nam
4. Trần bì
5. Nghệ đen
6. La bặc tử
7. Chỉ xác
8. Nhân trần
9. Đại hoàng
10. Ô dước
11. Trạch tả
12. Liên kiều
13. Kim ngân hoa
14. Hoàng cầm
15. Hoàng bá
16. Đan sâm
Ý nghĩa tác dụng của bài thuốc:
Các vị Sài hồ, Nhân trần, Đại hoàng, Nghệ đen có tác dụng tăng cường chức năng sơ tiết của gan, giúp gan thông lợi mật. Các vị thuốc này vừa thanh can, vừa nhuận hạ và giải độc theo đường đại tiện.
Mụn nhọt là do huyết kết, nên dùng đan sâm để hoạt huyết cùng có tác dụng tương hỗ với Nghệ đen (đối với các chứng nám da, cần tăng cường hoạt huyết vì nám da là do huyết ứ. Có thể gia thêm Hồng hoa, Xích thược).
Huyết nhiệt độc là chức năng lọc máu của gan suy giảm. Vì vậy, ngoài nhóm thuốc sơ can nêu trên, cần có tác dụng của nhóm thuốc kiện tỳ, hòa vị, hành khí : Thương truật, Hậu phác, Trân bì, La bặc tử, Chỉ xác, Ô dước. Khi tỳ vị vận hóa tốt thì không còn phát sinh những gốc tự do trong máu là tác nhân gây mụn.
Bài thuốc còn có Ngân hoa, Liên kiều để thanh nhiệt giải độc. Liên kiều tả tâm hỏa, Hoàng cầm tả phế hỏa, Hoàng bá tả thận hỏa và tam tiêu hỏa, Trạch tả để rút nhiệt lợi thấp.
Khi hỏa nhiệt lui dần, khí huyết không uất kết thì mụn nhọt tiêu trừ và vùng da nám cũng nhạt dần.
Phương thuốc trên thiên về phép tiêu, vừa kết hợp điều hòa can tỳ, vừa hoạt huyết và thanh nhiệt giải độc. Tại phòng khám Linh Quang, bài thuốc này đã điều trị hiệu quả các chứng mụn nhọt và nám da.
Việc phân nhóm Quân, Thần, Tá, Sứ trong bài thuốc.
Trên đây là bài thuốc chung, tùy theo thể bệnh, người dùng có thể chọn nhóm thuốc chủ dược (vi quân):
Nếu ứ gan mật là chính: Chọn chủ dược gồm Sài hồ, Nhân trần, Nghệ, Đại hoàng (Sài hồ, Nhân trần là “Quân”; Nghệ, Đại hoàng là “Thần” ).
Nếu tỳ vị hư hàn sinh mụn nhọt: Chọn chủ dược gồm Thương truật là “Quân”, các vị Trần bì, Hậu phác, Chỉ xác, Ô dước là “Thần”. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy: Các trường hợp uống thuốc trị mụn vào, mụn nhọt nổi nhiều thêm, đa phần là do tỳ vị hư hàn, lại dùng quá nhiều thuốc khổ hàn (đắng lạnh) để thanh giảm. Khi đó, chỉ cần giảm thuốc khổ hàn, tăng lượng thuốc kiện tỳ hòa vị.
Nhọt độc nhiều thì tăng lượng Ngân hoa, Liên kiều, Hoàng cầm, Hoàng bá để giải độc.
Huyết kém nhiều thì thêm vị bổ khí, bổ huyết.
Bài thuốc trên tùy chứng gia giảm, sẽ đạt kết quả khả quan.
Tỷ lệ thống kê kết quả sử dụng bài thuốc trên để trị chứng mụn nhọt, nám da:
a/ Đối với chứng mụn nhọt và nám da do can khí uất kết, không sơ tiết: tỷ lệ đạt 95%.
b/ Đối với chứng mụn nhọt thể hư nhiệt do tỳ khí hư nhược không tàng nạp hỏa: Tỷ lệ đạt 85%
c/Đối với chứng mụn nhọt và nám da do sử dụng sai mỹ phẩm: tỷ lệ đạt 25%
Trị mụn nhọt kết hợp với phương pháp xông, rửa:
Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy ngoài việc uống thuốc sắc bài thuốc trên,nếu bệnh nhân kết hợp với cách xông hơi và rửa mặt hiệu quả điều trị sẽ nhanh chóng hơn.
Bài thuốc xông hơi vùng mặt:
a/ Lấy 150g Kinh giới tươi cả rễ, cành, lá rửa sạch cho vào nước đun sôi, xông hơi vùng mặt bị mụn trong 10 phút.
b/ Xông hơi bằng bài thuốc sau đây:
Kinh giới khô 12g Quế chi 10g
Hoắc hương 12g Sả 10g
Bạc hà 12g Nghệ 10g
Ngũ trảo 8g
Đối với chứng mặt nổi mụn sần sùi, sau khi xông hơi, có thể dùng bài thuốc đắp lên mặt trong vòng 15 phút, sau đó rửa sạch bằng nước trong.
Rửa mặt băng xà phòng ACNE AIDE. Một ngày rửa hai lần (sáng và tối).
* Nhận xét:
Đa số các trường hợp mụn nhọt thường có ở các bệnh nhân thuộc loại da nhờn.
Việc xông hơi có tác dụng làm da mặt khô; tinh dầu bốc hơi có tác dụng kháng khuẩn tốt.
Tuy nhiên, chỉ nên xông mặt mỗi ngày một lần trong vòng vài ngày. Không nên lạm dụng phép xông vì xông nhiều sẽ làm hao tân dịch.
* Trong khi điều trị mụn nhọt và nám da, phải lưu ý một số điểm sau đây:
1/Không để bị táo bón vì táo bón là nguyên nhân tính nhiệt và tụ huyết tố trên da.
2/Ăn uống hợp lý: Bớt ăn hoặc không ăn những thức ăn cay nóng (đối với bệnh nhân có tạng nhiệt); Không ăn đồ sống lạnh (đối với bệnh nhân có tạng hàn).
3/Thường xuyên giữ vệ sinh da: Rửa mặt và rửa miệng sau khi ăn, không lạm dụng mỹ phẩm.
Tuân thủ các điều trên và sử dụng bài thuốc đã nêu, chắc chắn đạt hiệu quả điều trị cao.
Nghiêm Dũng (CTQ số 106)