TINH HOA XANH

Ba kích

BA KÍCH

 Tên khoa học: Morinda officinalis How

Họ Cà phê: RUBIACEAE

Tên vị thuốc: Ba kích

Tên khác: Dây ruột gà, Ba kích thiên, Liên châu ba kích, Chẩu phòng xì (Mông), Sáy cáy (Thái), Thau tày cáy (Tày), Chồi hoàng kim (Mường), Chày kiàng đòi (Dao).

  1. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT

Ba kích là cây sống lâu năm, dạng dây leo cuốn vào giá thể. Rễ có thịt dầy, hình trụ tròn, cong queo, thắt thành tùng đoạn như ruột gà, được chế biến sử dụng làm thuốc. Thân hình trụ tròn, phân nhánh nhiều. Cành non có lông thô màu nâu khi già nhẵn không lông. Lá đơn nguyên, mọc đối chéo chữ thập, có cuống. Lá kim nhỏ hợp thành ống màu xám nâu. Phiến lá hình elip thuôn dài, lá non màu tím có lông, lá già màu xanh không lông. Cụm hoa ở nách lá hay đầu cành. Hoa nhỏ màu trắng ngà. Quả khi còn non màu xanh, khi chín màu hồng.

Mùa hoa quả: Tháng 4 đến tháng 12.

  1. ĐIỀU KIỆN SINH THÁI

Cây Ba kích mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Triều Tiên.

Cây thích ứng rộng với điều kiện sinh thái. Cây ưa sáng, chịu bóng. Khi cây non là cây ưa bóng, khi trưởng thành là cây ưa sáng. Cây tồn tại và phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ từ 22,50 – 23,10C, chịu được nhiệt độ tối thấp tuyệt đối – 2,80C và tối cao tuyệt đối 41,40C. Độ ẩm không khí trung bình từ 82 – 89%. Lượng mưa bình quân năm từ 1420,7 – 2574,5 mm. Ba kích ưa đất feralit đỏ vàng và đất feralit giàu mùn trên núi, đất thịt ẩm mát. Cây sinh trưởng sau 5 đến 7 năm mới thu dược liệu, năng suất bình quân 12kg củ tươi/gốc, càng để lâu sản lượng càng cao chất liệu dược liệu càng tốt.

  1. GIÁ TRỊ LÀM THUỐC
  1. Thành phần hóa học

Rễ Ba kích có chứa anthraglycosid, đường, nhựa, axit hữu cơ, phytosterol, tinh dầu. Rễ tươi còn chứa vitamin C.

  1. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
  1. Bộ phận dùng làm thuốc: Bộ phận dùng là rễ (Radix Morindae)
  2. Công dụng:

Theo Y học cổ truyền

  • Ba kích có vị ngọt, hơi cay, tính ấm vào kinh Thận. Có tác dụng ôn thận dương, mạng gân cốt, trừ phong thấp.
  • Ba kích có tác dụng tăng khả năng hoạt động sinh dục, tăng cường khả năng giao hợp, sức dẻo dai. Nhưng không có tác dụng kiểu androgen, không làm thay đổi tinh dịch đồ, tuy vậy vẫn có tác dụng hỗ trợ điều trị vô sinh ở nam giới.
  • Ba kích có tác dụng tăng lực rõ rệt với bệnh nhân tuổi già, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, ăn ngủ kém không có biểu hiện của các yếu tố bệnh lý. Ngoài ra còn có tác dụng giảm các triệu chứng đau khớp của bệnh nhân đau khớp dùng ba kích dài ngày.
  • Theo các tài liệu cổ, Ba kích còn chữa dương ủy, di tinh, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Còn được dùng như vị thuốc bổ não, tinh khí, chữa liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, có thể dùng riêng hay dùng phối hợp.
  • Ở Trung Quốc, còn dùng Ba kích trong Nhị tiên thang chữa cao huyết áp.

Theo Y học hiện đại (Tác dụng dược lí, lâm sàng)

  • Ba kích có tác dụng tăng cường sự dẻo dai cho súc vật thí nghiệm qua phương pháp chuột bơi.
  • Có tác dụng chống viêm rõ rệt qua thí nghiệm gây viêm bằng kaolin ở chuột cống trắng.
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể với các yếu tố độc hại.
  • Có tác dụng hạ huyết áp, LD50 = 193 g/kg thể trọng trên chuột nhắt trắng.

