Từ lâu nhân loại đã coi rượu là một thức uống được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Ngày nay, theo các nhà dinh dưỡng thì rượu là một chất sinh năng lượng thuộc nhóm đa lượng.Thị trường rượu ở nước ta hiện nay hết sức phong phú và đa dạng, có hàng nghìn chủng loại. Riêng rượu thuốc cũng có hàng trăm loại khác nhau, được chế biến từ rượu với các dược chất là các cây thuốc, động vật làm thuốc quý hiếm vừa có tác dụng trị bệnh, vừa có tác dụng bổ dưỡng khí huyết - thần kinh - bổ thận ích tinh - tăng cường sinh lực… được nhiều người ưa chuộng.
Tuy nhiên việc dùng rượu, rượu thuốc như thế nào để có lợi nhất cho sức khỏe, tránh được những tác hại xảy ra thì còn nhiều người chưa quan tâm tìm hiểu và thực hiện đúng. Một số người được người thân, bạn bè mách bảo loại rượu thuốc nào đó tốt là cố tìm cách mua bằng được, đắt mấy cũng mua mặc dù không biết rõ loại rượu thuốc đó thành phần, chế biến, công năng chủ trị ra sao! Một số người khác lại có quan niệm cho rằng rượu thuốc cũng chẳng khác gì rượu trắng, uống nhiều một chút cũng không sao, nên uống bất chấp hướng dẫn liều lượng và cách dùng. Việc sử dụng rượu thuốc như vậy thật chẳng khác gì “điếc không sợ sấm”, mà không biết rằng rượu và rượu thuốc đều là con dao hai lưỡi: nếu uống đúng với lượng vừa phải thì có hiệu quả tốt; ngược lại nếu sử dụng thái quá tới say túy lúy thì không những bồi bổ chẳng thấy đâu mà còn gây độc, làm tổn hại sức khỏe gây ra những tác hại không lường hết được.
Các nhà y học Đông phương từ xa xưa đã quan niệm rượu là một vị thuốc đồng thời là một thức uống có tác dụng bổ dưỡng nếu được dùng điều độ, thường xuyên với liều lượng thích hợp; ngược lại, nếu dùng nhiều, rượu sẽ trở thành một thứ có hại cho cơ thể. Ngoài tác dụng bổ dưỡng, rượu còn có tác dụng thăng đề (bốc lên), phát tán (tản ra), điều hòa và làm thay đổi tính năng của một số vị thuốc, dẫn các thuốc tới cơ quan, tạng phủ cần chữa bệnh. Các nhà khoa học và y học hiện đại đã nghiên cứu thì với liều nhẹ (khoảng 12-20ml rượu 45o), rượu kích thích sự thèm ăn, nhưng với liều cao thì gây viêm dạ dày, có nguy cơ cao gây ung thư trực tràng, ung thư thực quản và xơ gan. Trên hệ thần kinh trung ương, với liều thấp (25-35ml rượu 45o), rượu có tác dụng kích thích, làm giảm mức độ ức chế bình thường của vỏ não, làm tăng chức năng thực thể và tinh thần, làm tăng nhịp thở, nhịp tim và hơi tăng nhẹ áp lực động mạch. Với liều cao hơn, rượu làm mất sự tự kiểm soát, làm giảm khả năng nhận thức, suy nghĩ và quan sát, gây ra mất phối hợp vận động, chân nam đá chân chiêu, loạn ngôn, nói năng bừa bãi. Với liều độc, rượu gây suy giảm hệ thống thần kinh trung ương, có thể dẫn tới hôn mê do làm giảm chức năng các trung tâm vận mạch và hô hấp.
Mối liên quan giữa rượu và bệnh tăng huyết áp.
