Khí hậu nóng, ẩm của mùa hè tạo điều kiện cho vi khuẩn và virut lây lan diện rộng. Với các virut lây qua đường hô hấp thì đây mới chính là “mùa xuân” của chúng.
Hơn nữa, mùa hè rất nhiều gia đình đi du lịch. Sự thay đổi môi trường đột ngột khiến cơ thể chưa thích nghi kịp, lại là lợi thế cho vi khuẩn tấn công và gây bệnh, nhất là các bệnh viêm đường hô hấp.
Các bệnh viêm đường hô hấp dễ mắc trong mùa hè
Ho, viêm họng, viêm họng hạt hay viêm amidan, viêm mũi xoang... đều là viêm nhiễm đường hô hấp dễ mắc trong mùa hè. Trong mùa hè, do thời tiết nóng, đặc biệt những hôm trời không có gió, khói xe máy, bụi thải ra không được pha loãng nhanh trong không khí làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, những chất ô nhiễm này kích thích niêm mạc đường thở, gây co thắt cơ trơn phế quản... Do vậy trong mùa hè, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp dưới như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản tăng nhiều.
Do thời tiết quá nóng, mồ hôi thoát ra nhiều, cơ thể thường bị mất nước. Ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính, mất nước làm đờm khô, quánh lại, việc khạc đờm trở nên khó khăn hơn. Đờm ứ lại làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao, mọi người thường có thói quen bật quạt nhiều, mạnh, sử dụng điều hòa nhiệt độ thấp. Một số người tắm lạnh ngay sau khi vừa đi ngoài trời nóng về hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ thấp, sau đó lại thường xuyên ra, vào phòng đang bật điều hòa. Tất cả những việc này đều gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, do đó làm giảm sức đề kháng của đường thở, nhung mao hoạt động kém góp phần làm gia tăng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Biện pháp phòng bệnh
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp, cần áp dụng các biện pháp sau đây để phòng bệnh cho trẻ: Nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ. Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt, giúp trẻ giảm được nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi, giảm độ nặng khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản và hen suyễn. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tự nguyện (phòng cúm, phế cầu, đặc biệt khi trẻ có bệnh mạn tính như hen suyễn). Uống vitamin A và các nguyên tố vi lượng khác (sắt, kẽm,...) theo hướng dẫn. Tránh khói thuốc lá vì khói thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và tăng nguy cơ viêm phổi, viêm tai giữa, tăng độ nặng và biến chứng lâu dài khi trẻ bị viêm tiểu phế quản. Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ - một biện pháp đơn giản, đã được chứng minh hiệu quả trong giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp. Không để trẻ tiếp xúc gần người bệnh.
Người trưởng thành cũng cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức đề kháng tốt: Thường xuyên vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng. Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở răng, hàm, miệng, tai, mũi, họng để tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Nếu thấy có những biểu hiện khác thường như sốt, ho khạc đờm, khó thở, đau ngực... thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám xác định bệnh, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc, tránh không để bệnh tiến triển nặng, gây các biến chứng nguy hiểm.
Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: Không tắm ngay sau khi vừa đi ngoài trời nóng về. Khi bật điều hòa, không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, nên bật điều hòa ở 25-26oC vào ban ngày và 27-28oC vào ban đêm khi đi ngủ, hạn chế ra vào thường xuyên phòng đang bật điều hòa. Những ngày nắng nóng, nên tập thể dục buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế ra ngoài đường khi trời nắng cao điểm.
Tránh một số thói quen có hại như: hút thuốc lá, thuốc lào. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất nhầy lên được, các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả làm đường hô hấp dễ bị nhiễm khuẩn. Nghiện rượu cũng làm suy giảm sức đề kháng chung của cơ thể. Khi uống rượu, người ta có cảm giác nóng, nên thường cởi bớt quần áo, khăn mũ và bật quạt mạnh, thậm chí có người tắm ngay sau khi uống rượu hoặc nằm phòng quá lạnh nên dễ bị viêm phế quản phổi. Chưa kể các trường hợp uống rượu say quá bị nôn ra thức ăn, trong lúc nôn người đó dễ bị sặc các thức ăn, chất dịch dạ dày vào phế quản gây viêm phổi nặng.
Điều trị sớm và triệt để nhiễm khuẩn hô hấp trên: Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để, tránh lan xuống phế quản, phổi. Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh gan... Do vậy, cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, tuân theo chế độ điều trị bệnh đang mắc. Tiêm phòng cúm hằng năm cũng giảm thiểu mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
BS. Trần Chương