Một số bài thuốc và cách sử dụng:

  1. Trị cao huyết áp – “Nhị tiên thang”

Ba kích 12g

Tiên mao 12g

Dâm dương hoắc 12g

Tri mẫu 12g

Hoàng bá 12g

Đương quy 12g

Nước 600ml

Sắc còn 200 ml, chia 3 lần, uống trong ngày, thời gian điều trị 3 tháng.

  1. Trị thận hư, dương suy, di tinh

Ba kích 15g

Thục địa 15g

Sơn thù du 12g

Kim anh tử 12g

Sắc uống.

  1. Trị thận hư di niệu, đái nhiều lần

Ba kích 12g

Sơn thù du 12g

Thỏ ty tử 12g

Tang phiêu tiêu 12g

Sắc uống hoặc tán bột uống.

  1. Trị lưng gối mỏi đau, mặt trắng nhợt nhạt, chân tay lạnh

Ba kích 12g

Tục đoạn 12g

Bổ cốt chỉ 12g

Hồ đào nhục 5 quả

Sắc hoặc tán bột uống với canh.

  1. Trị hàn sơn (hernie) bìu sưng đau

Ba kích 12g

Hạt quýt 12g

Tiểu hồi hương 3,7 g

Sắc uống.

  1. KỸ THUẬT TRỒNG
  1. Chọn vùng trồng

Vùng trung du và miền núi thấp phía Bắc là vùng phân bố tự nhiên của cây Ba kích nên chọn là vùng sản xuất. Đất trồng là đất đồi núi độ cao dưới 600 m, tầng đất dày.

  1. Giống và kỹ thuật nhân giống

Ba kích là cây thuốc có thể trồng bằng hạt và bằng hom thân. Trong sản xuất chủ yếu trồng bằng cây giống gieo ươm từ hạt, chỉ khi thiếu giống, tận dụng giống mới trồng bằng hom thân.

  1. Nhân giống bằng hạt:

Quả Ba kích được thu hoạch từ các cây mẹ lâu năm. Chọn quả chắc mẩy, không thối làm giống. Sau khi chà xát lớp vỏ quả, đãi sạch, loại bỏ hạt lép lửng, chỉ chọn những hạt mẩy làm giống. Hạt giống được bảo quản trong kho lạnh.

Có thể gieo ươm hạt giống trực tiếp trên đồng ruộng. Cách tốt nhất là gieo ươm trong thùng cát, lượng hạt càng nhiều thì thùng càng phải lớn hoặc nhiều thùng, cát được làm sạch, khử trùng bằng cách rang hay sấy nóng, để nguội.

Thùng phía dưới để toàn cát, lượng nước thấm trong số cát này đạt bão hòa sẽ duy trì độ ẩm trong thùng lâu hơn. Hạt Ba kích khô ngấm nước 24 giờ, loại bỏ những hạt nổi và hạt lửng. Hạt vớt lên trộn đều với cát theo tỷ lệ 1/5, vẩy nước cho đủ ấm, rải đều lượng giống trên mặt cát trong thùng sau đó rải một lớp cát mỏng lên trên, phun nhẹ nước cho đủ ẩm, đậy kín, để ở điều kiện trong nhà, trong vườn ươm có mái che.

Chọn vườn ươm nơi mát mẻ, ít nắng, thoáng và có điều kiện theo dõi bảo vệ thường xuyên. Khi hạt ủ trong thùng cát bắt đầu mọc rễ, mầm, đổ cát và hạt ra, chọn hạt đã mọc mầm cho vào bầu, hạt chưa mọc mầm cho vào thùng ủ tiếp. Bầu là túi PE thủng 2 đầu kích thước 15 x 8 cm.

Đất vào bầu: Đất thịt vườn ươm quốc lên, đập nhỏ, loại bỏ rễ cây, rễ cỏ và các tạp chất khác. Trộn với phân chuồng hoại mục theo tỉ lệ 3/1, trộn đều đổ đất vào bầu.

