Cửu châm trong nội kinh không dùng để chỉ cụ thể chín loại kim châm, phương pháp châm hoặc tác động cụ thể.
“Hoàng đế nội kinh - Linh khu - Ngoại sủy” đại ý Hoàng đế cảm thán “Thiên cửu châm”, cửu châm nếu nhỏ không gì nhỏ hơn, nếu lớn không gì lớn hơn, nếu sâu không gì sâu hơn, nếu rộng thì bao la, nếu cao cao vô tận, là biểu hiện trạng thái vô cùng, vô tận; phù hợp với sự biến hóa của thiên đạo, của nhân sự, của tứ thời.
Hoàng đế nội kinh - linh khu - cửu châm thập nhị nguyên và cửu châm luận miêu tả tỉ mỉ về cách phân loại, tên gọi, hình dáng, độ dài, phạm vi ứng dụng. Quyển “Linh khu - quan châm”có ghi “cửu châm chi nghi, các hữu sở vi, trường đoản đại tiểu, các hữu sở thi dã”. Trong đó, viên châm và sàm châm dùng án áp lên cơ thể, phi châm dùng để bài nùng còn lại dùng châm thích hoặc thích huyết.
Cửu châm được hình thành do ở sự biến hóa của Âm Dương trong Trời Đất mà thành đại số, con số đó bắt đầu ở nhất mà chấm dứt ở cửu. Cho nên nói rằng: Nhất là nhằm phỏng theo Thiên, Nhị nhằm phỏng theo Địa, tam phỏng theo Nhân, tứ phỏng theo Thời, ngũ phỏng theo Âm (thanh), lục phỏng theo Luật, thất phỏng theo Tinh, bát phỏng theo Phong, cửu phỏng theo Dã.
1. Loại kim thứ nhất tượng trưng cho thiên, thiên thuộc dương, trong ngũ tạng thiên tương ứng với phế vì phế nằm ở thượng tiêu, được xem là nắp đậy của lục phủ ngũ tạng. Bì phu là phần ngoài cùng của cơ thể, là chỗ hợp của phế.Cho nên, trị liệu vùng bì phu bị bệnh nên chế tạo ra loại kim này, gọi là sàm châm. Kim này tác động mà không tổn thương quá phần bì phu của con người, nếu quá sâu sẽ làm dương khí tiết ra ngoài.
2. Loại kim thứ hai tượng trưng cho địa, trong người địa cùng thổ tương ứng với nhục. Cho nên, trị liệu vùng cơ nhục bị bệnh nên chế tạo ra loại kim này, gọi là viên châm. Kim này tác động phần nhưng không gây tổn thương lên cơ nhục, nếu tổn thương cơ nhục sẽ làm dương khí kiệt.
3. Loại kim thứ ba tượng trưng cho nhân, người muốn duy trì sự sống thì huyết mạch phải vận hành không nghỉ. Muốn trị liệu bệnh của huyết mạch nên tạo ra loại kim này, gọi là đề châm. Loại này tác động nhẹ nhàng lên mạch lạc nhưng không quá sâu vào cơ nhục, giúp tập trung chính khí lại và bài xuất tà khí.
4. Loại kim thứ tư tượng trưng cho thời, tứ thời bát phong làm khách trong kinh lạc hình thành cổ chứng, bệnh lâu không thuyên giảm, thời điểm hiện tại nhiệt chứng hoành hành. Vì trị liệu loại bệnh này mà chế tạo ra phong châm, mục đích tả nhiệt xuất huyết, từ đó trừ được cố tật.
5. Loại kim thứ năm tượng trưng âm (thanh). Số năm nằm vị trí trung ương trong cửu cung, là ranh giới giữa âm và dương, giữa hàn và nhiệt, được xem là cực động tranh đấu của âm dương, hàn nhiệt; tà khí chính khí tương hỗ đối lập quá lâu mà hình thành ung thũng. Nhằm trị liệu bệnh này nên chế tạo ra phi châm. Dùng bài tiết nùng (mủ) mà phá vỡ sự giằng co bất lợi.
6. Loại kim thứ sáu tượng trưng cho luật. Âm luật là chỉ sự điều hòa âm dương tứ thời, nhờ có luật mới có trật tự bình thường của cơ thể. Nếu như hư tà xâm nhập kinh lạc phá vỡ trật tự bình thường hình thành tý chứng giai đoạn cấp tính. Để điều trị tý chứng cấp tính do hư tà đột nhiên xâm nhập mà chế tạo loại kim này, gọi là viên lợi châm.
7. Loại kim thứ bảy tượng trưng cho tinh. Thất tinh đại diện cho thất khiếu trong con người. Ngoại tà thông qua thất khiếu xâm nhập kinh lạc mà lưu lại, hình thành thống tí. Dùng để trị liệu bệnh này mà chế tác hào châm. Hào châm được giữ trong thời gian ngắn, điều khiển chính khí sung mãn hay đắc khí, tác động đồng thời lên kinh khí và tà khí mà tạo thành tác dụng.Khi rút kim ra tà khí sẽ tán và chính khí được phù dưỡng.
8. Loại kim thứ tám tượng trưng cho phong. Trong tự nhiên phong thuận theo tám hướng, tương đương con người có 8 quan tiết ở tay chân. Hư tà do phong làm thương tổn bát tiết; xâm nhập và lưu trệ giữa khớp xương, cột sống thắt lưng mà hình thành tý chứng vùng này. Để trị liệu cho loại bệnh này mà chế tạo trường châm.
