TINH HOA XANH

Kỹ thuật trồng cây thuốc Bồ bồ

                                               BỒ BỒ

Tên khoa học: Adenosma indiana (Lour.) Merr.

Họ: Hoa mõm chó (SCROPHULARIACEAE)

Tên khác: Chè đồng, chè nội, chè cát, nhân trần.

Tên vị thuốc: Bồ bồ.

                                 

Phần 1: Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Cây bồ bồ thường mọc hoang ở vùng đồi, những ruộng vùng trung du miền Bắc như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Theo một số tài liệu của Trung Quốc bồ bồ phân bố khắp vùng nhiệt đới từ Ấn Độ, Srilanca đến Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và một số đảo lớn (Borne, Java) của Inđônêxia.

2. Đặc điểm thực vật

Thân hình trụ, cành non mang nhiều lông về sau nhẵn, lúc đầu thân màu tím nhạt sau chuyển sang màu xanh, chiều cao cây 70 cm - 100 cm. Lá mọc đối, phiến lá hình mác, đầu nhọn, mép lá có răng cưa, gân lá hình lông chim, mặt trên mang nhiều lông hơn mặt dưới, chiều 103 dài lá 5 cm - 8 cm, rộng lá 2 cm - 4 cm. Rễ thuộc loại rễ chùm, có nhiều lông tơ nhỏ màu trắng, rễ dài 10 - 18 cm. Hoa nhỏ, màu tím, mọc tụ tập thành đầu nang, đài có lông với 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 4. Tràng cánh hợp với 2 môi, môi trên xẻ 4, môi dưới nguyên, 4 nhị có 2 chiếc dài, 2 chiếc ngắn. Quả thuộc loại quả nang nằm gọn trong đài hoa. Nhiều hạt nhỏ, hình trứng thuôn, có nhiều gai, màu cánh gián.

3. Điều kiện sinh thái

Bồ bồ là cây ưa sáng và có thể chịu hạn, không chịu được úng. Độ cao từ 100 - 800m so với mực nước biển. Nhiệt độ thích hợp 25 - 35oC, độ ẩm 80 - 85%.

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Phần trên mặt đất của cây.

Công dụng: Bồ bồ dùng chữa sốt, cảm cúm, viêm gan, vàng da, tiêu hoá kém, viêm ruột, đau bụng, thuốc kích thích ăn ngon cho phụ nữ sau khi đẻ. Liều dùng: 15 - 30g/ngày, sắc nước uống. Ở Việt Nam đã có thuốc Abivina bào chế từ bồ bồ có tác dụng phục hồi và bảo vệ chức năng gan.

Phần 2: Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Bồ bồ thích hợp với đất đồi, núi ở các vùng trung du, đất feralit, đất thịt nhẹ, đất phù sa, độ pH 5,5 - 7,0, có mùn tổng số ≥ 1,5 %, ở nơi chủ động tưới tiêu.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Bồ bồ thường nhân giống bằng phương pháp hữu tính.

Xử lý hạt giống:

Ngâm hạt trong nước 3 - 4 giờ, vớt ra, để ráo hạt, trộn với cát mịn và đem gieo vào vườn ươm. Hạt bồ bồ rất nhỏ nên cần gieo hạt nhiều lần cho đều. Dùng rơm rạ hoặc lưới đen che phủ, tưới ẩm mỗi ngày một đến hai lần cho tới khi cây mọc.

 Kỹ thuật gieo giống:

Hạt giống được gieo vào vườn ươm, sau khoảng 10 ngày, hạt bắt đầu mọc mầm. Khi hạt mọc đều rỡ bỏ rơm rạ. Sau 1 tháng, làm cỏ và tỉa bớt cây ở những chỗ mọc quá dầy. Giai đoạn mọc mầm và hình thành cây con, cây sinh trưởng rất chậm, cây nhỏ và yếu cần thường xuyên chăm sóc và phòng trừ giun, dế phá hại. Khi cây mọc được 4 - 5 đôi lá thật có thể đem cây đi trồng.

Thu hoạch và bảo quản hạt giống:

Quả chín có màu nâu, hạt màu nâu sẫm, cứng chắc bắt đầu thu hoạch hạt. Thời gian thu hoạch thường được tiến hành vào đầu tháng 11. Khi thu hoạch, cắt những bộ phận, cành mang quả phơi trên nia, mẹt có lót giấy báo ở dưới để tránh bị lọt hạt, vì hạt bồ bồ rất nhỏ. Quả phơi khô đập lấy hạt, loại bỏ tạp chất, hạt lép và phơi đến khi hạt thật khô, độ ẩm của hạt < 5 %. Không nên phơi hạt trong thời gian dài, hạt dễ mất sức mọc mầm. Bảo quản hạt trong lọ nút mài hoặc hộp nhôm, bao nilon hoặc hút chân không, bảo quản trong kho lạnh.

Chỉ tiêu chất lượng hạt giống:

- Hạt giống đúng chủng loại

- Hạt không bị ẩm mốc, không bị sâu bệnh mối mọt và không lẫn tạp chất

- Độ ẩm của hạt ≤ 5 %

- Khối lượng 1000 hạt > 0,014 g

- Tỷ lệ mọc mầm của hạt giống > 70 %.

