TINH HOA XANH

Phương pháp mới phát hiện màu giả dầu Ôliu

Phương pháp mới phát hiện màu giả dầu ôliu

Nhóm chuyên gia ở Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Tây Ban Nha (CSIC) vừa đề xuất một phương pháp mới phát hiện màu giả dầu ôliu. Liên quan đến việc phát minh ra phương pháp này, các chuyên gia ở CSIC cho biết, do một số kỹ thuật chế biến nhất định có thể làm thay đổi màu sắc của dầu ô liu nên các hãng chế tạo dầu bổ sung một loại màu thực phẩm cho vào dầu ôliu xanh nhằm mục đích giữ cho sản phẩm cuối có màu xanh vĩnh viễn.



Nắm được bí quyết trên, các hãng sản xuất dầu ô liu giả đã pha cả những phụ gia tạo màu bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ảnh hưởng đến uy tín của những hãng sản xuất dầu ôliu có tiếng tăm trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) cũng không cho phép bổ sung bất cứ phụ gia nào cho dầu nói chung vàcho dầu ô liu nói riêng. Vì vậy đề xuất nói trên của CSIC là nhằm phân biệt giữa dầu ô liu thật và giả.

Kỹ thuật do CSIC đề xuất là nhằm phát hiện những phụ gia tạo màu bất hợp pháp có tên là E-141ii bằng cách phân tích dung dịch hoặc lô hàng để phát hiện ra Copper Chlorophyl lin Complexes (CCC), chất ngoại lai hoàn toàn, khác hẳn với chất tạo màu xanh tự nhiên có trong quả và dầu ô liu.  Theo SCIC, E-141ii là một trong những chất tạo màu xanh cho thực phẩm có chứa các hỗn hợp chlorophyllins, được dùng khá phổ biến trong ngành thực phẩm bởi đặc tính hút nước cũng như ổn định màu xanh của nó, chính vì vậy đã được người ta tận dụng bổ sung vào dầu ô liu để đảm bảo độ xanh giống như dầu tự nhiên.

Theo bà Marin Roca, người tham gia nghiên cứu của CSIC thì việc sử dụng hợp chất tạo màu E-141ii rất đa dạng nên thành phần của nó trong sản phẩm cuối cũng không đồng nhất và dù nhiều hay ít đều được xem là bất hợp pháp. Cơ quan quản lý Thực- Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ cho phép dùng hợp chất này trong các hỗn hợp đồ uống có gốc từ hoa quả chua, còn EU thì cấm hoàn toàn. Hiện nay tại nhiều quốc gia, kể cả Tây Ban Nha cũng đang có kế hoạch tìm ra những phương pháp mới để phát hiện ra E -  141i và E-141ii trong thực phẩm. Việc phân tích màu giả bao gồm việc chiết xuất màu trong dịch tương, sau đó tiến hành phân tích dịch bằng sắc ký dịch với việc dò tia diod hai cực. Bằng kỹ thuật nói trên của CSIC người ta có thể phát hiện nhanh các hợp chất dạng chlorin đồng (một thành phần của chất tạo màu E-41ii) trong vòng 12 phút và phát hiện được dầu ôliu thật giả. Đây là phương pháp đơn giản, không chỉ thực hiện nhanh ở nhóm thực phẩm dạng dịch mà còn có thể áp dụng cho cả những loại thực phẩm ở dạng khác.

Khắc Nam (dịch)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""