BÁN HẠ NAM
Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Shott.
Họ: Ráy (ARACEAE)
Tên khác: Củ chóc, nam tinh, ba chìa, bán hạ ba thùy.
Tên vị thuốc: Bán hạ.
Phần I. Đặc điểm chung
1. Nguồn gốc, phân bố
Cây bán hạ nam phân bố nhiều ở Trung Quốc, cây mọc hoang và trồng làm dược liệu. Nhân dân Trung Quốc coi bán hạ nam được sản xuất ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Sơn Đông có chất lượng tốt nhất.
Ở Việt Nam, bán hạ nam mọc hoang ở nhiều nơi. Tại Hưng Yên, nhân dân đã tiến hành trồng bán hạ nam lấy dược liệu.
2. Đặc điểm thực vật
Bán hạ nam là loại thân thảo, sống lâu năm, cao khoảng 20 - 30 cm. Củ hình tròn cầu hoặc tròn dẹt. Lá mọc từ củ, có cuống dài, về mùa xuân cây mọc 1 - 2 lá, dài 3 - 33 cm, lá đơn chia làm 3 thùy, tùy theo tuổi cây mà lá mọc có khác nhau về hình dạng, cuống lá dài, lá màu xanh, nhẵn bóng không có lông, lúc cây còn nhỏ lá đơn, hình trứng hay hình tim, đuôi nhọn mép lá nguyên hoặc hơi có làn sóng, gốc lá hình mũi tên, cây 2 - 3 năm tuổi lá có 3 thùy, hình bầu dục hay hình kim phình giữa, hai đầu nhọn. Cây 2 - 3 năm tuổi mới có hoa, hoa hình bông nở vào đầu mùa hạ, hoa có bao lớn, bao màu xanh, hoa cái mọc ở phía dưới, màu xanh nhạt, hoa đực mọc ở bên trên, màu trắng, đài nhỏ. Quả mọng hình bầu dục, dạng trứng.
3. Điều kiện sinh thái
Bán hạ nam là cây có khả năng thích ứng rộng, có thể trồng ở cả 3 vùng khí hậu đồng bằng, trung du và miền núi dưới 1.000 m. Cây phát triển tốt ở nơi có nhiệt độ trung bình từ 15 - 30oC. Lượng mưa hàng năm 1.000 - 1.500 mm. Đất trồng thích hợp là đất phù sa pha cát, ở nơi cao ráo, dễ thoát nước, đất rừng mới khai hoang đều thích hợp. Đất trồng có pH từ 6,0 - 8,0. Ở các loại đất trồng khác bán hạ nam vẫn phát triển được, thậm chí bán hạ nam mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, những nơi ẩm ướt và có bóng mát vào mùa hè.
4. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Phần thân củ.
Công dụng: Trong Đông y, sử dụng thân củ bán hạ nam làm thuốc trị ho suyễn, khí nghịch do đàm thấp thủy ẩm, thấp trệ trung tiêu, nôn mửa bụng đầy, đinh nhọt, sưng tấy, dùng sống tán bột, đắp ngoài.
Phần II. Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
Cây bán hạ nam sinh trưởng tốt ở nơi ẩm ướt, có bóng râm. Khu vực trồng dược liệu có năng suất tốt nhất là đồng bằng, những nơi đất giàu dinh dưỡng, phù sa ven sông. Thích hợp đất có pH trung tính hay hơi kiềm.
2. Giống và kỹ thuật làm giống
- Loại giống: Hiện nay ở nước ta đang tồn tại 3 loại bán hạ: Bán hạ Sa Pa, bán hạ dại, bán hạ nam. Trong trồng trọt hiện nay, ở nước ta chủ yếu dùng loại bán hạ nam nên phải chọn đúng loài bán hạ nam theo các đặc điểm sinh học nêu trên mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.
- Bán hạ nam có thể nhân giống bằng hạt, chồi và bằng củ. Trong đó, cách nhân giống bằng củ thường được sử dụng và có hiệu quả nhất.