Theo quan niệm cũ, người ta vẫn cho rằng uống rượu, bia là nguyên nhân gây ra tăng huyết áp, nên các thầy thuốc vẫn thường khuyên người bị bệnh tăng huyết áp phải tránh hoàn toàn việc sử dụng rượu. Tuy nhiên, một quan niệm mới đây được nhiều nhà khoa học Mỹ và phương Tây chứng minh rằng uống rượu hay uống bia với một lượng thích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, có lợi cho những người bị tăng huyết áp, làm giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Các nhà khoa học Mỹ đã quan sát trên thực tế người bị tăng huyết áp uống từ 1-6 ly rượu hoặc bia trong 1 tuần lễ thì giảm được 39% nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch so với người hoàn toàn không uống rượu hoặc bia. Còn những người uống mỗi ngày một ly giảm được 44% nguy cơ này (1 ly được hiểu theo một lượng cồn chuẩn tương đương 42ml rượu mạnh (45O ), 340ml bia, 113ml rượu vang) (New York Times 3/2004).
Theo các chuyên gia về tim mạch hàng đầu thế giới thì sử dụng hàng ngày một lượng rượu nhỏ thích hợp cũng có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch (theo Welt và Stern, 9/2004). Một nghiên cứu trên 29.000 người bệnh ở 52 nước cho biết nếu người nghiện thuốc lá ăn hoa quả thường xuyên, tập thể dục 3 lần một tuần và hàng ngày uống một ít rượu sẽ giảm được 80% nguy cơ mắc bệnh.
Mối liên quan giữa rượu và xơ gan.
Mối liên quan giữa rượu và xơ gan đã được thừa nhận rộng rãi. Do uống rượu mà chức năng chuyển hóa của gan tăng lên và khi lượng rượu uống quá nhiều dẫn đến ngộ độc thì tế bào gan sẽ bị hủy hoại và bị thay bằng tổ chức sẹo. Một số nghiên cứu ở Pháp cho biết trong thời gian chiến tranh, khi việc dùng rượu bị hạn chế thì tỷ lệ chết do xơ gan đã giảm 80%. Nếu giảm mức sử dụng từ 400ml xuống 200ml rượu 45O /ngày thì tỷ lệ mắc xơ gan giảm 58%, ung thư thực quản giảm 28%. Như vậy giảm uống rượu là có lợi.
Độc tính của rượu.
Nhiễm độc cấp tính của rượu có đặc tính là say (say rượu) có các biểu hiện: nói nhiều (tửu nhập ngôn xuất), nói lảm nhảm, nói líu lưỡi, không tự kiểm soát được mình, đi đứng không vững (chân nam đá chân chiêu), mất nhân cách, đau đầu, chóng mặt, nôn ọe… Nghiện rượu là hiện tượng nhiễm độc mạn tính, gây ra các rối loạn thần kinh, các rối loạn chức năng gan dẫn đến viêm gan, xơ gan, xơ gan cổ trướng.
Các ứng dụng điều trị của rượu.
Trong y học cổ truyền cũng như y học hiện đại, rượu được dùng làm thuốc bổ toàn thân và kích thích trong trạng thái vô lực ; làm thuốc khai vị kích thích sự thèm ăn; làm thuốc sát khuẩn và kích thích da. Các nhà Đông y dược đã nghiên cứu rượu (rượu nấu từ gạo nếp có độ cồn 35-45O ), phối hợp thêm các vị thuốc cổ truyền bào chế ra dạng rượu thuốc vừa có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, bổ dưỡng thần kinh, bổ thận ích tinh, tăng cường sinh lực để điều trị một số chứng bệnh và làm thuốc bổ dưỡng cơ thể. Mỗi loại rượu thuốc đều có công năng chủ trị riêng và được ghi hướng dẫn trên nhãn. Khi sử dụng, mọi người cần theo đúng hướng dẫn, không được dùng tùy tiện bởi lẽ rượu thuốc là một loại thuốc chữa bệnh, không còn là một thức uống hay là một loại thực phẩm chức năng để mọi người mua vui hay giải sầu.