9. Loại kim thứ chín tượng trưng cho dã. Cửu dã tương ứng quan tiết bì phu trong người. Bệnh tà mạnh mẽ, ồ ạt xâm nhập vào làm quan tiết tắc trệ, như chứng phong thủy mà đọng lại làm khí không qua được các quan tiết lớn.
Mặc khác, cửu châm còn được xem là châm đạo được nhắc đến “Hồi dương cửu châm ca” trong “Châm cứu tụ anh - quyển thứ tư” thực tế là chín huyệt du, đại biểu “cửu châm” liệu pháp và danh từ “cửu châm” biểu thị sự trân trọng, quý giá. Bên cạnh đó, “Cứu pháp bí truyện - phàm lệ” thời đại nhà Thanh cảm thán: người xưa dùng cửu châm, đã thất truyền, người hiện tại dụng châm không chỉ không am tường châm pháp đến cứu pháp cũng vậy. Cho thấy, cửu châm không phải là một lượng từ cụ thể về phương pháp hay dụng cụ châm thích, mà cửu châm được hiểu khái quát là châm đạo.
Hiện nay, thuật ngữ “cửu châm” hình thức sử dụng không nhiều, do sự phát triển vật liệu mới và công nghệ chế tạothiết bị y tế, cũng như sự tiến bộ của phương pháp điều trị, một số loại kim châm trong cửu châm không còn được sử dụng, bên cạnh một số loại được phát triển do tính ưu việt, đa dụng và được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, mô tả cửu châm trong y cổ văn vẫn là nguồn cảm hứng áp dụng triết lý phương đông vào điều trị y học cổ truyền trong thời đại ngày nay và có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu liệu pháp và lý luận của châm cứu.
Mô tả chín loại châm trong hoàng đế nội kinh:
1. Sàm châm: hậu thế gọi là tiễn đầu châm. “Nhất viết sàm châm, trường nhất thốn lục phân,... đầu đại mạt duệ, khứ tả dương khí”. Kích thước 1 thốn 6 phân. Chủ yếu dùng châm nông ở bì phu cho xuất huyết, điều trị đầu và thân bị nhiệt chứng. Hiện tại, sàm châm được ứng dụng và phát triển thành mai hoa châm.
2. Viên châm: hậu thế gọi là viên đầu châm. “nhị viết viên châm, trường nhất thốn lục phân… châm như noãn hình, khai ma phân gian, bất đắc thương cơ nhục, dĩ tả phân khí” loại châm được miêu tả với đầu kim bầu dục, kích thước 1 thốn 6 phân, dùng để tác động, xoa bóp phần ngoài cơ thể, điều trị đau gân cơ.
3. Đề châm: người đời sau gọi là tác thôi châm. Thân kim to, mũi kim cùn hơi nhọn, như hạt kê, dài 3 thốn 5 phân, dùng xoa bóp kinh mạch, điểm huyệt, không xuyên qua da mà có tác dụng dẫn khí huyết, phù chính khư tà, điều trị các thể chứng hư, chứng đau.
4. Phong châm: còn gọi là tam lăng châm. Được miêu tả có thân hình trụ, đầu kim nhọn có ba mặt, kích thước 1 thốn 6 phân. Dùng châm nông cho ra máu, điều trị nhiệt chứng, ung thũng, tí chứng lâu năm.
5. Phi châm: xưng là phi đao châm hay kiếm châm. Hình dáng như thanh kiếm có hai lưỡi, dài 4 thốn, rộng 2,5 phân. Dùng cắt mở ápxe và máu, chủ trị loét, ápxe.
6. Viên lợi châm: một loại châm thân kim mỏng, mũi kim to, kích thước 1 thốn 6 phân. Điều trị ung thũng tí chứng.
7. Hào châm: mũi kim mỏng và nhọn, giới hạn chiều dài loại kim này là 4 thốn, còn gọi là mãn châm. Dùng trị tà ở kinh lạc gây đau nhức các loại. Hiện tại, trên lâm sàng hào châm được ứng dụng rộng rãi.
8. Trường châm: thân kim dài, mũi nhọn sắc, thân mỏng, dài 7 thốn. Dùng trị tà khí ẩn sâu, chứng tí lâu ngày không giảm.
9. Đại châm: hậu thế dùng kim này hơ nóng trên ngọn lửa đến đỏ, sau đó thích lên huyệt, còn gọi là hỏa châm. Dùng điều trị khi các khớp bị sưng phù.
Ngày nay, thuật ngữ “cửu châm” còn dùng để chỉ 9 loại kim châm mới được cải tiến từ cửu châm thời cổ đại. Cửu châm mới bao gồm: sàm châm, từ viên châm, đề châm, phong câu châm, phi châm, mai hoa châm, hỏa châm, hào châm, tam lăng châm.
Sự miêu tả tỉ mỉ từ hình dạng, kích thước, cơ chế cũng như phương pháp sử dụng của cửu châm, cho thấy điều trị bệnh theo y học cổ truyền không chỉ đòi hỏi sự chuẩn xác trong chẩn bệnh mà còn cần sự phù hợp trong phương pháp điều trị. Cửu châm không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế mà còn là sự thăng hoa trong triết lý phương đông cổ đại cần được quan tâm, tìm hiểu và chiêm nghiệm.
TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN (Trưởng bộ môn Dưỡng sinh Khoa Y học Cổ truyền Đại học Y Dược TP.HCM), HẠ CHÍ LỘC