Bệnh liên quan đến khớp là bệnh khá nhiều người mắc, nhưng cũng là bệnh có những quan niệm sai lầm phổ biến. Thật không may bởi vì người bệnh cần những thông tin chính xác để phòng ngừa và đối phó với bệnh một cách hữu hiệu.
Lầm tưởng 1 - Bệnh khớp là bệnh của người già
Sự thật: Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh khớp.
Quan niệm sai lầm phổ biến nhất về bệnh khớp là đó chỉ là bệnh của người già. Trên thực tế, bệnh khớp không phân biệt tuổi hoặc giới tính. Bệnh khớp có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em, thanh niên và những người ở độ tuổi trung niên chứ không chỉ người cao tuổi. Có hơn 100 bệnh khớp, một số loại phổ biến hơn trong các nhóm cụ thể, chẳng hạn: Viêm khớp dạng thấp, đau cơ xơ hóa và Lupus phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới; Bệnh gút và viêm khớp mắt cá chân xuất hiện thường xuyên hơn ở nam giới so với nữ giới; Về giới tính, viêm khớp vẩy nến ảnh hưởng đến nam và nữ gần như bằng nhau; Người già có xu hướng bị thoái hóa khớp, khô, mòn sụn khớp và viêm khớp hơn.
Lầm tưởng 2 - Viêm khớp là do khí hậu lạnh, ẩm ướt
Sự thật: Khí hậu tự nó không phải là nguyên nhân, cũng không phải là phương pháp chữa bệnh khớp.
Từ lâu, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng viêm khớp là do khí hậu lạnh, ẩm ướt. Vì thế chuyển đến một nơi có khí hậu khô, ấm áp đã được một số người coi là phương thuốc cho căn bệnh này. Thực tế thì, khô khớp, thoái hóa khớp... có thể gây đau đớn trong mọi loại khí hậu. Tuy nhiên, sự ấm áp có thể làm dịu đi những đau đớn. Ngay cả những người không bị bệnh khớp cũng thường cảm thấy tốt hơn, dễ chịu hơn khi ở nơi khí hậu ấm áp. Sự ấm áp có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh khớp, cũng giống như việc ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc tắm nước nóng vậy.
Trẻ em cũng có thể bị viêm khớp.
Lầm tưởng 3 - Bệnh khớp có thể được chữa khỏi hoàn toàn
Sự thật: Không có phương pháp nào chữa khỏi bệnh khớp.
Cho đến nay, không có cách chữa trị triệt để căn bệnh này. Phần lớn phương pháp là điều trị làm giảm triệu chứng và làm chậm quá trình phát triển bệnh, chứ vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hay phương pháp ngăn chặn thành công căn bệnh này. Hơn nữa, vì có rất nhiều loại bệnh khớp khác nhau, tiên lượng cũng khác nhau. Do hầu hết các loại bệnh khớp là tình trạng mạn tính và chữa trị được coi là một quá trình suốt đời, nên quan trọng là người bệnh cần hiểu rõ kiến thức về loại bệnh mình mắc và hiểu biết về tình trạng sức khỏe của chính mình. Có nhiều điều cần tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh, thuốc men và các lựa chọn điều trị khác, kỹ thuật giảm đau và cách đối phó và chung sống với bệnh khớp.
Lầm tưởng 4 - Bệnh khớp là do chế độ ăn uống kém
Sự thật: Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các loại thực phẩm cụ thể có thể gây ra bệnh khớp.
Đã có rất nhiều suy luận về tầm quan trọng của chế độ ăn uống liên quan đến viêm khớp. Một điều chắc chắn là chế độ ăn uống dinh dưỡng, cân bằng và duy trì cân nặng lý tưởng giúp cải thiện sức khỏe và sức khỏe tổng thể cho mọi người. Có một vài bệnh khớp có một liên hệ nhất định với chế độ ăn uống (ví dụ bệnh gút). Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các loại thực phẩm cụ thể gây bệnh khớp. Mặc dù, đối với một số cá nhân dường như có phản ứng đối với một hay vài loại thực phẩm đặc biệt khiến bệnh khớp của họ bùng phát, nhưng điều đó không có nghĩa là thực phẩm là nguyên nhân gây ra căn bệnh.
Lầm tưởng 5 - Bệnh khớp chỉ là những cơn đau nhức
Sự thật: Bệnh khớp ảnh hưởng nhiều hơn những cơn đau nhức
Các quảng cáo trên truyền hình thường tuyên bố rằng một vài viên thuốc không kê đơn sẽ làm tiêu tan những cơn đau nhức của bệnh khớp, thực ra là những lời lừa mị công chúng. Quảng cáo như vậy, cùng với sự thiếu hiểu biết chung về căn bệnh này, khiến người ta nhận thức quá đơn giản và sai lầm về các dạng bệnh khớp phức tạp và nghiêm trọng đòi hỏi các hình thức điều trị tích cực hơn. Sống với nỗi đau mạn tính không nên đơn giản hóa nó, tương tự với việc lẩn trốn sự thật và từ chối điều trị tích cực. Thực tế của bệnh khớp bao gồm: Nhưng cơn đau khớp và những tổn thương khớp; Sự hạn chế vận động: Sự biến dạng khớp; Viêm; Tình trạng mệt mỏi; Bị hạn chế chức năng; Các biến chứng...
Lầm tưởng 6 - Bệnh giả vờ
Sự thật: Tùy từng loại bệnh, từng người bệnh mà có sự khác nhau về thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
Vì bệnh khớp đặc trưng bởi các giai đoạn biến đổi triệu chứng, với các đợt bùng phát và thuyên giảm có thể xảy ra, nên gia đình và bạn bè của một người bị viêm khớp thường không hiểu tại sao lúc thì người bệnh cảm thấy tốt hơn lúc lại thấy tồi tệ hơn. Sự thất thường của bệnh khớp thậm chí có thể khiến một số người tin rằng căn bệnh này chỉ “ở trong đầu bạn” hoặc bạn đang giả vờ. Trong thực tế, bệnh khớp đặc trưng bởi sự kết hợp của “ngày tốt” và “ngày xấu”. Một số ngày, người bệnh có thể đau khớp và mệt mỏi trầm trọng hơn. Do đó, sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và hoạt động là cần thiết để sống chung với bệnh khớp .
Lầm tưởng 7 - Bệnh là vô vọng và phải cam chịu
Sự thật: Có rất nhiều điều mà người bị bệnh khớp có thể làm để chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Những hạn chế mà bệnh khớp gây ra cho người bệnh có thể khiến người chăm sóc, người thân họ trở nên lo lắng quá mức. Đôi khi, mọi người làm quá nhiều để cố gắng giúp đỡ người bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng thể chất, nhưng người bệnh không nên được xem là tàn phế hay phụ thuộc. Tốt nhất là duy trì sự độc lập càng nhiều càng tốt sẽ có lợi cho cả thể chất và tinh thần của người bệnh.
BS. Nguyễn Thị Thu Hà