TINH HOA XANH

Nuôi trồng Dược liệu: Đảng sâm (tiếp)

Phần II: Kỹ thuật trồng trọt

  1. Chọn vùng trồng

Cây Đảng sâm chủ yếu sinh trưởng tốt ở vùng trung du và miền núi, có độ cao từ 400m trở lên so với mặt nước biển.

Chọn đất nơi cao ráo, nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước, có nhiều chất dinh dưỡng. Các triền đồi thoải, ruộng bậc thang hay chân ruộng cao là thích hợp nhất. Các loại đất khác có thể trồng được nhưng năng suất thấp.

PH thích hợp cho cây phát triển từ 5,5 – 6,5.

  1. Giống và kỹ thuật làm giống

Đảng sâm trồng ở Việt Nam hiện có 2 loại:

  • Lộ Đảng sâm Codonopsis pilosula do Viện Dược liệu di thực từ Trung Quốc vào những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay còn rất ít.
  • Đảng sâm Codonopsis javanica là giống mọc hoang có sẵn ở Việt Nam, Viện Dược liệu đã tiến hành thuần hóa trồng thành công tại trạm nghiên cứu cây thuốc Sapa – Lào Cai.

Dùng hạt giống của cây đã được trồng từ 2 – 3 năm. Không nên dùng hạt của cây trồng 1 năm vì vừa ít hạt, chất lượng thấp. Nên dùng hạt mới thu hoạch, chọn hạt già, đảm bảo chất lượng, có tỷ lệ mọc cao từ 75 % trở cao, lượng hạt cần dùng 5 – 6 kg/ha.

Đảng sâm sinh sản chủ yếu hữu tính bằng hạt. Ngoài ra có thể sinh sản vô tính bằng mầm của đầu rễ (khi cần thiết).

Làm đất vườn ươm: Cần chọn đất tơi xốp, bằng phẳng, ít sỏi đá, thuận tiện tưới tiêu, nhặt sạch cỏ dại, cày hoặc cuốc sâu 30 cm. Phơi ải, bừa kỹ.

Lên luống: lên luống cao 30 cm, rộng 80 – 90 cm, dài tuỳ ý.

Phân bón: Bón lót gồm phân chuồng hoai mục bón 10 tấn + 150 kg phân lân + 100 kg phân KCl cho 1 ha vườn ươm, các loại phân trộn đều dải trên mặt luống, xáo nhẹ và san phẳng mặt luống để láp phân. Bón thúc vườn ươm cần 150 kg ure/ha pha loãng khi cây cao 7 – 10 cm, có 5 – 6 lá.

Gieo hạt:  Hạt được đãi sạch, trộn đều đất bột khô, chia đều cho các luống, gieo làm 3 lần, xong lấp đất dày 1 – 2 cm, cuối cùng phủ một lớp rơm rạ hoặc trấu mỏng lên trên mặt luống. Lượng hạt dùng để gieo cho 1ha vườn ươm là 25 – 27 kg, đủ giống trồng cho 5 – 6 ha.

Chăm sóc vườn ươm:  Luôn tưới đủ ẩm bằng ô doa, nếu không mưa hàng ngày tưới 1 lần vào buổi chiều mát.

Sau 10 – 15 ngày hạt mọc, khi hạt mọc chọn ngày không mưa bỏ rơm rạ tưới ẩm thường xuyên làm cỏ tỉa loại bớt cây bị sâu hại, định kỳ 15 – 20 ngày tưới nước phân đạm pha loãng 1/10.

Cây được 5 – 6 lá thật, tỉa bớt cây để khoảng cách cây 3 – 5 cm. Cây được 9 – 10 lá (khoảng 3 tháng tuổi) chọn cây khoẻ mạnh, không sâu bệnh đánh trồng ra ruộng sản xuất. Khi đánh cây tránh làm xây sát và đứt rễ củ.

  1. Thời vụ gieo trồng

Mỗi năm có thể gieo trồng 2 thời vụ:

– Thời vụ 1: Gieo hạt vào mùa xuân (tháng 2 – đầu tháng 3) và đánh cây con trồng vào tháng 5 – 6.

– Thời vụ 2: Gieo hạt vào mùa thu (tháng 9 – 10) và đánh cây con trồng vào tháng  2 – 3.

  1. Đất trồng và kỹ thuật làm đất, lên luống

Chọn đất trồng đảng sâm ở nơi có độ cao 400 – 1600 m so với mực nước biển, đất màu mỡ, nhiều mùn, cao ráo, thoát nước, nhiều chất dinh. Các triền đồi thoải, ruộng bậc thang hay trên ruộng cao là thích hợp nhất.

Đất sau khi được chọn cày sâu 30 cm, phơi ải, bừa kỹ, dọn sạch cỏ. Lên luống cao 30 cm, rộng 60 – 70 cm, chiều dài tuỳ thuộc. Đất ở vùng đồi có độ dốc vừa phải thì có thể trồng theo từng vạt nhỏ, đất có độ dốc lớn cần trồng theo đường đồng mực. Bổ hốc với khoảng cách 20 x 40 cm.

  1. Mật độ khoảng cách và kỹ thuật trồng

Mật độ khoảng cách trồng: Tuỳ loại đất đai để bố trí mật độ khoảng cách trồng thích hợp:

– Đất tốt trồng với khoảng cách 30 x 40 cm.

