Những Phương thuốc kỳ diệu làm thơm cơ thể
Vương Lệ Ni (Đại học Trung y dược Bắc Kinh)
LTS: Sau khi CTQ số 89 (tr.14) đăng bài Làm da tự tỏa hương của BS.Hoàng Xuân Đại, Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến quan tâm của bạn đọc. Thể theo yêu cầu của độc giả, CTQ tiếp tục giới thiệu về mảng đề tài này. Dưới đây là bài viết của tác giả Vương Lệ Ni, công tác tại Khoa Dưỡng sinh - Phục hồi sức khỏe của Trường Đại học Trung y dược Bắc Kinh. Mời bạn đọc tham khảo.
Tào Tuyết Cần trong chương 7 tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng từng kể đến nhân vật Tiết Bảo Thoa đã trị một căn bệnh ngoan cố bằng một phương thuốc tên là Lãnh hương hoàn. Cách chế bài thuốc này là lấy Nhị hoa mẫu đơn trắng vào mùa xuân, Nhị hoa sen trắng vào mùa hạ, Nhị hoa phù dung trắng vào mùa thu và Nhị hoa mai trắng vào mùa đông, mỗi thứ lấy 12 lạng, xay nghiền ra, gia vào đó nước mưa của ngày Vũ thủy, nước móc của ngày Bạch lộ, nước sương của ngày Sương giáng và tuyết của ngày Tiểu tuyết, mỗi thứ 12 đồng cân hòa đều, rồi hợp tất cả lại cùng với mật ong và đường trắng làm thành viên thuốc to bằng quả nhãn, giấu thuốc ở dưới cây lê ra hoa, lúc dùng thì uống với nước Hoàng bá. Theo tiểu thuyết viết thì thứ thuốc này không chỉ chữa được chứng nhiệt độc trong thai của Tiết Bảo Thoa, mà uống lâu còn khiến cho cơ thể tỏa ra từng hồi mùi hương lẩn khuất phơn phớt lành lạnh.
Hương thơm quấn quít là trang sức tự nhiên rất hấp dẫn của người nữ. Theo sách vở ghi lại, trong lịch sử Trung quốc có nhiều người nữ mà thân thể luôn tỏa ra một hương thơm khác lạ. Tương truyền người đẹp nước Việt là Tây Thi dùng nước vừa tắm qua vẩy lên giường chiếu trướng màn thì tỏa hương thơm sực nức cả nhà; thời Hán Võ Đế có cung nữ tên Lệ Quyên có thể hà hơi thơm hơn cả hương cỏ lan; đời Thanh Hoàng đế Càn Long rất thích thú với hương phi người bộ tộc Duy ngô nhĩ, được gọi là Y mạt nhĩ hãn, Y mạt nhĩ theo tiếng bộ tộc Duy có nghĩa là Xạ hương. (Hãn là mồ hôi, Y mạt nhĩ hãn là mồ hôi thơm như Xạ hương. Truyện phim Hoàn Châu cách cách có nói về nhân vật này -ND).
Thật ra, thân thể người ta ngoài mùi hương tự nhiên tiết ra, cũng có thể dùng thức ăn hoặc các lọai thuốc uống điều chỉnh bên trong, khiến cho tỏa ra một mùi hương đặc biệt, giống như cổ nhân từng nói: “Mở miệng hương hoa chưng, thịt da trắng thơm lừng”. Về phương diện làm thơm thân thể, Đông y học đã có rất nhiều kinh nghiệm phong phú lạ thường. Từ rất sớm vào thời Chiến Quốc, người dân đã có tập quán đeo hoặc ngậm hương hoa cỏ lan. Theo thống kê, người nước Sở thường tự làm đồ trang sức bằng các loài cây cỏ hoa thơm như lan, huệ, thuyên, bạch chỉ, đỗ hành, phù dung, tiêu, quế, v.v… trong đó có không ít loài là cây thuốc. Đến thời nhà Hán, sách Thượng thư có chép việc người ta ngậm Lưỡi gà thơm (Kê thiệt hương) để trình tấu và phụ nữ hay đeo, đội túi thơm (Hương nang) làm trang sức là phổ biến.