3. Thời vụ trồng

Nên gieo hạt trong vườn ươm sau đó bứng cây con đi trồng vì hạt bồ bồ rất nhỏ giai đoạn chăm sóc cây con mất rất nhiều công. Gieo hạt vào giữa tháng 2 đến đầu tháng 3 đối với vùng đồng bằng sông Hồng và vào hạ tuần tháng 4 đối với vùng trung du.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất trồng bồ bồ cần được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Chia luống rộng 1,2m, mặt luống rộng 75 - 80cm, chiều cao luống 20 - 25cm, rãnh rộng 30cm.

 5. Mật độ và khoảng cách trồng

Mật độ trồng: 500.000 cây/ha, khoảng cách trồng 20 cm x 10 cm.

Mật độ trồng 330.000 cây/ ha, khoảng cách trồng 20 cm x 15 cm. Trồng 3 hàng/luống, mỗi hàng cách nhau 20 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Lượng phân bón

Loại phân Lượng phân/ha (kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) Bón lót Bón thú lần 1 Bón thúc lần 2 Bón thúc lần 3
Phân chuồng 15.000 - 20.000 555 - 740 100 - - -
Đạm ure 445 16,5 20 20 30 30
Supe lân 580 21,5 100 - - -
Kali clorua 220 8,1 50 - 25 25

Thời kỳ bón

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai mục + toàn bộ phân super lân + 50% phân kali clorua + 20% phân urê.

- Bón thúc: Chia làm 3 đợt bón:

+ Đợt 1: Sau trồng 1 tháng.

+ Đợt 2: Sau trồng 2 tháng.

+ Đợt 3: Sau trồng 3 tháng.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Khi cây mọc được 4 - 5 đôi lá thật có thể đem cây đi trồng. Giữ ẩm thường xuyên sau khi trồng cho đến khi cây hồi xanh. Giai đoạn đầu cây bồ bồ sinh trưởng rất chậm, nên làm cỏ thường xuyên. Sau khi trồng được 1 tháng cần làm cỏ, xới đất nhẹ, kết hợp bón phân. Có thể tưới nước mỗi tuần một lần, đảm bảo đủ ẩm thường xuyên để cây bồ bồ sinh trưởng và phát triển tốt. Làm cỏ kết hợp với bón phân theo các đợt như trên.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Cây bồ bồ chủ yếu bị các loại sâu bệnh sau gây hại:

Các loại sâu hại lá (sâu xanh, sâu cuốn lá): Thường gây hại ở thời kỳ cây còn nhỏ. Nếu mật độ sâu ít, có thể bắt sâu bằng tay. Mật độ sâu cao có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin (Ví dụ: Catex 1.8EC, 3.6EC; Shepatin 50EC) hay chế phẩm Bt (là sản phẩm sinh học từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis) (ví dụ V-BT 16000WP, Vbtusa (16000IU/mg) WP; Biocin 16WP; Comazol (16000 IU/mg)WP)

Bệnh thối rễ (Pythium sp.) Đặc điểm gây hại: Triệu chứng điển hình là cây còi cọc, kém phát triển, rễ cây bị thối, gốc thân có màu nâu đen, bệnh nặng toàn cây bị héo rũ và chết. Bệnh phát sinh gây hại trong điều kiện ẩm ướt, đặc biệt sau các đợt mưa lớn, trên các ruộng đất thoát nước kém.

Biện pháp phòng trừ: 

- Chọn ruộng thoát nước tốt, cần lên luống cao đối với những chân ruộng thoát nước kém. Có thể dùng phân gà hoai bón lót ít nhất 2 tuần trước khi trồng để tiêu diệt mầm bệnh Pythium có trong đất.

- Khi bệnh chớm xuất hiện, có thể dùng thuốc trừ nấm có hoạt chất Metalaxyl (ví dụ Mataxyl 25 WP, 500WDG, 500WP; Acodyl 25EC, 35WP; Vilaxyl 35 WP); Phosphorous acid (ví dụ: Agrifos-400, Herofos 400 SL). Tưới hoặc phun sát phần gốc cây theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo.

9. Chế độ luân canh

Nên luân canh với cây trồng nước như lúa nước, trạch tả….

 10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch bồ bồ là khi cây đang ra hoa. Chọn ngày khô ráo để thu dược liệu. Cắt toàn bộ phần thân lá, sát gốc cây.

Sơ chế: Nhặt sạch cỏ, rác và loại bỏ tạp chất khác. Phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ từ 40 - 50oC cho đến khô. Dược liệu đạt tiêu chuẩn khi bẻ cuộng thấy giòn.

Bảo quản: Bảo quản dược liệu trong túi polyetylen và ngoài bọc bao tải dứa và để vào nơi khô, mát.

11. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Thân có thiết diện hình tròn mầu nâu nhạt. Mặt trên lá mầu nâu thẫm có nhiều lông, mặt dưới lá màu lục ít lông hơn. Dược liệu mùi thơm hắc, vị đắng hơi cay.

Độ ẩm không quá 13,0%; Tỷ lệ vụn nát (qua rây có kích thước mắt rây 4mm) không quá 5,0%; Tạp chất (gốc, rễ) không quá 1,0%. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,5% tính theo dược liệu khô kiệt.

 

(Sách kỹ thuật trồng cây thuốc)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""