- Nhân giống bằng củ: Cây bán hạ nam sinh trưởng, phát triển ngoài củ cái thường có thể mọc đến 7 - 10 củ con (dảnh nhỏ) các dảnh này được sử dụng làm giống rất tốt. - Lượng giống cần cho 1 ha là: 500 - 550 kg/ha.
- Tiêu chuẩn củ giống: Chọn các dảnh từ cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh, có kích thước 0,5 - 1,0 cm, không bị xây xát làm giống.
3. Thời vụ gieo trồng
Bán hạ nam mỗi năm có thể được trồng từ 2 - 3 vụ, sau trồng từ 3 - 4 tháng thì được thu hoạch. Thời vụ trồng chính là tháng 2 - 3, thu hoạch tháng 6 - 7.
4. Kỹ thuật làm đất
- Chọn đất thịt nhẹ (tốt nhất là đất phù sa ven sông suối). Tưới tiêu thuận lợi, độ pH 6,0 - 8,0, tầng canh tác dày.
- Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, chia luống rộng 1,0 - 1,2 m, mặt luống còn rộng 70 - 80 cm. Luống cao 25 - 30 cm, chiều dài luống tùy theo ruộng.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
Mật độ: 330.000 cây/ha.
Khoảng cách trồng: 20 x 15 cm.
6. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Lượng phân bón
Loại phân | Lượng phân/ ha (kg) | Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) | Bón lót | Bón thúc lần 1 | Bón thúc lần 2 |
Phân chuồng | 12.000 - 15.000 | 450 - 555 | 100 | - | - |
Đạm ure | 108 - 135 | 4 - 5 | - | 50 | 50 |
Supe lân | 270 | 10 | 100 | - | - |
Kaliclorua | 81 | 3 | 50 | - | 50 |
Có thể dùng phân bón tổng hợp NPK với tỷ lệ tương đương để bón.
Thời kỳ bón:
- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ + toàn bộ phân lân và 50% lượng phân kali, trộn đều bỏ theo rãnh sau đó lấp đất lại.
- Bón thúc: Chia làm 2 đợt bón:
+ Đợt 1: Khi cây được 6 lá, bón 50% lượng đạm.
+ Đợt 2: Khi cây giao tán, bón 50% lượng đạm và 50% lượng kali clorua.
7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Kỹ thuật trồng: Sau khi lên luống xong rạch 3 hàng dọc trên mặt luống, mỗi hàng cách nhau 20 cm, bón toàn bộ phân lót, phủ đất lên trên, trồng củ giống trên các hàng đã rạch sẵn với khoảng cách 15 cm.
Chăm sóc:
- Từ khi trồng đến khi cây mọc 7 - 10 ngày, giữ đất ẩm thường xuyên 80 - 90%.
- Từ khi cây có 1 - 3 lá thật, giữ đất có độ ẩm 60 - 70 %, thường xuyên nhặt sạch cỏ dại, tỉa những chỗ mọc dày, các cây bị sâu bệnh, dặm cây chết. Khi cây được 3 lá có thể tưới đạm loãng 1%.
- Khi cây có 2 - 6 lá thật tiếp tục làm cỏ, xới xáo, giữ đất ẩm 60 - 70 %. Tỉa dặm lần cuối, ổn định khoảng cách theo quy định.
- Giai đoạn cây từ 6 lá đến lúc giao tán tiến hành chăm sóc 2 lần, giữ đất ẩm tốt nhất từ 50 - 60 %, xới cỏ, phá váng, tiêu nước khi mưa, bón thúc 2 lần như trình bày ở trên.
- Từ lúc cây giao tán đến thu hoạch thường xuyên chú ý thoát nước ngay khi mưa úng tránh bị thối củ.
- Vào tháng 5, 6 khi cây có hiện tượng úa vàng và lụi, giảm độ ẩm đất (40 - 50 %) để chuẩn bị thu hoạch.