Cách thứ hai: Khi hạt trong thùng cát nảy mầm có đôi lá thứ nhất xòe to và bắt đầu có đôi lá thứ hai, nhẹ nhàng nhổ từng cây lên trồng vào bầu.

Sau khi cây nảy mầm đã vào bầu, đem bầu xếp thành luống ở vườn ươm. Luống chìm 1/3 bầu để giữ bầu khỏi đổ và giữ ẩm tốt. Vườn ươm phải được vệ sinh sạch sẽ, rào chắn cẩn thận.

Thường xuyên tưới nước giữ ẩm, làm sạch cỏ dại và phải che nắng cho cây con không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Chú ý chống ủng cho vườn ươm triệt để sau cơn mưa và phòng trừ sâu, chuột cắn cây con.

Cây con cao 20 – 30 cm bắt đầu vươn ngọn leo, thân mập khỏe, không dấu hiệu sâu bệnh, là đạt tiêu chuẩn cây giống đưa ra trồng ở ruộng sản xuất.

  1. Nhân giống bằng hom:

Chặt thân cây Ba kích 2 – 3 tuổi thành các đoạn ngắn, mỗi đoạn có 3 – 4 mắt đem trồng. Phương pháp này được áp dụng phổ biến ở Trung Quốc. Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có phương pháp nhân giống bằng rễ.

  1. Thời vụ trồng

Thời vụ gieo ươm hạt vào tháng 1 hàng năm để mùa xuân năm sau có cây xuất đi trồng, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng thuận lợi, đồng thời đỡ tốn công chăm sóc cây con trên diện tích lớn.

  1. Đất trồng và kỹ thuật làm đất

Chọn đất thịt nhẹ hoặc đất thịt pha cát tơi xốp có tầng canh tác dày. Đất ẩm mát, cao, tốt nhất là đất đồi feralit giàu mùn. Phát đốt dọn sạch các loại cây tạp. Đất được cày sâu nhưng không được lật tầng lên để cày lên. Đất được làm ải từ cuối năm trước. Cày ải xong 5 – 7 ngày phải bừa ải giữ ẩm cho đất. Đến vụ trồng Ba kích phải bừa lại để đất nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch các tạp chất trên ruộng trước khi trồng.

  1. Phân bón và kỹ thuật bón phân
  • Bón lót: Phân chuồng hoại mục 15 – 20 tấn/ha.
  • Bón thúc: Ba năm đầu vào tháng 5 sau khi làm cỏ vun gốc tưới nước phân chuồng pha loãng ( 3 – 5 tấn/ha/năm) hoặc nước phân đạm ure pha loãng 20 % (80 kg/ha/năm).
  1. Mật độ khoảng cách và kỹ thuật trồng
  1. Mật độ khoảng cách trồng:

Trồng trên đất canh tác tơi xốp thì hệ rễ Ba kích rất phát triển. Mật độ khoảng cách trồng thường là:

Mật độ 8.500 cây/ ha với khoảng cách trồng 1 m x 1,2 m – 1 cây.

Mật độ 10.000 cây/ ha với khoảng cách 1 m x 1m – 1 cây.

  1. Kỹ thuật trồng:

Đào hố 30 cm x 30 cm hoặc 30 cm x 40 cm, sâu 20 cm, đổ 2 – 3 kg phân chuồng hoai mục trộn với đất mùn (đất mật) đầy hố (không được để hố trũng đọng nước làm thối cổ rễ cây khi mưa). Mỗi hố trồng 1 cây đã được xé bỏ bầu, lấp đất đầy hố, lèn chặt gốc và tưới nước ngay. Trồng vào ngày trời râm mát càng tốt.

  1. Chăm sóc và quản lý đồng ruộng

Cây trồng xong, cắm cây che nắng hoặc làm giàn che nắng ngay và tưới nước giữ ẩm khoảng 7 – 10 ngày. Tưới cây vào buổi sáng không tưới vào buổi chiều, phát hiện cây chết trồng giặm ngay. Mùa xuân năm thứ hai giặm lần cuối. Hằng năm làm cỏ, xới xáo, vun gốc cho cây vào tháng 5 và tháng 8.

