Thời tiết lạnh, hanh khô có thể khiến nhiều người gặp phải các vấn đề về da như khô, nứt nẻ, mất đi sự tươi tắn, thiếu độ ẩm cần thiết.
Làn da khô thường dễ bị ngứa, rát, nổi ban, nhanh lão hóa và xuất hiện nhiều nếp nhăn, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Vì sao da bị khô?
Da khô là loại da có tuyến bã nhờn hoạt động kém, giảm sút các loại dầu tự nhiên trên da, thiếu nước tích hợp trong lớp bề mặt và các lớp biểu bì. Da khô xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, ở mặt, cánh tay, bàn tay và chân, bụng... Da khô khi sờ vào có cảm giác thô ráp, sần sùi, kém mịn màng, dễ bong tróc, nứt nẻ, mẩn đỏ, ngứa ngáy, thậm chí căng rát khó chịu.
Làn da khô tuy ít bị mụn hoặc viêm nang lông, nhưng dễ bị lão hóa và xuất hiện nhiều nếp nhăn. Ngoài việc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhiều trường hợp nặng nếu không khắc phục kịp thời sẽ ngày càng nặng hơn dẫn đến ngứa, viêm da, hoặc nhiễm trùng da.
Nguyên nhân gây khô da phổ biến nhất là cơ địa bẩm sinh, song khá nhiều trường hợp tự phát là do các yếu tố: Thời tiết quá lạnh, gió mùa, thiếu độ ẩm, tuổi tác, ảnh hưởng của thuốc, bệnh tật, mất cân bằng nội tiết tố, thiếu vitamin trong cơ thể, rửa mặt bằng nước nóng, dùng mỹ phẩm kém chất lượng, rửa mặt quá nhiều, lạm dụng tẩy tế bào chết...
Nguyên nhân do bên trong cơ thể thiếu chất nhất là các loại sinh tố A, E, B2 đạm, chất béo, kẽm…, do thiếu nước, do táo bón mạn tính, tâm lý không ổn định, nghĩ nhiều hoặc quá buồn phiền, thay đổi nội tiết, do di truyền.
Một số loại thuốc có thể làm da trở nên khô hơn như tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc dị ứng, thuốc trị mụn… Một số bệnh có thể dẫn đến da khô như bệnh eczema, bệnh vẩy nến, bệnh tiểu đường; sự suy giảm hoạt động của tuyến giáp; suy dinh dưỡng.
Biểu hiện của khô da
Biểu hiện đầu tiên của da khô là màu sắc da trở thành màu trắng xám và tăng nếp vân da. Khi da bị khô hơn nữa, nước trong da mất nhiều, sự liên kết giữa các tế bào sừng trở nên lỏng lẻo, góc tế bào sừng cong lên, lật ra tạo thành vảy như vảy cá và bong ra. Bề mặt da trở nên khô, thô ráp, màu xám bẩn. Da không còn mềm mại và giảm sợi elastin dẫn đến rạn da, nứt da. Bề mặt da quan sát trên kính lúp hoặc kính hiển vi trông giống như mặt thửa ruộng bị hạn hán lâu ngày.
Nguyên nhân gây khô da phổ biến nhất là cơ địa bẩm sinh, song khá nhiều trường hợp tự phát là do các yếu tố: Thời tiết quá lạnh, gió mùa, thiếu độ ẩm…
Những giải pháp khắc phục
Tùy theo từng trường hợp sẽ có cách điều trị tốt nhất. Việc điều trị phải phụ thuộc vào bác sĩ chuyên khoa, không được tùy tiện uống hoặc bôi thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ.
Để làn da nhanh chóng hết và không bị khô ráp, các chuyên gia da liễu khuyên:
Uống đủ nước: Nước không chỉ có tác dụng thanh lọc cơ thể mà còn cải thiện làn da thêm căng bóng, mịn màng hơn trong mùa này. Đặc biệt, với tiết trời hanh khô như hiện tại thì lượng nước trong cơ thể bạn sẽ cần nhiều hơn so với bình thường. Do đó, bạn nên cố gắng đảm bảo tiêu thụ đủ từ 2 - 2,5 lít nước hàng ngày. Việc uống nước lọc hay nước canh rau xanh, hoặc ép trái cây lấy nước đều có tác dụng bổ sung nước cho cơ thể của bạn. Tuy nhiên, bạn cần tránh uống nước có ga vì chúng không hề tốt cho làn da.
Không tắm rửa bằng nước quá nóng: Nước ấm sẽ giúp làm giãn nở lỗ chân lông, từ đó tạo khoảng trống cho làn da được thở và đàn hồi tốt hơn sau một ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng, bạn không nên sử dụng nước quá nóng để tắm rửa. Bởi nhiệt độ cao của nước sẽ làm phá hỏng kết cấu của da, từ đó làm da nhanh khô và có thể nổi mẩn ngứa, ửng đỏ.
Bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu: Hãy cung cấp đủ cho cơ thể những loại thực phẩm tốt để cải thiện làn da của mình. Một số loại vitamin như vitamin A, vitamin B hay vitamin C đều giúp làn da của bạn khỏe mạnh và sáng bóng hơn. Đặc biệt trong đó, vitamin B còn giúp phục hồi những làn da bị khô nẻ. Do vậy, hãy bổ sung thường xuyên hơn một số loại thực phẩm giàu vitamin B từ thịt gà, cá ngừ, ngũ cốc, các loại đậu, bơ, chuối...
Không lạm dụng hóa chất có tính tẩy rửa mạnh: Nên lựa chọn sữa rửa mặt, sữa tắm dịu nhẹ, chiết xuất từ thiên nhiên và tốt nhất hãy chọn loại có tác dụng cân bằng độ ẩm, độ pH giúp da sạch sẽ mà vẫn không bị khô. Không lạm dụng rửa mặt, tắm hoặc dùng loại chứa nhiều xà phòng, có tính tẩy rửa mạnh, bởi nguy cơ gây tổn thương da cao, làm tình trạng khô ráp trầm trọng thêm.
Bôi kem chống nắng: Ánh nắng mặt trời trong mùa hanh khô thường không quá gay gắt nhưng có thể làm tình trạng da của bạn thêm tồi tệ, xuống sắc. Do vậy, bạn nên chủ động bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 30 phút. Khi da được bảo vệ kỹ càng thì nó sẽ sản sinh ra các nhân tố giữ ẩm tự nhiên và giúp làn da của bạn luôn sáng khỏe, hồng hào.
Ngoài ra cần lưu ý, che mặt và chân tay khi phải làm việc lâu ở ngoài trời, có dụng cụ bảo hộ tốt khi phải làm việc tiếp xúc trực tiếp tay chân với các chất hại da (vôi, xi măng, tro bếp, các chất tẩy rửa mạnh...). Trường hợp đặc biệt cần sát khuẩn mới dùng các loại xà phòng diệt khuẩn, vì nó diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có ích cho da. Tránh xa người đang hút thuốc lá, thuốc lào, vì hít phải hơi thuốc lá (thuốc lào) bị khô da nhiều hơn người hút thuốc trực tiếp; hạn chế ăn các loại thức ăn rán, nướng…
PTS. BS. Nguyễn Hữu Khánh