8. Phòng trừ sâu bệnh
Bán hạ nam rất ít sâu bệnh, thường chỉ gặp rệp mềm phá hại thân lá. Triệu chứng gây hại và cách phòng trừ rệp như sau:
Triệu chứng gây hại: Ban đầu, rệp chỉ tập trung gây hại ở những búp non, lá non. Về sau do tích lũy nhiều, mật độ tăng nhanh, chúng xuất hiện trên cả những lá già và thường tập trung ở mặt dưới của lá. Rệp chích hút nhựa cây làm búp non, lá non bị quăn queo, biến dạng, lá chuyển dần sang màu vàng, cây còi cọc, sinh trưởng kém. Rệp mềm có kích thước nhỏ, có hình quả lê và thân mềm. Chúng thường tập trung lại thành từng đám, đặc biệt ở dọc các gân lá.
Biện pháp phòng trừ :
- Kiểm tra ruộng thường xuyên và diệt bỏ ngay lập tức những lá bị rệp nặng. Nhổ cỏ dại mọc xung quanh cây vì nhiều loại cỏ dại vốn là đối tượng gây hại của rệp. Rệp có thể bị gió thổi bay do đó tránh trồng bán hạ ở cuối hướng gió của những ruộng đã bị nhiễm rệp.
- Sau mỗi vụ thu họach cần thu gom sạch sẽ những tàn dư của cây (thân, lá) ở vụ trước đem ra khỏi ruộng tiêu hủy hoặc ủ làm phân bón để tiêu diệt những con rệp còn sống sót trên đó, hạn chế rệp lây lan sang cho vụ sau.
- Hạn chế sử dụng hóa chất vì chúng có thể tiêu diệt cả những thiên địch. Nếu thấy mật độ rệp cao và liên tục gia tăng (tức lực lượng thiên địch có sẵn trong tự nhiên không đủ sức khống chế rệp) thì phải dùng thuốc trừ sâu để diệt rệp. Có thể sử dụng các loại thuốc như: Dầu khoáng (ví dụ Citrole 96.3EC, DK-Annong Super 909EC, Vicol 80 EC); Abamectin (ví dụ Aremec 18EC, 36EC, 45EC); Chlorpyrifos Ethyl + Permethrin (ví dụ: Tasodant 6G, 12G, 600EC, 600WP). Cần xem kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc về liều lượng và cách sử dụng thuốc.
9. Chế độ xen canh
Bán hạ nam là cây ưa bóng, có thể trồng xen ngô, thanh cao, điền thanh với mật độ thưa để tạo bóng mát.
10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch vào tháng 6 - 7, khi lá cây bắt đầu chuyển màu vàng và lụi. Đào củ, chọn củ có đường kính trên 1 cm để làm dược liệu, dưới 1 cm để làm giống.
Sơ chế: Củ làm dược liệu rửa sạch đất, cắt bỏ rễ, cạo sạch vỏ ngoài (màu vàng tro) và rễ tơ phơi trên lưới hoặc bạt, đến khi độ ẩm còn < 13 % là đạt yêu cầu.
Bảo quản: Khi bán hạ nam khô, đạt tiêu chuẩn độ ẩm, bảo quản trong bao nilon, bên ngoài bọc bao tải dứa hoặc các loại bao tải chống ẩm khác, để nơi khô ráo tránh ẩm ướt. Bảo quản trong kho để trên giá hoặc kệ cao cách mặt đất ít nhất 5cm, bán hạ nam ít bị mối mọt.
11. Tiêu chuẩn dược liệu
Mô tả: Củ bán hạ hình cầu tròn hoặc hình tròn dẹt, hoặc dẹt nghiêng, đường kính 1,0 - 1,5cm. Mặt ngoài mầu trắng hoặc vàng nhạt. Đỉnh có chỗ lõm là vết của thân cây, xung quanh có nhiều chấm nhỏ là các vết sẹo rễ. Phía dưới tù và tròn, hơi nhẵn. Chất cứng, mặt cắt trắng có nhiều bột. Mùi nhẹ, vị hăng tê và kích ứng.
Dược liệu có độ ẩm không quá 13%; Tạp chất không quá 1%
(Sách Kỹ thuật nuôi trồng cây thuốc)