Cơ chế làm thơm cơ thể của Đông y bao gồm hai mặt: Một mặt, thông qua thuốc hoặc thức ăn, theo nguyên lý chỉnh thể tác động điều hòa nội bộ cơ thể âm dương cân bằng, trừ khử tà khí bên trong hoặc trọc khí đàm thấp, khiến cho công năng tạng phủ kinh mạch hoạt động bình thường, khí huyết sung túc, da dẻ sáng bóng mịn màng, sắc mặt hồng hào tươi nhuận; Mặt khác, bản thân thức ăn và thuốc có các chất thơm, tại quá trình chuyển hóa trong cơ thể, một phần sau đó phát tán ra ngoài trở lại. Đông y phát huy tác dụng làm thơm thân thể chủ yếu thông qua hai cách thức là uống trong và dùng ngoài.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số phương thuốc làm thơm cơ thể từng được ghi chép trong văn hiến Đông y cổ truyền để mọi người cùng thử nghiệm.
Phương thuốc uống trong
Như ý phương hương thân thuật (Phương thuốc như ý làm thơm thân thể) Phương này trích từ “Y tâm phương”.
Cách chế: Điềm qua tử (Hạt dưa bở), Tùng thụ căn (Rễ cây thông), Đại táo, Chích cam thảo, lượng bằng nhau, tán chung thành bột mịn, cất dùng.
Mỗi lần uống 6-9g, đủ để thanh nhiệt, trừ mùi hôi, làm thơm thân thể. Dùng sau 20 ngày sẽ có hiệu quả, sau 30 ngày thân thể tỏa hương, sau 100 ngày quần áo, giường màn thường nằm đều có mùi thơm. Bài này rất thích hợp cho các bệnh phế vị có nhiệt (phổi, dạ dày nóng), thấp nhiệt hạ tiêu dẫn đến chứng thân thể bốc mùi hôi.
Hương thân tán ( bột thuốc làm thơm thân thể): Trích từ “Bị cấp thiên kim dực phương”.
Đem Đông qua tử ( Hạt bí đao), Tùng căn bạch bì (vỏ trắng rễ thông), Đại táo, mỗi thứ 30g, tán bột, mỗi lần dùng khoảng 1g uống với rượu, ngày 2 lần, có thể làm thơm thân thể, trừ khử ô uế. Bài này thích nghi cho người không có bệnh hoặc có bệnh, uống để làm thơm thân thể, trừ mùi hôi.
Hương thân hoàn (hòan thuốc làm thơm thân thể): Trích từ “Thực liệu bản thảo”.
Dùng Đại táo nhục (bỏ hột) 100g, Nhục quế 100g, Đông qua nhân 100g, Tùng thụ bì 500g, Mật ong trắng 1000g.
Trước tiên lấy Táo nhục giã nhuyễn như bùn, rồi lấy Nhục quế. Đông qua nhân, Tùng thụ bì (lấy tầng vỏ trắng, không dùng lớp vỏ thô) tán thành bột thật mịn, trộn với Táo nhục, thêm mật ong luyện làm hoàn to bằng quả nhãn.
Mỗi ngày uống 2 lần (sáng , chiều), mỗi lần 2-4 hoàn. Uống lâu ngày làm thơn thân thể, làm đẹp dung nhan, thịt da trắng non. Bài này thích hợp dùng uống lâu dài, để thân thể tỏa hương thơm tự nhiên, cùng với da dẻ trắng trẻo, dung nhan hồng hào tươi nhuận, sáng bóng, mịn màng.
Toán đỗ phương: Trích từ “Ngoại khoa chính tông”.
Dùng Công trư đỗ (dạ dày heo đực) 1 cái, Đại toán (Tỏi) 49 tép, bỏ vỏ, cho vào dạ dày heo, lấy chỉ buộc miệng lại, nấu nước cho thật nhừ, tùy nghi ăn hết, có thể trừ mùi hôi nách.
Thập hương hoàn: Trích từ “Thiên kim dực phương”.
Dùng Trầm hương, Xạ hương, Bạch đàn hương, Thanh mộc hương, Linh lăng hương, Bạch chỉ, Cam tùng hương, Hoắc hương, Tế tân, Xuyên khung, Tân lang, Bạch đạu khấu mỗi thứ 30g, Hương phụ tử 15g, Đinh hương 0.3g. Tán bột thô (vừa lọt sàng), luyện mật và bao gói bằng bông làm viên to bằng hạt ngô đồng, ngậm mỗi ngày vào buổi tối, nuốt nước cho đến lúc hết vị thuốc thì thôi. Phương này gồm 14 vị thuốc Đông dược cay thơm, có đủ công hiệu làm thơm và khử mùi hôi, khiến cho miệng và thân thể đều thơm tho.