Nếu mọi người chúng ta biết tự kiềm chế, sử dụng rượu hay rượu thuốc một cách điều độ, đúng liều lượng sẽ giúp ích cho sức khỏe, hạnh phúc của mọi người, của mọi gia đình và tăng tuổi thọ. Trái lại, nếu chúng ta không biết tự kiềm chế, sử dụng quá mức độ cho phép thì tác dụng sẽ ngược lại, rượu và rượu thuốc sẽ làm cho con người mất nhân cách, gia đình mất hạnh phúc, tuổi thọ giảm. Mong rằng với những thông tin về rượu và rượu thuốc trên đây, mỗi người chúng ta có thể rút ra được những điều bổ ích để áp dụng trong điều trị và ăn uống, đem lại một niềm vui, một hiệu quả cao là có một đời sống khỏe mạnh, hữu ích và hạnh phúc.
Giới thiệu một vài loại rượu thuốc thường gặp trong đời sống xã hội.
Bài 1: DƯỢC TỬU PHƯƠNG TRỊ PHONG THẤP
*Thành phần: Lão tang chi (cành dâu già) 40g, Tang ký sinh 28g, Cẩu tích 20g, Thục địa 16g, Ngưu tất 12g, Uy linh tiên 12g, Mộc qua 12g, Huyết giác 12g, Đỗ trọng 12g, Quế chi 12g, Thiên niên kiện 12g, Rượu trắng 45O 2000ml.
*Công dụng: Bổ huyết, bổ thận, trừ phong thấp.
*Chủ trị: Phong thấp, đau lưng, mỏi gối, đau nhức các khớp xương.
*Cách dùng, liều lượng: Các vị tán dập, cho 500ml rượu trắng 45O vào chưng cách thủy sôi 30 phút, lấy ra đổ thêm vào 1500ml rượu trắng 45O , lắc đều, ngâm tiếp một tuần. Chắt lấy rượu dùng dần. Ngày uống 3 lần: sáng, trưa, tối trước khi đi ngủ. Mỗi lần một ly nhỏ (15-20ml).
*Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.
Bài 2: ĐỘC HOẠT TANG KÝ SINH TỬU
*Thành phần: Độc hoạt 30g, Tang ký sinh 20g, Đỗ trọng 20g, Ngưu tất 20g, Tế tân 20g, Tần giao 20g, Phục linh 20g, Quế tâm 20g, Phòng không 20g, Xuyên khung 20g, Nhân sâm 20g, Cam thảo 20g, Đương quy 20g, Thược dược 20g, Can địa hoàng 20g, Rượu trắng 45O 3000ml.
*Công dụng: Khu phong thấp, chỉ thống tý, ích can thận, bổ khí huyết.
*Chủ trị: Phong thấp lâu ngày, can thận hư, khí huyết suy kém, lưng gối đau mỏi, khớp xương co duỗi khó khăn.
*Cách dùng, liều lượng: Các vị chế biến làm sạch cho rượu trắng vào ngâm 7-10 ngày. Chắt lấy rượu thuốc uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (20-25ml).
Bài 3: BỔ HUYẾT TRỪ PHONG TỬU
*Thành phần: Hà thủ ô đỏ chế 40g, Kê huyết đằng 40g, Thiên niên kiện 30g, Hy thiêm 30g, Tang chi 30g, Hoàng tinh chế 20g, Tục đoạn 20g, Cẩu tích 20g, Ngưu tất 10g, Ngũ gia bì 10g, Huyết giác 10g, Thổ phục linh 10g, Rượu trắng 45O 3000ml.
*Công dụng: Bổ huyết, trừ phong thấp, bổ can thận, chỉ thống.
*Chủ trị: Phong tê thấp, đau nhức mình mẩy, khớp xương; ăn ngủ kém, cơ thể suy yếu.
*Cách dùng, liều lượng: Các vị tán dập, cho 2000ml rượu trắng 45O vào, ngâm trong một tuần. Ngày uống 3 lần, uống trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Mỗi lần uống 25- 30ml.
LY – DS Nguyễn Đức Đoàn