TINH HOA XANH

Kỹ thuật trồng cây thuốc: Cát cánh

CÁT CÁNH

Tên khoa học: Platycodon grandyflorum (Jacq.) A. DC.

Họ: Hoa chuông (CAMPANULACEAE)

Tên khác: Bạch dược, kết cánh, cánh thảo

Tên vị thuốc: Cát cánh.

Phần I. Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Platycodon A. DC. là chi chỉ có một loài là cây cát cánh. Cây phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Đông Bắc Á, gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Cát cánh đã trồng lâu đời ở Trung Quốc, sau du nhập sang cả Ấn Độ. Cây được nhập trồng ở các cơ sở nghiên cứu của Viện Dược liệu từ những năm 1960. Sau đó cây đã được phát triển trồng ở một số nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ (Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương và Hà Nội). Có những năm dược liệu cát cánh đã được xuất khẩu.

2. Đặc điểm thực vật

Cây thảo, sống lâu năm, thân mềm, màu lục xám, chứa nhựa mủ, cao 50 - 80 cm. Rễ củ, đôi khi phân nhánh, vỏ ngoài màu vàng nhạt.  Lá có cuống ngắn hoặc gần như không cuống, hình trứng, dài 3 - 6cm, rộng 1 - 2,5cm, gốc tròn, đầu nhọn, cuống hẹp, rìa lá có răng cưa; ở giữa thân cây trở xuống lá mọc đối hoặc có 3 - 4 vòng lá, lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le. Hoa hình chuông, cánh hoa màu tím xanh hay màu trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành bông thưa ở kẽ lá gần ngọn, đường kính 3 - 5cm. Đài có 5 thùy màu lục; tràng gồm 5 cánh hợp, 5 nhị đực, 1 nhị cái, đầu nhị xẻ 5. Quả nang, hình trứng bao bọc bởi đài tồn tại, chứa nhiều hạt nhỏ, hình bầu dục, màu đen nâu. Mùa hoa: tháng 5 - 7, mùa quả: Tháng 8 - 9.

3. Điều kiện sinh thái

Cát cánh là cây ngày dài có nguồn gốc từ Trung Quốc, ưa khí hậu ôn hòa, ẩm ướt, nhiều ánh sáng. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển từ 25 - 30oC (cao nhất 35, thấp nhất 15oC). Khả năng chịu hạn kém; đặc biệt không chịu được ngập úng. Ở đồng bằng và trung du, mùa đông trùng với thời kỳ cây non, cát cánh sinh trưởng phát triển gần như liên tục từ khi trồng tới lúc thu hoạch. Ở miền núi, cây phải trải qua kỳ ngủ đông, lúc này phần thân lá bị tàn lụi, không nên cắt mà để cây tự lụi. Việc cắt sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh dễ xâm nhập. Phương thức sinh sản bằng hạt (hữu tính).

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Rễ củ phơi khô.

Công dụng: Cát cánh chữa ho có đờm hôi tanh, viêm đau họng, khản tiếng, hen suyễn, tức ngực, khó thở, nhọt ở phổi, kiết lỵ. Theo tài liệu cổ, cây còn chữa tức ngực đau và ho ra máu. Ngày dùng 3 - 12g dưới dạng thuốc sắc. Phụ nữ có thai cần thận trọng khi dùng.

Phần II. Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Cát cánh, sau khi nhập nội vào Việt Nam được trồng thử ở vùng núi cao (khoảng 1500m), có khí hậu ẩm mát, như Sa Pa, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vài năm sau, chuyển xuống độ cao thấp hơn ở Tam Đảo, khoảng 1.000m, sau đó được trồng thành công ở đồng bằng.

