TINH HOA XANH

Nuôi trồng cây thuốc: Sa nhân tím

 

                                                         SA NHÂN TÍM

 

Tên khoa học: Amomum longiligulare T.L.Wu.

Họ: Gừng ZINGIBERACEAE

Tên khác: Mè tré bà, co nẻnh (Thái), mác nẻng (Tày), sa ngần (Dao), pa đoóc (K’Dong), la vê (Ba Na).

Tên vị thuốc: Sa nhân.

 Phần I. Đặc điểm chung

1. Nguồn gốc, phân bố

Sa nhân tím có vùng phân bố từ đảo Hải Nam Trung Quốc, đến vùng trung Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, sa nhân tím phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở phía Bắc, sa nhân có trồng rải rác ở các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Dương.

2. Đặc điểm thực vật

Cây thảo sống lâu năm, cao 1,5 - 2,5 m. Thân rễ mọc bò lan trên mặt đất. Lá mọc so le thành 2 dãy, hình mác, dài 23 - 30 cm, rộng 5 - 6 cm, gốc hình nên, đầu ngọn mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng, lưỡi bẹ mỏng, xẻ đôi, cuống lá dài 5 - 10 mm. Cụm hoa mọc từ thân rễ thành bông, có 5 - 7 hoa mầu trắng, lá bắc ngoài hình bầu dục, mầu nâu, lá bắc trong dạng ống, đài dài 1,5 cm, có 3 răng nhọn, tràng hình ống dài 1,3 - 1,5 cm chia 3 thùy, mặt ngoài có lông thưa, thùy giữa hình trứng ngược hai thùy bên hẹp, cánh môi gần tròn, đường kính 2,0 - 2,6 cm, lõm, mép mầu vàng, giữa có sọc đỏ đầu cánh môi xẻ hai. Quả hình cầu, mầu tím, đường kính 1,3 - 2 cm, mặt ngoài có gai ngắn, chia 3 ô, hạt có áo, đa dạng, đường kính 3 - 4 mm.

3. Điều kiện sinh thái

Sa nhân tím là cây ưa ẩm, chịu bóng (40 - 60 %) và ưa sáng trong trường hợp mọc thành những quần thể lớn thuần loài trên đất sau nương rẫy. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng kín thường xanh, rừng thứ sinh, dọc theo bờ các khe suối hay trên các nương rẫy thấp đã bỏ hoang.

4. Giá trị làm thuốc

Bộ phận sử dụng: Quả sa nhân được phơi khô.

Công dụng: Tinh dầu sa nhân tím có khả năng có tác dụng kháng khuẩn. Quả sa nhân tím có tác dụng trị bụng trướng, đau đầy bụng, ăn không tiêu, tả, lỵ, nôn mửa. Quả sa nhân tím vị cay, tính ấm, mùi thơm, vào kinh, tỳ, vị, thận, có tác dụng tán hàn, tán thấp, hành khí, khai vị, tiêu thực, kích thích tiêu hóa.

 Phần II. Kỹ thuật trồng trọt

1. Chọn vùng trồng

Sa nhân thích hợp vùng núi thấp, trung du, cao 100 - 800 m so với mặt biển. Ở Việt Nam, sa nhân phân bố hầu hết các tỉnh có lượng mưa trung bình năm khoảng 1.000 - 3.000 mm, đất xốp ẩm mát, đất không dốc quá (<15o ). Chọn vùng đất luôn ẩm, mát, không bị úng ngập, có độ che bóng 10 - 40%, dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng.

2. Giống và kỹ thuật làm giống

Sa nhân tím được nhân giống bằng mầm rễ, hoặc cây con gieo từ hạt.

Kỹ thuật làm giống

- Nhân giống từ hạt : Hạt có tỷ lệ nảy mầm cao. Chọn quả già hạt to đều để làm giống. Trước khi gieo cho vào chậu xát nhẹ để tách hạt, xử lý hạt bằng dung dịch thuốc tím 5‰ trong 10 -15 phút, vớt ra rửa sạch, ngâm nước ấm 40o - 45oC, vớt ráo rồi đem gieo.

Gieo cây trong vườn ươm: rắc đều hạt trên luống gieo, phủ kín đất mặt, che phủ, tưới đều. Sau 15 - 20 ngày hạt nảy mầm. Khi cây có 2 - 3 lá cho vào bầu. Xếp bầu thành luống dưới tán cây hoặc giàn che. Chăm sóc cây con 3 - 4 tháng, cây đạt chiều cao 20 - 25cm, có 5 - 6 lá thì đem trồng. Cây trồng bằng hạt có tốc độ đẻ nhánh khỏe.

- Nhân giống bằng mầm rễ: tách nhánh vào mùa xuân. Các nhánh giữ nguyên phần gốc, cắt bỏ bớt thân rễ và phần ngọn, chỉ để 1 đoạn 30 - 40cm tính từ gốc. Cây trồng từ mầm nhanh ra hoa, kết quả. Hệ số nhân giống vô tính của sa nhân tím đạt tới 15 - 20 mầm/cây

3. Thời vụ trồng

- Ở miền Bắc thời vụ trồng sa nhân vào tháng 2 - 3. - Ở miền Nam trồng vào đầu mùa mưa (cuối tháng 4 đầu tháng 5) hoặc cuối mùa mưa (tháng 9 - 10). - Miền Trung và Nam trung bộ thường trồng vào tháng 11 - 12. 245 4. Kỹ thuật làm đất Đất trồng sa nhân yêu cầu có độ ẩm tự nhiên cao, gần sông, suối và đặc biệt có tán cây rừng mọc tự nhiên, hoặc rừng trồng với độ tán che từ 10 - 40 %. Đất trồng sa nhân không cần cày bừa quá kỹ, chỉ cần cuốc lên một lần sau khi đã dọn sạch thực bì, san phẳng đất lưu ý tạo độ nghiêng (để thoát nước). Không cần lên luống chỉ bổ các hốc kích thước 20 cm x 20 cm x 10 cm.