Khi cây vươn ngọn cần cắm giàn leo. Vào cuối năm thứ hai hoặc đầu năm thứ ba, cắm giàn leo cho từng gốc gồm 3 cọc mỗi cọc dài 1,5 m cắm theo hình chóp nón cho cây leo tạo bụi lớn vào các năm sau.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

Trong hai năm đầu, kiểm tra thường xuyên để diệt trừ kịp thời sâu cắn ngọn và lá non. Từ năm thứ 3, cây đã tạo thành bụi khá lớn, sâu phá hoại không đáng kể. Sâu hại thường gặp là rệp làm thui ngọn và lá non, phòng trừ bằng cách rắc tro bếp vào buổ chiều. Cây bị bệnh nấm mắt cua làm đốm lá thì phun trừ bằng dung dịch boocdo.

Phòng trừ sâu bệnh bằng cách vệ sinh vườn sạch sẽ, thoát nước kịp thời và triệt để sau mưa.

  1. Chế độ luân canh hoặc xen canh

Ba kích là cây trồng lâu năm, sau 5 – 6 năm mới khai thác. Nếu sản xuất thâm canh, sau thu hoạch chuyển sang trồng cây khác như sắn, khoai lang, hoài sơn, 2 – 3 năm sau trồng lại. Có thể trồng xen canh với cây ăn quả hoặc cây công nghiệp dài ngày. Ở Trung Quốc, người ta thường trồng xen các loại cây như: sắn, gừng, lạc, khoai sọ…vào ruộng trồng Ba kích.

  1. THU HOẠCH, CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN
  1. Thu hoạch

Cây trồng sau 5 năm có thể thu hoạch được. Thời vụ thu hoạch vào mùa thu sau khi quả chín. Đào rộng cần tránh làm sây sát, đứt đoạn rễ ở nhiều chỗ.

  1. Chế biến

Củ đào về rửa sạch, loại bỏ rễ con, phơi nắng đến khi phần thịt rễ dẻo lại (2 ngày nắng nhẹ) độ ẩm còn khoảng 50 %, đập nhẹ hoặc nén nhẹ cho dẹp phần thịt rễ. Không làm nát hoặc bong phần thịt rễ ra khỏi lõi gỗ, sau đó tiếp tục phơi cho khô hẳn (độ ẩm khoảng 13 %) cắt thành đoạn 10 – 13 cm.

Củ hình cong queo, có dạng chuỗi hạt, vỏ có màu nâu nhạt, xù xì, có vân cứng. Mặt cắt rễ có màu tím xám hoặc nâu hồng. Ba kích khô có vị hơi ngọt.

Phương pháp bào chế:

  • Chế thường: Rửa Ba kích sau khi thu hoạch, bỏ lõi. Có thể đồ cho mềm để bỏ lõi (kh còn nóng). Thái đoạn vát dài 3 – 4 cm. Phơi khô.
  • Ba kích tẩm rượu: Ba kích chuẩn bị ở trên, tẩm rượu, ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao nhỏ lửa tới khô.
  • Ba kích tẩm muối: Ba kích sau khi bỏ lõi, thái lát. Tẩm với nước muối 5 % (đủ ẩm và đều), ủ 30 phút đến 1 giờ. Sao nhỏ lửa đến khi dược liệu có màu vàng. Cũng có khi người ta đun trực tiếp Ba kích với nước muối (tỷ lệ: 1 kg muối cho 10 kg Ba kích), đun trong 2 giờ, Ba kích chuyển màu đen là được, phơi khô.
  1. Bảo quản, vận chuyển

Ba kích được đóng gói trong loại bao bì tốt, hai lớp. Dược liệu được để trên kệ kê cao khỏi mặt sàn, nơi khô ráo, thoáng mát, luôn được kiểm tra tránh mốc mọt. Nếu phát hiện chớm bị mốc cần phơi khô lại ngay. Lấy bàn chải chải cho sạch, không được rửa bằng nước. Nếu bị mọt có thể có hun bảo quản bằng lưu huỳnh.

 

  

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""