Những phân tử ô nhiễm rất nhỏ đi vào trong không khí góp phần làm gia tăng các biến cố tim mạch đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề toàn cầu. Ở những đô thị lớn tại châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh ô nhiễm bụi đã tăng lên mức báo động trong nhiều năm gần đây do sự phát triển nhanh của công nghiệp cùng với các phương tiện giao thông. Chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nguồn nước đã gây tác hại đáng kể lên sức khỏe người dân. Ô nhiễm cho thấy có thể làm tăng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não và rối loạn nhịp. Bài viết này sẽ đề cập đến ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng thế nào đến bệnh tim mạch và bạn sẽ phải làm gì để tự bảo vệ bản thân.
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lên bệnh lý tim mạch
Những phân tử ô nhiễm rất nhỏ đi vào trong không khí góp phần làm gia tăng các biến cố tim mạch đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Những phân tử này được thấy có thành phần EPA như PM 2,5 đến từ khí thải của xe, của các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp, các vụ cháy. Tổn thương của tầng ozone trong nhiều năm qua gây ra những bệnh lý phổi và cũng có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não.
Những phân tử ô nhiễm rất nhỏ có thành phần EPA như PM 2,5 từ khí thải của các khu công nghiệp góp phần làm gia tăng các biến cố tim mạch.
Ở người bình thường, ô nhiễm môi trường chỉ góp phần rất nhỏ làm kích hoạt nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não hoặc tần số tim không đều. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh lý tim mạch ô nhiễm rất dễ kích thích gây nên nhồi máu cơ tim, phải can thiệp tim mạch, đau ngực, rối loạn nhịp.
Một số nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy ô nhiễm môi trường làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch . Tổ chức Y tế thế giới ước tính ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 13. Mỗi năm có khoảng 80.0000 người tử vong do ô nhiễm môi trường gây ra. Trong những nước phát triển cao như tại Bắc Mỹ, ô nhiễm cũng đứng thứ 14 làm bùng phát bệnh lý tim mạch sau các nguyên nhân như hút thuốc, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, lạm dụng rượu, sử dụng ma túy, tăng cholesterol máu, thói quen ăn uống như ăn nhiều muối, ít rau và hoa quả, chế độ ăn nhiều thịt...
Các nghiên cứu cho thấy thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột tử do nhồi máu cơ tim. Biến đổi thời tiết và ô nhiễm môi trường cùng xuất hiện sẽ nguy hiểm cho những người có nguy cơ cao. Thời tiết quá nóng đặc biệt nguy hiểm cho những người có bệnh tim mạch, người già và những người đang phải sử dụng thuốc tim mạch.
Bảo vệ bản thân trước nguy cơ ô nhiễm
Giảm nguy cơ bao gồm lựa chọn một cuộc sống khỏe mạnh (như ngừng hút thuốc lá, điều trị tăng huyết áp và mỡ máu). Tránh những vùng, những nơi có nhiều ô nhiễm. Các phần tử ô nhiễm thỉnh thoảng chúng ta cũng có thể thấy được bằng mắt thường như dạng một hình ảnh mờ sương.
Tuy nhiên, ô nhiễm không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy, thậm chí ở mức độ nguy cơ cao. Về mặt nào đó, nguy cơ ô nhiễm cao sẽ ở những đường phố nhiều xe cộ đi lại, vào những giờ tan tầm, ở gần nhà máy hoặc gần những vụ cháy. Với những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao nên tránh những vùng này.
Một số người đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp nhưng cách làm này không được chứng minh sẽ giúp bảo vệ được nguy cơ ô nhiễm. Các khẩu trang thông thường không thể ngăn cản được các mảnh PM 2,5 nhỏ. Tuy nhiên, ở chỗ đông người, nơi ô nhiễm cao hoặc đang gần đám cháy, việc dùng khẩu trang lúc này là cần thiết.
Người bệnh tim mạch có thể tránh đến các khu vực bị ô nhiễm không khí thông qua các bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình hoặc đài báo. Tránh tập thể dục ở những đường phố đông đúc và ở thời điểm mà mức độ ô nhiễm cao. Có thể đóng cửa sổ khi ô nhiễm cao và dùng điều hòa. Nên có kế hoạch tham gia các hoạt động ngoài trời khi ô nhiễm không khí thấp như: đạp xe, đi bộ, tập thể dục thể thao... Dừng những hoạt động ngoài trời nếu bạn thấy mức ô nhiễm không khí là cao.
TS.BS. Phạm Như Hùng
(Viện Tim mạch Quốc gia)