Lợi dụng sự cả tin cũng như quá lo lắng về bệnh tật mà lại muốn nhanh khỏi của người bệnh, nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội để thực hiện bán thuốc online. Điều đáng nói là những kẻ bán hàng đã không ngần ngại lấy danh nghĩa của người nổi tiếng để trục lợi bằng mọi cách.
Theo đó, trên mạng xã hội tại địa chỉ Facebook Khoa tiêu hóa, Viện nghiên cứu y học cổ truyền mấy ngày nay đã ngang nhiên lấy hình ảnh GS.TS Nguyễn Lân Dũng để quảng cáo cho sản phẩm thuốc chữa dạ dày của mình. Trang này viết lời của Gs. Dũng “ tôi không cần danh lợi cũng chẳng có mục đích kiếm lời. Cả đời chạy theo danh lợi rồi, gần cuối đời muốn chia sẻ bài thảo dược quý chữa Dạ Dày cho bà con coi như làm phước cho con cháu đời sau. Ai tin thì chữa bệnh không tin thì cũng chẳng sao . Bài thuốc được tôi cùng các lương y của Viện Y học cổ truyền nghiên cứu và bào chế thành dạng viêm nang rất mềm và dễ uống…”
Qua trao đổi với phóng viên Suckhoedoisong.vn, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, ông hoàn toàn bất ngờ và rất bất bình về hành động trên, bởi ông không hề biết cũng như không hề có mối liên hệ nào với khoa tiêu hóa, Viện nghiên cứu y học cổ truyền và ông cũng không có phát biểu nào quảng cáo và giới thiệu sản phẩm nói trên. Tất cả chỉ là lời bịa đặt.
Hình ảnh của GS. Nguyễn Lân Dũng được trang facebook lấy để quảng cáo bán sản phẩm
GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông gặp rất nhiều phiền toái khi khi bạn bè người thân cho biết hình ảnh của mình đã được trang này lợi dụng để bán thuốc . Ngoài ra, hàng ngày có nhiều bạn bè hỏi thăm thậm chí có người còn tò mò hỏi “bây giờ lại đi bán thuốc dạ dày”. Nhiều người gọi điện hỏi và nhờ ông mua cũng như kê đơn cho họ thuốc dạ dày vì họ đọc trên mạng thấy hình ảnh ông quảng cáo. Ngoài ra, nhiều người không hiểu hết sự việc cũng đã “chỉ trích” ông rất nặng nề.
Điều đáng nói là chúng tôi đã tìm địa chỉ của Viện nghiên cứu y học cổ truyền nhưng không hề có tên viện này. Mọi hình ảnh của trang này đều được lấy của Học viện Y Dược học cổ truyền VIệt Nam.
Không chỉ GS. Nguyễn Lân Dũng, TS. Vũ Thái Hà Trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, BV Da Liễu trung ương cũng bị một trang facebook lấy hình ảnh để quảng cáo cho thuốc trị tóc bạc sớm. Có nhiều bạn bè nhầm tưởng và gây ra sự hiểu lầm tai hại nên Bs. Hà đã phải lên trang cá nhân để “giãi bày”, Bs. Hà viết “ hiện nay có nhiều trang facebook và web lấy những hình ảnh của các bác sĩ trong đó có tôi để quảng cáo cho dịch vụ của họ. Tôi xin thông báo, ngoài những thông tin từ các trang web và facebook cơ quan nhà nước và báo đài chính thống, tôi không quảng cáo hay đứng tên bảo trợ cho bất kỳ một sản phẩm nào. Các bạn hết sức thận trọng, có thể hỏi xem các bác sĩ chuyên khoa về tác dụng thực sự trước khi sử dụng. Họ chặn tôi vào trang này trong khi các bạn bè tôi vẫn vào xem được. Xin cảm ơn”.
Hình ảnh BS. Vũ Thái Hà cũng được trang mạng lấy trộm để quảng cáo cho bài viết về sản phẩm
Tương tự như Bs. Hà, BS. Nguyễn Đình Liên khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội cũng bị một trang facebook bán hàng lợi dụng hình ảnh để quảng cáo cho sản phẩm giảm cân mà bản thân anh cũng không hề biết gì. Chỉ sau khi thấy hình ảnh được đăng lên rầm rộ bạn bè nhắn tin gọi điện, Bs Liên mới biết và lại “tá hoả” giải thích cho người thân, bạn bè.
Hình ảnh của Bs. Nguyễn Đình Liên cũng bị lợi dụng để quảng cáo thuốc giảm cân
Đáng nói là để bán được hàng, môt số trang facebook đã không từ một thủ đoạn nào. Họ cắt ghép dán hình ảnh xuyên tạc hình ảnh. Đó là trường hợp của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung khi đó là phó giám đốc BVĐK huỵen Vị Xuyên, Hà Giang. Bức ảnh gốc là hình ảnh bác sĩ Chung mặc áo blue trắng cùng với tấm ảnh in hình hai cháu bé song sinh dính nhau nhưng vì gia đình quá nghèo không có tiền để cho bé lên tuyến trên.Do đó bác sĩ Chung đã ra chợ xin tiền giúp gia đình cháu có kinh phí đưa đi chữa trị. Thế nhưng, trang facebook có tên Đông y hạnh phúc đã xoá hình hai cháu bé và cắt ghép lại thành chữ “Tại đây chữa yếu sinh lý, nặng mấy cũng khỏi” kèm hình ảnh BS. Chung đứng bên cạnh. Bs Chung đã rất bức xúc nhắn tin và yêu cầu trang Facebook này gỡ ngay hình ảnh vi phạm thì anh lập tức bị chặn.
BS Nguyễn Ngọc Chung với hình ảnh hai cháu bé song sinh dính nhau khi ra chợ xin tiền đã bị tẩy xoá và thay và dòng chữ "Tại đây chữa yếu sinh lý, xuất tinh sớm"
SK&ĐS