5. Mật độ, khoảng cách trồng

Mật độ: 25.000 cây/ha.

Khoảng cách: 50 x 80 cm

6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

Lượng phân bón cho năm đầu tiên

Loại phân Lượng phân/ha (Kg) Lượng phân/ sào Bắc Bộ (Kg) Bón lót Bón thúc lần 1 Bón thúc lần 2
Phân chuồng 20.000 - 25.000       740 - 926 100      -      -
Phân vi sinh 700 - 1.200       6 - 44 100    
NPK 16:6:8 280 - 400       10,3 - 14,8     -      50      50

 

Thời kỳ bón

- Bón lót: Toàn bộ lượng phân chuồng + phân hữu cơ vi sinh, trộn đều cả 2 loại rồi bón.

- Bón thúc: Chia làm 2 đợt bón/năm, trước các đợt cây ra hoa vào các tháng 1 - 2 và 6 - 7 hàng năm.

Lưu ý chọn thời điểm bón phân cho cây vào thời gian độ ẩm đất và không khí cao hoặc trước hoặc sau đợt mưa.

7. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng

- Trồng ngập phần thân củ, lấp chặt phần thân gốc. Chọn thời điểm độ ẩm đất cao >70% hoặc sau những ngày mưa đem trồng để tỷ lệ cây sống cao. Nếu chọn thời điểm thời tiết khô hoặc độ ẩm đất thấp, vùng khô hạn ít mưa nên sử dụng cây giống gieo từ hạt và làm vào bầu đất sẽ giúp cây có tỷ lệ sống cao.

- Sa nhân trồng cho năng suất và chất lượng quả cao khi trồng ở dưới tán có độ che phủ từ 10 - 40%, dưới tán rừng phòng hộ có độ cao trên 350m so với mực nước biển và rừng phòng hộ trồng các loại cây họ đậu. Vì thế để giảm tải việc chăm sóc, bón phân hoặc bảo vệ quả cần có sự kiểm soát chặt về cỏ dại, cây rừng và các con vật phá hại cây quả.

Chăm sóc

Thường xuyên thăm ruộng nhặt bỏ cỏ dại, dây leo, xới xáo, vun gốc chú ý trồng dặm đảm bảo mật độ cây. Cắt bỏ những cây sa nhân già, lá úa, khô đã tàn lụi, phát quang hơn các khu vực bị tán cây che phủ quá mức cần thiết, hoặc ngược lại tìm cách bổ sung độ tán che chưa đúng từ 10 - 40%. Tuyệt đối không để đọng, ngập nước trong vườn trồng sa nhân.

Cách bón phân

- Bón lót: Rải đều trên mặt đất sau khi đất được cày bừa hoặc cuốc xong trước khi đánh luống hoặc đánh rạch theo hàng rồi rải phân.

- Bón thúc: Rắc đều phân dưới gốc cây, tránh bón vào đọt cây hoặc vào lá dễ gây cháy lá.

8. Phòng trừ sâu bệnh

Cây sa nhân là cây ít bị sâu, bệnh phá hoại. Vào mùa cây sa nhân ra quả cần chú ý đề phòng chuột ăn quả sa nhân. Những khu trồng sa  nhân dưới tán rừng tự nhiên, trong khu vực rừng phòng hộ cần thường xuyên thăm vườn đề phòng loài khỉ đến bẻ, phá cây.

9. Chế độ luân canh

Sa nhân là cây trồng lâu năm nhưng kinh nghiệm cho thấy ruộng sa nhân càng lâu năm (từ 7 năm trở lên) năng suất sẽ giảm dần, vì thế sau 6 - 7 năm nên phá bỏ toàn bộ ruộng sa nhân đã cỗi, để hoang hoặc trồng luân canh các loại cây khác tốt nhất là sắn, lúa nương, ngô hoặc một số cây họ đậu, không luân canh sa nhân với cây cùng họ như gừng, nghệ, dong riềng v.v.

10. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Thu hái vào mùa hạ, mùa thu lúc trời khô ráo, hái lấy quả chín để cả vỏ.

Sơ chế: Tãi phơi hoặc sấy ngay cho thật khô khi đạt độ ẩm <14%. Quả sa nhân sau khi khô kiệt bóc vỏ lấy hạt đem phơi hoặc sấy nhẹ (khoảng 40 - 45oC) đến khô.

Bảo quản: Cho dược liệu vào bao nilon kín, bảo quản ở nơi khô mát, tránh nóng ẩm.

11. Tiêu chuẩn dược liệu

Mô tả: Hình bầu dục hay hình trứng dài 0,8 - 1,5 cm, đường kính 0,6 - 1,0 cm, mầu nâu nhạt hay nâu sẫm, có 3 gờ tù (vách ngăn), mỗi ngăn có chứa 7 - 16 hạt. Bên ngoài mỗi hạt có một màng mỏng mầu trắng mờ (áo hạt) chụm thành một khối. Hạt mầu nâu sẫm, cứng nhăn nheo, mùi thơm, vị hơi cay. Độ ẩm không quá 14,0%; Tro toàn phần không quá 7,0%;

Tạp chất: Tỷ lệ hạt rời không quá 10,0%, Tạp chất hữu cơ không quá 1,0%, Tỷ lệ hạt non không quá 2,0%. Dược liệu phải chứa ít nhất 1,5% tinh dầu đối với loài A. longiligulare tính theo dược liệu khô kiệt.

 

(sách Kỹ thuật trồng cây thuốc)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""