TINH HOA XANH

Nuôi trồng: Trạch tả

Tên khoa học: Alisma plantago - aquatica L var orientalis Samuels.

Họ: ALISMATACEAE

I. Đặc điểm sinh vật học.

1. Nguồn gốc, phân bố.

Cây Trạch tả là một cây thuốc được trồng nhiều ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây đã được di thực sang nước ta. Trạch tả thích hợp với các chân ruộng trũng.

2. Đặc điểm thực vật học.

Trạch tả là cây thân thảo, mọc ở ruộng nước, thân cây nhẵn bóng, lá đơn, mọc chụm từ rễ. Cuống lá dài 40 cm, phiến lá tròn hoặc bầu dục tròn, màu xanh, dài 5-7 cm, rộng 3-12 cm, đầu lá hơi nhọn, sát cuống có hình quả tim hoặc tròn; Cuống hoa trạch tả mọc thẳng dài 0,7-1,0 m chia thành đốt, mỗi đốt hoa mọc nhiều chùm hoa nhỏ có cuống ngắn, lá dài chùm hoa hình bao gươm; Hoa lưỡng tính, đài hoa có 3 cánh màu xanh, hoa cũng có 3 cánh nhưng màu vàng trắng, có 6 nhị đực, nhiều nhị cái, bầu thượng, quả khê, mọc thành chùm.

3. Điều kiện sinh thái.

Cây Trạch tả có tính thích nghi rộng rãi ở điều kiện khí hậu, đất đai nhiều vùng, từ miền núi, trung du đến đồng bằng đều trồng được Trạch tả. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển từ 22 - 270C.

II. Kỹ thuật trồng trọt.

1. Chọn vùng trồng.

Trạch tả rất thích hợp với các chân ruộng trũng, ưa thích ruộng có bùn dày, như chân ruộng chiêm, ven hồ, đầm, ao, mương máng,...và có điều kiện tưới, tiêu chủ động.

2. Giống và kỹ thuật nhân giống.

            Nên chọn loại hạt giống tốt, có màu vàng kim để gieo.Ngâm ủ hạt giống: trước khi gieo, ngâm hạt vào nước ấm 24 giờ, loại bỏ những hạt lép. Sau đó vớt hạt ra để ráo nước và đem gieo.

* Gieo hạt giống: Trộn hạt giống với cát, đất bột để gieo cho đều từ 2 - 2,5 g hạt/m2.

* Chăm sóc vườn ươm:

- Làm vòm che: Làm mái che bằng nilon màu trắng, để hạn chế nước mưa và bệnh thối nhũn và lở cổ rễ.

- Sau khi hạt/hom mọc mầm dỡ bỏ rơm rạ, thường xuyên thăm vườn, làm cỏ và tỉa bớt cây xấu, nếu phát hiện cây bị bệnh cần phun Daconil 75WP hoặc thuốc có gốc đồng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

- Khi cây mọc được 30- 40 ngày thấy cây thiếu dinh dưỡng bón bổ sung phân NPK (10kg/sào) bằng cách pha loãng tưới cho cây

- Trước khi xuất vườn khoảng 30 ngày cần luyện cây hạn chế tưới nước, dỡ bỏ che phủ nilon.

* Chăm sóc cây con trong vườn ươm: Cây Trạch tả trong giai đoạn vườn ươm sinh trưởng rất yếu nên cần lưu ý một số yêu cầu kỹ thuật như: Chú ý che mưa bằng vòm nilon tránh cây bị dập nát, trong những ngày đầu và những ngày thời tiết nắng nóng cần dùng lưới đen che nắng cho cây. Sau khi cây đã mọc được 1-2 lá thật sử dụng các loại phân bón lá pha loãng tưới định kỳ 10 ngày tưới 1 lần. Lưu ý phòng trừ một số bệnh do nấm gây ra.

Tiêu chuẩn cây xuất vườn: có từ 4-6 lá thật, cây cao 15-20cm.

3. Thời vụ trồng.

- Gieo hạt từ tháng 7 đến tháng 8.

- Cấy trên ruộng : Từ cuối tháng 9 –trung tuần tháng 11.

Lưu ý: Thời gian gieo cấy phụ thuộc vào lịch thời vụ của từng địa phương, có thể gieo cấy sớm hoặc muộn nhưng phải đảm bảo cây có thời gian sinh trưởng tối thiểu 3 tháng sau cấy nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng.

4. Kỹ thuật làm đất.

Đất cần cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại trước khi trồng (làm như đối với ruộng cấy)

5. Mật độ và khoảng cách trồng.

Khoảng cách 20 x 40 cm (12 vạn cây/ha), nên trồng vào ngày trời râm mát.

6. Kỹ thuật trồng.

Nhổ cây con ở vườn ươm bó thành từng bó nhỏ như bó mạ để đem đi cấy, cấy nông tay, thẳng cây, chắc gốc.

7. Phân bón và kỹ thuật bón phân.

- Lượng phân bón cho 01 ha: 8 - 10 tấn Phân chuồng hoai (hoặc thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng 850 kg), 500 kg đạm Ure,800 kg Lân Supe,300 kg Kali clorua.

- Cách bón:

+ Bón lót 100% phân chuồng, phân Lân.

+Bón thúc: Lượng phân bón (đạm Ure + Kali/sào) chia làm 2- 3 lần bón, lần đầu sau trồng 15 ngày, những lần sau bón sau lần bón trước 15-20 ngày.

8. Kỹ thuật chăm sóc.

Cần thường xuyên tỉa bỏ chồi nhánh và nụ hoa để tập trung dinh dưỡng nuôi thân rễ.

Ruộng Trạch tả cần giữ luôn ngập nước 3 - 5 cm tránh cỏ dại. Trước khi thu hoạch ít ngày có thể tháo kiệt để thân rễ chắc, dễ đào.

 

Nông dân thu hoạch cây Trạch tả

9. Phòng trừ sâu bệnh.

Trong quá trình chăm sóc cần lưu ý phòng trừ các đối tượng như: Ốc bươu vàng, chuột, rệp muội và bệnh thán thư,... khi mật độ cao sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ.

10. Thu hoạch, sơ chế.

Thu hoạch sau trồng 3 tháng, khi lá chuyển sang màu vàng, đào củ, rửa sạch, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Trung tâm khuyến nông

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""