Tuy nhiên, vốn là cây ngày dài ở phương bắc, khi chuyển dần xuống vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, như ở Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, người ta vẫn phải trồng vào thời kỳ có nhiệt độ thấp để cây sinh trưởng, phát triển trong vụ đông xuân và có hoa quả về mùa hè.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Trong sản xuất dược liệu, cát cánh chủ yếu được gieo trồng bằng hạt. Khác với một số cây, việc ra hoa không ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất của rễ củ cát cánh. Cát cánh ra hoa kéo dài nên quả không chín đều. Năm thứ nhất trên cây đã xuất hiện hoa quả, nhưng hạt ít và giống chưa tốt, nên thu hạt giống ở cây năm thứ 2 và 3. Thu quả ở những cây to, khỏe, không bị sâu bệnh. Quả cát cánh chín không đều, khi vỏ quả chuyển sang màu vàng cần thu kịp thời. Quả hái về cần để trong râm 2 - 3 ngày cho chín thêm, rồi phơi nắng nhẹ cho khô, đập lấy hạt và tiếp tục phơi thêm 2 - 3 nắng.

Tiêu chuẩn hạt giống: Hạt giống có màu đen, bóng, không nhăn nheo; khối lượng của 1.000 hạt là 0,8 - 1,5g; tỷ lệ hạt chắc trên 80%; tỷ lệ tạp chất nhỏ hơn 20%; tỷ lệ nảy mầm trên 60%. Nhiệt độ nảy mầm tối ưu từ 20 - 30oC, thời gian nảy mầm từ 15 đến 20 ngày.

Cát cánh còn có thể nhân giống bằng giâm cành. Vào mùa xuân, chọn cành non mới tái sinh, ngắt bỏ ngọn, cắt thành từng đoạn dài 10 - 15cm, chấm phần gốc vào bột IBA 0,4% và giâm trong cát ẩm. Ở nhiệt độ 18 - 20oC, cành giâm sẽ ra rễ sau 4 - 6 tuần. Cách này chỉ được áp dụng trong sản xuất giống ở vùng lạnh.

3. Thời vụ gieo trồng

Cát cánh trồng vào thời kỳ có nhiệt độ thấp để cây sinh trưởng, phát triển tốt trong vụ đông xuân và có hoa quả về mùa hè. Hạt cát cánh nảy mầm tự nhiên ở nhiệt độ 25 - 28oC, sau khi gieo từ 15 đến 20 ngày.

Vì vậy, ở đồng bằng và trung du bắc bộ 129 thường gieo hạt vào tháng 9 - 10, ở miền núi vào tháng 2 - 3 và thu hoạch vào cuối mùa thu, đầu mùa đông năm sau.

4. Kỹ thuật làm đất

Đất pha cát tơi xốp, thoát nước tốt, không úng ngập, nhiều mùn. Không nên trồng ở đất thịt nặng và đất bạc màu.

Đất trồng cát cánh cần cày sâu, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại, bừa kỹ, lên thành luống cao 25 - 30cm, mặt luống rộng 0,8 - 1,0m.

5. Mật độ, khoảng cách trồng

Mật độ trồng lấy dược liệu: 500.000 cây/ha, trồng khoảng cách: 20 x 10 cm.

Mật độ trồng lấy hạt: 200.000 cây/ha, trồng khoảng cách 20 x 25 cm.

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Lượng phân bón

Loại phân Lượng phân/ ha (kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (kg) Bón lót Bón thúc
Phân chuồng  20.000 - 25.000 750 - 920 100 -
Đạm ure 270  10 - 100 - 100
Supe lân 200 7,5 100 -
Kali clorua 100 3,7 50 50

 Có thể dùng phân bón tổng hợp NPK với tỷ lệ tương đương để bón.

Phương pháp bón phân

- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ + toàn bộ phân lân và 1/2 lượng phân kali, trộn đều bỏ theo rãnh sau đó lấp đất lại. 

