Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, không quốc gia nào miễn nhiễm với COVID-19. WHO đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với dịch COVID-19 lên mức "rất cao".
Cảnh báo lây nhiễm toàn cầu với dịch COVID-19 lên mức "rất cao"
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với dịch COVID-19 lên mức "rất cao" sau khi ghi nhận dịch bệnh tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tuyên bố được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 28/2.
Ông Tedros cho biết việc số ca nhiễm và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng liên tục trong những ngày vừa qua là một dấu hiệu "đáng lo ngại rõ ràng". "Do đó chúng tôi quyết định nâng mức cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên mức rất cao ở cấp độ toàn cầu", Tổng giám đốc WHO tuyên bố.
Các chuyên gia của WHO cho rằng những gì đã diễn ra tại Trung Quốc cho thấy dịch COVID-19 có thể được khống chế, các bệnh nhân có thể được điều trị. Theo ông Tedros, hơn 20 loại vaccin và thuốc điều trị đang được phát triển, thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Chúng ta có thể hy vọng sẽ có kết quả tốt đẹp trong vài tuần nữa.
Trong một báo cáo được công bố cùng thời điểm với cuộc họp báo, WHO cho rằng cộng đồng quốc tế chưa thực sự sẵn sàng áp dụng các biện pháp ngăn dịch như Trung Quốc đã làm. "Đây là những biện pháp duy nhất cho thấy đủ sức làm gián đoạn hoặc giảm thiểu chuỗi lây nhiễm ở người", báo cáo của WHO nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các quốc gia cần hành động nhanh chóng để dập tắt dịch bệnh COVID-19.
Lây lan virus SARS- CoV2 “không có biên giới”
Nhấn mạnh điều này, người đứng đầu WHO cho rằng, mọi quốc gia đều phải sẵn sàng cho việc xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, và có những ứng phó kịp thời để tránh lây lan bệnh dịch ra cộng đồng. Mỗi nước cần phải chuẩn bị cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra.
"Chúng ta đang ở thời điểm mang tính quyết định. Nếu hành động quyết liệt ngay bây giờ, chúng ta có thể ngăn chặn được virus này, ngăn được người dân bị nhiễm bệnh và chúng ta có thể cứu được rất nhiều mạng người"-Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo ngày 27/2 ở Geneva (Thụy Sỹ).
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Trích dẫn số liệu mắc bệnh ở Trung Quốc và các nước ngòai Trung Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại rằng, số trường hợp mới mắc ở ngoài Trung Quốc, trên nhiều châu lục đã vượt quá số mắc tại Trung Quốc.
Mặc dù sự lây lan của virus đang gia tăng mạnh ở Iran, Italia và Hàn Quốc nhưng nó có thể được ngăn chặn.
Việt Nam là một trong những quốc gia không có trường hợp mắc mới trong 2 tuần qua
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ ra, trong hơn 2 tuần qua, một số quốc gia không có thêm các trường hợp mắc mới như Bỉ, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Philippines, Nga, Sri Lanka và Việt Nam. Tuy nhiên có những quốc gia sau 2 tuần có thêm người mắc bệnh như Phần Lan và Thụy Điển, nên với dịch bệnh này không được chủ quan.
Iran đang có số ca tử vong nhiều nhất so với các quốc gia có dịch bệnh COVID-19 ngoài Trung Quốc
Như vậy là tất cả các quốc gia đều có nguy cơ, vấn đề là cần phải sẵn sàng mọi biện pháp phát hiện sớm các trường hợp, cách ly bệnh nhân, ngoài ra cần có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, ngăn chặn dịch bệnh viện và ngăn ngừa lây truyền trong cộng đồng.
Tính đến 8h00 ngày 29/2, thế giới ghi nhận 85.182 ca nhiễm bệnh, 2.923 trường hợp tử vong. Đáng chú ý số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc tăng mạnh lên gần 3000 trường hợp, có 16 người tử vong. Chỉ trong 2 ngày 27 và 28/2, Hàn Quốc đã có thêm gần 600 ca nhiễm bệnh mỗi ngày - mức rất cao tại Hàn Quốc. Đây là những mức tăng mạnh nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc, đa số những người mắc mới tại thành phố Daegu. Trong khi đó, ở Italia có gần 900 người mắc bệnh và 21 trường hợp tử vong. Iran có xấp xỉ 400 ca dương tính với COVID-19 và có tới 34 trường hợp tử vong, số tử vong ở Iran đang cao nhất trong các quốc gia ở ngoài Trung Quốc.
(Theo UN)