Đánh gió là phương pháp trị bệnh dân gian rất độc đáo được truyền qua nhiều đời, tác động lên cơ thể mang tính lý hóa sinh học, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.
Xin giới thiệu cách đánh gió, bắt gió trị cảm lạnh, suy nhược thần kinh, đau nhức khớp, mất ngủ, mệt mỏi.
Đánh gió ở lưng
Chủ yếu dùng hai bàn tay. Gồm 5 động tác.
1. Thấm nước gừng ở 5 đầu ngón tay hoặc cả lòng bàn tay xoa nhẹ khắp lưng rồi mạnh dần làm ấm lưng.
3. Vuốt hai bên xương sống từ gáy xuống thắt lưng rồi từ xương sống qua hai bên dọc kẽ sườn. Tiếp theo dùng lát gừng tươi đánh hai bên xương sống và kẽ sườn làm mặt da đỏ ửng lên, bệnh nhân thấy ấm lưng dễ chịu là tốt.
3. Cuộn da và bóp vai: cuộn từ dưới lên, từ ở giữa, ở hai bên lên đến vai, dùng hai bàn tay bóp nhẹ, vừa, mạnh sức chịu đựng của bệnh nhân. Tác dụng làm bắp thịt giãn ra, ấm lưng, giải độc, bớt đau nhức.
4. Day bắp thịt hai bên xương sống: các ngón tay thẳng lên, dùng xương cổ tay của lòng bàn tay ấn nhẹ, day day bắp thịt, day vòng tròn xoắn ốc, liên hoàn đi từ dưới lên vai. Tác dụng: làm giãn bắp thịt, giãn cơ, giảm đau nhức.
5. Băm băm dọc xương sống, thắt lưng: hai bàn tay áp vào nhau, băm băm nhẹ đều khắp lưng. Tác dụng làm giãn gân cốt, kích thích thần kinh tăng sức đề kháng cơ thể chống bệnh tật.
6. Kết thúc, trở lại động tác 1 xoa khắp lưng để thư giãn cơ thể.
Bắt gió, day bấm huyệt ở đầu
Làm theo 6 bước.
1. Quanh trán: xoa, miết từ trán sang thái dương, day huyệt thái dương, ấn đường.
2. Quanh vành tai: vuốt trước và sau vành tai, các chỗ lõm lỗ tai, kéo tai lên xuống trước sau, xòe hai ngón tay thứ 2 và 3, xoa xát trước và sau chân vành tai. Day bấm các huyệt: ế phong, thính cung, giác tôn, an miên, ế minh.
3. Quanh mắt: miết, vuốt xung quanh hố mắt, hai bên sống mũi. Day bấm huyệt toản trúc, đồng tử liêu, tình minh.
4. Quanh miệng: dùng ngón trỏ xoa xát vòng quanh miệng xuống hàm dưới. Day bấm huyệt: nhân trung, đại nghinh, thừa tương.
5. Sau gáy: day huyệt phong trì, phong phủ, vuốt cổ, bả vai.
6. Đỉnh đầu: day bấm bách hội, từ thần thông, thượng tinh. Cuối cùng chải da đầu, ép hai bên lỗ tai, xoa mũi, day nhẹ ấn đường. Mỗi động tác làm 5 - 7 lần.
Lưu ý: Khi bị cảm lạnh, nếu được đánh gió đúng cách sẽ rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, không dùng cho người đang bị sốt phong nhiệt, trẻ em, phụ nữ có thai, người bệnh tim, người tăng huyết áp, người có vết thương ngoài da hoặc mắc bệnh da liễu, người đau vai gáy.
Vị trí huyệt
Thái dương: ở chỗ lõm phía sau lông mày nơi có đường mạch xanh của thái dương.
Ấn đường: chính giữa hai đầu lông mày, nằm trên sống mũi.
Ế phong: ở chỗ lõm sau mỏm nhọn nhất của dái tai, sát bờ trước cơ ức - đòn - chũm.
Thính cung: khi há miệng, huyệt ở chỗ lõm phía trước bình tai, sau lồi cầu xương hàm dưới.
Giác tôn: ép sát vành tai vào đầu huyệt ở trên chân tóc, chỗ cao nhất của vành tai áp.
An miên: ở sau tai, trung điểm giữa huyệt ế phong và phong trì.
Ế minh: phía sau huyệt ế phong 1 tấc, giữa đường nối huyệt phong trì và ế phong
Toản trúc: chỗ lõm đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong.
Đồng tử liêu: cách góc ngoài mắt 0,5 tấc, chỗ lõm sát ngoài đường khớp của mỏm ngoài ổ mắt.
Tình minh: cách đầu trong góc mắt 0,1 tấc.
Nhân trung: trên đường giữa, tại chỗ tiếp nối 1/3 trên và 2/3 dưới rãnh mũi môi.
Đại nghinh: cắn chặt răng lại, huyệt ở sát bờ trước cơ cắn và trên bờ dưới xương hàm dưới, ngang một khoát ngón tay.
Thừa tương: đáy chỗ lõm dưới môi dưới, trên đường bổ dọc giữa hàm dưới.
Bách hội: điểm giữa đường nối vòng hai chóp tai.
Tứ thần thông: từ huyệt bách hội, đo ra trước và sau, sang hai bên 1 tấc, gồm 4 huyệt.
Phong trì: chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.
Phong phủ: chỗ lõm giữa gáy, trên chân tóc gáy một tấc.
Lương y Đình Thuấn