– Đất xấu trồng với khoảng cách 20 x 40 cm.

  1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Kỹ thuật trồng: Khi cây con đạt tiêu  chuẩn, đánh trồng theo hốc, mỗi hốc 1 cây. Trồng thẳng rễ, lấp chặt rễ, trồng xong tưới ngay. Nên trồng vào chiều mát, sau 5 – 7 ngày cây bắt đầu bén rễ hồi xanh.

Phân bón và kỹ thuật bón phân

    Đảng sâm trồng từ 2 – 3 năm mới thu hoạch. Thường trồng đảng sâm vừa thu hoạch giống, vừa thu dược liệu.

Lượng phân bón sử dụng cho 1 ha/2năm:

–  Phân hữu cơ hoai mục: 20 – 25 tấn

– Đạm urê: 450 – 500 kg.

– Supe lân: 350 – 400 kg.

– Kalisunphat: 350 – 400 kg.

Phương pháp bón

– Bón lót: ½ lượng phân hữu cơ  + ½ lượng phân lân và ¼ lượng phân kali, trộn đều bổ theo hốc sau đó lấp đất lại.

– Sau khi thu hạt năm thứ nhất, cây bắt đầu lụi. Vào tháng 1 năm sau bón phân năm thứ 2 gồm ½ lượng phân chuồng + ½ lượng phân lân và ¼ lượng phân kali.

– Phân đạm được chia đều cho 2 năm, định kỳ mỗi năm bón 3 – 4 lấn, kết hợp với các lần làm cỏ xới xáo, mỗi lần 60 – 70 kg/ha.

  1. Kỹ thuật chăm sóc.

– Năm thứ nhất: định kỳ 30 ngày chăm sóc 1 lần, làm sạch cỏ, kết hợp với bón đạm, lượng đạm mỗi năm 200 – 250 kg urê được chia làm 3 lần bón thúc, mỗi lần cách nhau 3 tháng.

Tháng 7, 8 khi cây chuẩn bị ra hoa, bón bổ sung ¼ lượng kali (100kg K2SO4) /ha. Cuối mùa đông cây lụi, cắt bỏ phần thân leo, vệ sinh đồng ruộng.

– Năm thứ 2: Sang mùa xuân năm thứ 2 khi cây bắt đầu mọc trở lại bón lót 10 tấn phân chuồng + ½ lượng phân lân và ¼ lượng kali. Trộn đều vùi quanh gốc kết hợp vớí làm cỏ vun gốc.

Lượng đạm còn lại chia làm 3 lần bón thúc, mỗi lần cách nhau 3 tháng kết hợp với làm cỏ. Tháng 7,8 năm thứ 2 tiếp tục bón ¼ lượng kali còn lại.

– Làm giá thể cho cây leo: Cây đảng sâm dài 15 – 20 cm bắt đầu cần làm giàn leo, dùng cây sặt, hoặc tre làm giàn cắm chéo hình chữ A để 2 hàng đảng sâm leo chung. Ở miền núi thường trồng ngô xen, vừa che mát vừa làm giá thể cho đảng sâm leo. Nếu làm bằng tre giàn để 2 năm, nếu trồng xen ngô thí năm thứ 2 phải gieo lại ngô.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

– Sâu hại: Đảng sâm thường bị sâu xám hại cây con, sâu xanh, rệp hại lá cây. Dùng các loại thuốc Sherpa 20 EC, Cyperan 50 EC… Thời gian cách ly tối thiểu 7 ngày.

– Bệnh hại: Chủ yếu là bệnh lở cổ rễ, khô thân lá. Có thể dùng Bordeaux phun định kỳ hoặc dùng Shimen, Zinep để trừ. Khi cây con đã bị bệnh nên nhổ bỏ để tránh lây lan.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý nên dùng các thuốc có nguồn gốc thảo mộc, các thuốc hoá học không bị cấm, dùng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.

  1. Thu hoạch, sơ chế – bảo quản, vận chuyển

Vào cuối mùa đông năm thứ 2 khi cây vàng lụi tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch cần phá bỏ giàn leo, cắt toàn bộ phần thân lá trên mặt đất, dùng cuốc thuổng đào sâu, tránh sây sát, đứt rễ củ. Rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ từ thấp đến cao cho đến khi khô, ẩm độ < 12 % là được. Đóng gói vào bao chống ẩm, ngoài có bao tải. Sau khi sơ chế (phơi khô) sản phẩm được bảo quản ở các kho chuyên dụng và được sử dụng dần để bào chế thuốc.

  1. Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu

Theo dược điển Việt Nam, rễ củ phơi hay sấy khô của đảng sâm có hình trụ, đôi khi phân nhánh, đường kính 0,5 – 2 cm, dài 6 – 15 cm. Đầu phình to, nhiều sẹo ở thân, mặt ngoài màu vàng nhạt, trên có những rãnh dọc và ngang, mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt, bột màu vàng nâu nhạt, ẩm độ < 12 %. Tro toàn phần < 5,5 %. Tạp chất không quá 1,5 %.

Theo thực tế sản suất: rễ củ hình trụ có khi phân nhánh đường kính từ 0,5 – 2 cm, ngoài vàng nhạt, trong màu trắng ngà, vị ngọt, không mối mọt, ầm độ < 12 %. Củ loại 1 có đường kính trên 2 cm dài trên 15 cm, còn lại là loại 2.

 Sưu tầm

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""