TINH HOA XANH

Cây Hoàng Kỳ

 Hoàng Kỳ

Tên khác: Miên Hoàng kỳ, Tiễn kỳ, Khẩu kỳ, Bắc kỳ.

Tên khoa học: Radix Astragali membranacei,họ Đậu (Fabaceae). 

Mô tả cây thuốc:

Hoàng Kỳ là cây thảo sống lâu năm, phân nhánh nhiều, cao khoảng 50-70cm. Rễ hình trụ, đường kính 1-2cm, dài và đâm sâu, dai, khó bẻ, vỏ ngoài màu nâu đỏ hay vàng nâu. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le gồm 15-25 lá chét hình trứng dài, có lông trắng mịn ở mặt dưới. Cụm hoa chùm ở nách lá, dài hơn lá, mang 5-20 hoa màu vàng tươi. Quả đậu dẹt, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, mặt ngoài có lông ngắn; hạt hình thận màu đen. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 7-9.   

 

Cây thuốc Hoàng kỳ

Mô tả Dược liệu

 

Vị thuốc Hoàng kỳ là phần rễ hình trụ, đôi khi phân nhánh, trên to, phần dưới nhỏ dần, dài 30-90 cm, đường kính 1 – 3,5 cm. Mặt ngoài màu vàng hơi nâu nhạt hoặc màu nâu nhạt, với nếp nhăn dọc và rãnh dọc không đều. Chất cứng, dai, không dễ bẻ gãy, mặt gãy nhiều sợi và nhiều tinh bột; phần vỏ màu trắng hơi vàng, gỗ màu vàng nhạt với những vết nứt và tia hình nan quạt. Phần giữa của rễ già, đôi khi có dạng gỗ mục nát, màu nâu hơi đen hoặc rỗng. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt và hơi tanh như mùi đậu khi nhai.

 

Bộ phận dùng: Vị thuốc là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus Bge.)

Phân bố: Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.

Thu hái: Thu hái rễ của những cây 5-6 tuổi (ít nhất phải sau 3 năm trồng mới cho củ) vào mùa thu, mang về rửa sạch, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, phơi hay sấy khô.

Bào chế:

Loại bỏ tạp chất, phân loại to, nhỏ, rửa sạch, ủ mềm, thái phiến dày, phơi khô. Mật chích Hoàng kỳ (chế mật): Hoàng kỳ đã thái phiến, lấy mật ong, hoà với ít nước sôi, trộn đều, ủ cho ngấm, sao nhỏ lửa cho vàng, khi sờ không dính tay thì lấy ra để nguội. Cứ 10 kg Hoàng kỳ dùng 2,5 - 3,0 kg mật ong.

 

Vị thuốc Hoàng kỳ
 

Tính vị: Vị ngọt, tính ấm.

Quy kinh: Phế, tỳ.

Thành phần hoá học: Rễ Hoàng kỳ chứa saccharose, glucose, tinh bột, chất nhầy, gôm; còn có cholin, betain, nhiều loại acid amin, calycosin, astragaloside I-V, III.

Tác dụng của Hoàng kỳ: Bổ khí cố biểu, lợi tiểu, trừ mủ, sinh cơ.
Công dụng: 
+ Khí hư mệt mỏi, kém ăn; trung khí hạ hãm, tiêu chảy lâu ngày, sa tạng phủ, tiện huyết, rong huyết; ra mồ hôi; nhọt độc khó vỡ; nội nhiệt tiêu khát; viêm thận mạn.

+ Hoàng kỳ chích mật: Kiện tỳ ích khí. 

+ Sinh Hoàng kỳ: Cố biểu, lợi tiểu, trừ mủ sinh cơ.

Cách dùng, liều lượng: 6 - 12g một ngày, có thể tới 40 - 80g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc cao.  

Kiêng kỵ: Đối với trường hợp rối loạn tiêu hóa nếu bụng trên đầy thuộc thực chứng, dương chứng, không nên dùng. 
 

Bài thuốc có Hoàng kỳ:

1. Chữa phù thũng, phong thấp: Hoàng kỳ 5g, Cam thảo 2g, Phòng kỷ  5g,Quế chi 3g, Phục linh 6g, nước 300ml, sắc còn 100ml, uống trong ngày. 

2. Chữa cơ thể suy nhược, không muốn hoạt động, thích nằm, biếng nói, ngắn hơi, thở yếu, kém ăn, người xanh bủng, rù mỏi hay bệnh lòi dom do ỉa chảy lâu ngày, sa dạ con, sa dạ dày: Dùng Hoàng kỳ (tẩm mật sao), Đẳng sâm đều 10g,
 Bạch truật, Đương quy đều 8g, Thăng ma, Sài hồ, Trần bì, Cam thảo  đều 4g sắc uống.

3. Trị trực trường sa, lòi dom:  Dùng Hoàng kỳ 30-50g phối hợp với Đan sâm 15g, Sơn tra nhục 10g,Phòng phong, Thăng ma mỗi thứ 3g, sắc nước uống mỗi ngày l thang, dưới 3 tuổi giảm liều. Nếu có lòi ra ngoài, thêm Thuyền thoái, Kinh giới (than), Băng phiến tán bột trộn với Hương dầu bôi trị sa trực trường, kết quả tốt (Vương Chí Thanh, ‘Trị Sa Trực Trường Bằng Thuốc’, Sơn Đông Trung Y Tạp Chí 1983, 2: 43).

4. Trị  Phế ung, thổ ra huyết: Hoàng kỳ 80g,  tán bột, mỗi lần dùng 8g  sắc với  nước uống lúc còn nóng. Ngày uống 3-4 lần (Thánh Huệ Phương).

5. Trị tiêu khát: Can địa hoàng  200g Chích thảo 120g, Hoàng kỳ 120g,Mạch môn
 (bỏ lõi) 120g,Phục Thần 120g, Quát lâu 120g, sắc uống ( Hoàng Kỳ Thang - Thiên Kim phương).

Ghi chú: Hoàng kỳ nam là rễ Cây vú chó (Ficus heterophyllus L.), họ Dâu tằm (Moraceae) cần chú ý phân biệt.

Tổng hợp

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""