Linh nhân thể hương hoàn (hoàn thuốc khiến thân thể người tỏa hương): Trích từ “Bổ tập Trửu hậu phương” (Đây là bài thuốc mà BS. Hoàng Xuân Đại đã giới thiệu).
Dùng Bạch chỉ, Huân thảo, Đỗ nhược, Đỗ hành, Cảo bản, thành phần bằng nhau, tán thành bột mịn, luyện mật làm hoàn cỡ bằng hạt ngô đồng. Mỗi buổi sáng sớm uống 3 hoàn, chiều tối uống 4 hoàn, uống với nước ấm. Phương này do 5 vị thuốc thơm hợp dùng, có thể làm thơm thân thể, trừ khử mùi hôi. Theo khảo nghiệm, uống bài này sau 30 ngày khiến thân thể tỏa hương thơm lừng từng hồi từng hồi.
Phương thuốc dùng ngoài
Trị thể xú phương (phương thuốc trị cơ thể có mùi hôi): Trích từ “Thiên kim dực phương”.
Dùng Trúc diệp (lá tre) 300g, Đào bạch bì (vỏ trắng cây đào) 120g, hai vị sắc lấy nước tắm rửa, không nệ số lần. Phương này chủ trị nách và thân thể có mùi hôi. Trúc diệp có công năng lợi thấp hóa trọc, làm sạch và hương thơm thấu đạt. Đào bạch bì tức vỏ cây đào có công năng giải độc tiêu sang, lợi thấp tiêu thũng. Hai vị hợp dùng tắm rửa lâu ngày có công hiệu lợi thấp giải độc, làm thơm thân thể, trừ khử mùi hôi ô uế. Đây là phương thuốc tắm rửa người xưa thường dùng.
Quý nhân ấp hãn hương phương (Phương thuốc làm thơm và ráo mồ hôi cho quý nhân): Trích từ “Bí dụng toàn thư”.
Dùng Đinh hương 40g, Thục tiêu 60 hạt. Trước hết nghiền Đinh hương thành bột mịn, Thục tiêu thì đập vỡ vụn, sau đó trộn đều hai vị, đựng đầy vào túi vải lụa, đeo ở trước ngực, làm chấm dứt chứng mồ hôi nặng mùi, thân thể thơm tho. Bài này thích hợp cho người có mồ hôi nặng mùi hôi hám.
Thiên Kim chủ khẩu hương khứ xú phương (Phương thuốc chủ trị thơm miệng, trừ mùi hôi trong sách Thiên Kim). Phương thuốc này trích từ “Bị cấp Thiên kim dược phương”.
Lấy Điềm qua tử (Hạt dưa bở) nghiền bột, luyện với mật, mỗi ngày lúc bụng đói ngậm một viên bằng cỡ hạt quả Đại táo, cũng có thể xát vào răng, khiến cho thơm miệng, trừ chứng hôi miệng.
Hương dược táo đậu phương (Trích từ “Thái bình Thánh huệ phương”).
Đại đậu 10kg, Xích tiểu đậu 800g, Mục túc (một loại rau ăn) 150g, Linh lăng thảo 150g, Đông qua nhân 20g, Đinh hương 60g, Xạ hương 15g (nghiền bột), Mao hương 90g, Trư di (lá lách heo) 5 cái (xắt nhỏ). Lấy 8 vị thuốc đầu giã nhỏ, rây lấy bột, trộn với Trư di giã thật đều. Lúc dùng, hòa với một ít nước rửa tay và toàn thân, làm thơm người, giữ da tươi nhuận, mịn màng. Bài này thích hợp cho các chứng da dẻ khô táo, thiếu sự mềm mại, bóng láng.
Trị hồ xú phương (Phương thuốc trị hôi nách): Trích từ “Bản thảo cương mục”.
Lấy Tiểu long nhãn hạch (hạt Long nhãn nhỏ) 6 hạt và Hồ tiêu 14 hạt nghiền thành bột mịn, khi mồ hôi nách ra thì dùng thuốc xát vào dưới nách, trừ được mùi hôi khó chịu, làm 3 lần là khỏi.
Ánh Tuyết dịch (CTQ số 92)
Những lưu ý khi chăm sóc tóc lúc giao mùa |