- Bón thúc: Ở đồng bằng và trung du bón thúc 4 lần, lần đầu vào sau lúc tỉa định cây, những lần sau bón vào các tháng 1, 3 và 7. Ở miền núi, năm đầu thúc 3 lần vào các tháng 5, 7 và 9, năm thứ hai bón 2 lần vào tháng 3 và tháng 7. Phân đạm được chia đều cho các lần bón thúc kết hợp với làm cỏ, xới xáo. Trước lúc thu hoạch 1 tháng bón hết lượng phân urê và KCl còn lại.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng

Cát cánh là cây chỉ có một rễ hình trụ nên thường được gieo thẳng. Mỗi hecta cần 3 - 4 kg hạt. Trước khi gieo, hạt được trộn với cát hoặc đất bột để gieo cho đều. Gieo xong dùng trấu hay rơm, rạ phủ trên mặt luống và tưới giữ ẩm thường xuyên. Hạt nảy mầm sau khoảng 15 - 20 ngày. Lúc này cần dỡ bỏ rơm rạ; nếu dùng trấu thì có thể giữ nguyên. Khi cây cao 7 - 10cm bắt đầu định cây, đảm bảo khoảng cách 20 x 10cm. Nếu trồng làm giống cần giữ khoảng cách thưa hơn (20 x 25cm). Để tiết kiệm giống có thể gieo theo hàng đã rạch sẵn mặt luống.

Chăm sóc

Ruộng cát cánh cần giữ thường xuyên sạch cỏ và độ ẩm vừa phải. Trung bình mỗi tháng làm cỏ và xới xáo một lần, đến khi cây giao tán thì thôi. Khi xới xáo cần chú ý không làm đứt rễ. Nếu đất khô cần tưới nước và khi trời mưa to phải tháo nước kịp thời. Phân bón thúc cho cây theo chỉ dẫn trên.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu bệnh hại cát cánh chủ yếu là sâu xám (Agrotis ipsilon). Đặc điểm gây hại và biện pháp phòng trừ như sau: Đặc điểm gây hại: Thường gây hại ở thời kỳ cây con. Loài sâu này thường gây hại vào ban đêm, ăn lá non hoặc cắn đứt ngang các thân và cành non. Sâu non màu xám đen hoặc màu nâu xám dọc theo hai bên thân có những chấm đen mờ. 

Biện pháp phòng trừ

- Cày, phơi ải đất trước khi trồng 2 tuần để tiêu diệt trứng và nhộng. Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

- Đối với những ruộng có diện tích nhỏ có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.

- Dùng bẫy chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy: Cho 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước vào trong bình đậy kín, sau 3 - 4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2 - 3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và chết.

- Ruộng bị sâu hại nặng có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu như: Thiamethoxam (ví dụ Actara 25WG, 350FS), Abamectin (ví dụ Shertin 3.6EC, 5.0EC). Hòa thuốc với nước theo tỷ lệ khuyến cáo ở bao bì, phun vào chiều tối. Nếu mật độ sâu cao nên phun kép hai lần cách nhau 5 ngày.

9. Chế độ luân canh

Cát cánh có thể luân canh với các cây thuốc ngắn ngày như mã đề hoặc diệp hạ châu, hoặc cây dài ngày như lúa, trạch tả…

10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Khi cây bắt đầu lụi là lúc thu hoạch dược liệu. Thông thường đào củ vào mùa thu ở đồng bằng và mùa đông ở miền núi.

Sơ chế: Rễ củ của những cây đã trồng được 2 năm (vùng cao) hoặc một năm (vùng đồng bằng) được loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch đất cát. Cạo bỏ lớp vỏ ngoài rồi phơi hay sấy khô.

Bảo quản: Rễ củ cát cánh dễ bị mốc mọt, cần bảo quản nơi khô ráo. Năng suất trung bình có thể đạt 3 - 4 tấn rễ khô/ ha.

 

(Sách Kỹ thuật trồng cây thuốc)

Bình luận:

PusuamNag

31/10/2022

Saw a Cardio Dr cialis coupons

Gaurarl

12/05/2022

Jjwonw https://newfasttadalafil.com/ - buy cialis 5mg These ndings suggest an important role for LysRS in laminindependent cancer cell migration and metastasis. Oqlkqi cialis bodybuilding forum where can i buy cialis on line Amoxicillin Fail The Drug Test https://newfasttadalafil.com/ - Cialis


VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""