Theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật số 44/2019/QH14) vừa được ban hành, kể từ ngày 1/1/2020, Việt Nam sẽ cấm triệt để hành vi đi xe ra đường (bao gồm cả ôtô, xe máy, xe đạp điện...) khi có nồng độ cồn trong người.
Những điểm mới trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia
Nhằm giải quyết tình trạng sử dụng rượu bia vô tội vạ, cải thiện lối sống, cách ứng xử và văn hóa nhậu của đại bộ phận người dân, Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được nghiên cứu, ra đời và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, trong đó bổ sung 6 điểm mới trong một số điều khoản, tác động trực tiếp đến người dân.
Cụ thể, Điều 5, Khoản 6: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Điều 13, Khoản 3: Không quảng cáo trên báo nói, báo hình trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em, trong thời gian từ 18h - 21h hàng ngày; không quảng cáo trên phương tiện giao thông; Điều 32, Khoản 5: Cơ sở bán rượu bia phải niêm yết thông báo không bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Điều 32, Khoản 6: Cơ sở bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở, hỗ trợ khách hàng sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia; Điều 32, Khoản 7: Không được mở mới các điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; Điều 34, Khoản 2: Gia đình có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên kỹ năng từ chối uống rượu bia; nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia.
Có thể thấy, 6 điểm mới bổ sung này đã ràng buộc những hành vi liên quan đến rượu bia của không chỉ người dân mà còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bia, đơn vị truyền thông... Những quy định rõ ràng về chuẩn mực, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức nhằm hướng đến những cuộc vui đúng nghĩa để những cuộc liên hoan không còn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Ngoài ra, Luật này còn quy định rõ các khái niệm “rượu”, “bia”. Theo đó, “độ cồn là số đo chỉ hàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được đo bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100ml dung dịch tại 200C”. Như vậy, luật không chỉ cấm điều khiển ôtô khi có nồng độ cồn theo quy định cũ. Kể từ 2020, tới đây, mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo) cũng sẽ bị nghiêm cấm.
Hạn chế hệ luỵ của rượu bia
TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, việc ban hành Luật này là một sự tiến bộ của Việt Nam trong việc hình thành thể chế pháp lý có hiệu lực cao về phòng, chống tác hại của rượu, bia, giúp phòng ngừa và giảm các yếu tố nguy cơ như bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường, tim mạch, giảm các tác hại về xã hội, trật tự an toàn như tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm, giảm chi tiêu ngân sách và tài chính của người dân trong khắc phục các hậu quả do rượu, bia.
Chiến lược toàn cầu về kiểm soát rượu, bia của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khuyến nghị về 3 giải pháp chính sách thiết yếu, hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ và giảm tác hại của rượu, bia bao gồm: hạn chế tính sẵn có, dễ tiếp cận; kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, tài trợ và tăng thuế cao đối với rượu bia. Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam đã tiếp cận theo khuyến cáo này.
Trên cơ sở tham mưu của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai Luật, trong đó giao Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng 2 Nghị định và các Thông tư để hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Trong đó, Bộ Công Thương xây dựng Nghị định quy định về quản lý kinh doanh rượu, bia, quản lý rượu thủ công; quy định liên quan đến vấn đề về sản xuất, nhập khẩu các loại bia rượu. Nghị định của Bộ Y tế hướng dẫn các địa điểm công cộng không uống bia, rượu; hướng dẫn việc quảng cáo rượu, bia qua môi trường mạng, mức chi ngân sách cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và phân công trách nhiệm trong tổ chức thi hành Luật. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Kế hoạch riêng để tổ chức triển khai luật trong ngành y tế từ Trung ương đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật cũng đang được quan tâm thực hiện. Một số tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện luật tại địa phương...
Hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ và các thành viên Chính phủ cho ý kiến vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về y tế, trong đó có đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực rượu, bia để làm cơ sở thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang, đây là một đạo luật có xung đột rất lớn về mặt lợi ích, trong đó có lợi ích về chính sách an sinh xã hội và lợi ích liên quan đến kinh tế. Về an sinh xã hội, chúng ta đều biết việc sử dụng rượu, bia nhiều sẽ ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, đến kinh tế của mỗi gia đình. Thay vì chăm lo ăn uống, học hành cho con cái, nhiều gia đình lại tốn chi phí cho rượu, bia. Tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực tình dục... cũng ngày một gia tăng có nguyên nhân do rượu, bia gây ra.
Hiện nay, tỷ lệ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia chiếm tới 36%, gây thiệt hại khoảng 1% GDP. Có nhiều trường hợp người đàn ông là trụ cột của gia đình nhưng không may bị tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình là một sự ám ảnh đối với người thân và xã hội. “Để nói về mặt lợi ích kinh tế, tôi cho rằng, nếu như thu ngân sách khoảng 50 nghìn tỷ/năm tại thời điểm 2018 thì số tiền phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của bia, rượu ở mức thấp nhất đã lên tới 65 nghìn tỷ/năm - nhiều hơn nguồn ngân sách thu được từ rượu, bia”, TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
(SK&ĐS)