TINH HOA XANH

“Giữ thanh xuân cho bộ xương!”

Đứng về mặt y học, thanh xuân có nghĩa là sức khỏe và tuổi trẻ, khỏe và trẻ từ cơ thể, từ dáng vóc, từ cách sống, từ suy nghĩ và hành động.

Mặc dù chẳng ai muốn chia tay với những điều kỳ diệu của thanh xuân, nhưng thanh xuân vẫn cứ dần dần rời xa chúng ta, giữ được thanh xuân là giữ được tuổi trẻ và sức khỏe, đây cũng là sự khát khao của tất cả mọi người.

Cũng như cơ thể con người, bộ xương cũng trải qua các giai đoạn hình thành, phát triển, trưởng thành, già nua và bệnh tật. Giai đoạn thanh xuân của xương trùng với lứa tuổi thanh niên. Giữ gìn và kéo dài được thanh xuân cho bộ xương, có nghĩa là giữ và kéo dài được sự khỏe mạnh và trẻ trung cho chính con người

Bộ xương của con người giữ nhiều chức năng quan trọng, là bộ khung vững chắc tạo nên hình hài, dáng vóc và mọi vận động của con người, tạo thành các khoang chắc chắn để chứa đựng và bảo vệ các cơ quan quan trọng nhất của cơ thể như: não và tủy sống (hộp sọ và ống tủy), tim, phổi và các mạch máu lớn (lồng ngực và cột sống), các tạng trong bụng, tử cung và thai nhi (khung chậu)… Bộ xương còn là ngân hàng khoáng chất quan trọng, cung cấp cho việc hình thành, phát triển, đổi mới; duy trì sức khỏe của chính bộ xương đồng thời cung cấp các ion calcium, duy trì các hoạt động sống của cơ thể.

Để làm được các chức năng cơ học và nội tiết ấy, các tế bào, hệ mạch máu, thần kinh trong mô xương hoạt động rất năng động thông qua chu chuyển xương dưới sự điều khiển linh hoạt của các yếu tố nội môi và môi trường, tùy theo yêu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn phát triển. Chu chuyển xương được coi là đơn vị hoạt động sống của bộ xương, là chu trình chuyển hóa liên tục của xương, giúp xương luôn được thay mới, các tế bào hủy xương sẽ phá bỏ xương cũ, và các tế bào tạo xương lại tạo ra xương mới để thay thế. Hàng năm, mỗi người trưởng thành sẽ có khoảng 10% khối xương được đổi mới và cứ mỗi 10 năm toàn bộ khối xương đều được thay mới.

giu-thanh-xuan-cho-bo-xuong-1

Quá trình hình thành và phát triển của bộ xương

- Bộ xương bắt đầu được hình thành ngay từ những tháng đầu tiên của thai nhi, phát triển và hoàn thiện cùng các bộ phận khác để tạo thành một cơ thể hoàn chỉnh. Từ khi ra đời đến tuổi trưởng thành, trung bình khoảng tuổi 25 (với nữ) và khoảng tuổi 25 - 27 (với nam), xương phát triển rất nhanh (quá trình tạo xương vượt trội hơn quá trình hủy xương) để đạt khối lượng xương cao nhất trong cuộc đời (peak bone mass - PBM).

- Sau tuổi trưởng thành (25 đến 35 tuổi), quá trình tạo xương cân bằng với quá trình hủy xương, xương ổn định cả về khối lượng và chất lượng.

- Trước độ tuổi 40, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động của các tế bào hủy xương bắt đầu có xu hướng vượt trội so với tế bào tạo xương, bộ xương bắt đầu giảm cả về khối lượng và chất lượng.

- Sau 50 tuổi, hoạt động của các tế bào hủy xương ngày càng vượt trội so với tế bào tạo xương, sự suy giảm cả về khối lượng và chất lượng bộ xương ngày càng rõ (đặc biệt với phụ nữ do tình trạng mãn kinh). Vì vậy, sau 50 tuổi, 1 trong 3 phụ nữ và 1 trong 5 nam giới sẽ có nguy cơ phải đối mặt với bệnh loãng xương và nguy cơ gãy xương do loãng xương.

- Ở người cao tuổi, loãng xương là một bệnh khá thường gặp, là hiểm họa cho mỗi người bệnh và là gánh nặng cho mỗi gia đình và cộng đồng. Loãng xương gây đau đớn, biến dạng cơ thể, hạn chế vận động, gia tăng mắc các bệnh khác, giảm chất lượng sống và gia tăng nguy cơ tử vong.

Giai đoạn thanh xuân của xương

Nhìn trên biều đồ, chúng ta thấy, sau 20 đến trước 40 tuổi, là giai đoạn khối xương phát triển rất nhanh, đạt đỉnh và ổn định. Đây là giai đoạn thanh xuân của bộ xương, cũng là giai đoạn trưởng thành đầy sức sống và tham vọng của mỗi con người

    giu-thanh-xuan-cho-bo-xuong-2

    - Từ khi tuổi thiếu niên, nam giới luôn có khối xương cao hơn phụ nữ, tình trạng giảm khối lượng xương theo tuổi ít hơn và chậm hơn nhiều so với nữ.

    - Ở phụ nữ, tuổi đạt khối xương đỉnh sớm hơn nam một chút, nhưng khối xương lúc trưởng thành luôn thấp hơn nam và tình trạng giảm khối lượng xương theo tuổi xảy ra sớm hơn và nặng nề hơn (do tác động của tình trạng mãn kinh).

    Với các chức năng quan trọng cả về cơ học và chuyển hóa nêu trên của bộ xương, với mức độ ảnh hưởng của sức khỏe xương lên sức khỏe chung, việc giữ gìn và kéo dài được thanh xuân cho bộ xương, góp phần rất quan trọng vào việc giữ và kéo dài được sự khỏe mạnh và trẻ trung cho chính con người.

    Giữ gìn và kéo dài thanh xuân của bộ xương

    Chúng ta đều cần hiểu rằng, không có cái gì tự nhiên mà có, cũng không có cái gì tồn tại mãi với thời gian, tuổi trẻ và sức khỏe của bộ xương cũng vậy, muốn có, phải đầu tư, phải duy trì, bảo vệ và củng cố cho thanh xuân của bộ xương.

    - Ngay từ khi chuẩn bị làm mẹ, người phụ nữ đã phải chuẩn bị càng kỹ càng tốt, vì ngay từ khi bắt đầu hình thành, bộ xương của thai nhi chịu ảnh hưởng về mặt di truyền, về dinh dưỡng và vận động của mẹ. Nếu mẹ có yếu tố di truyền tốt, ăn uống đủ chất, đặc biệt Calcium và các loại Vitamin cần thiết, vận động hợp lý, bộ xương của bé sẽ có một khởi đầu tốt.

    - Từ khi sinh ra đến tuổi trưởng thành (khoảng 25 tuổi) là lúc bộ xương phát triển rất nhanh và mạnh để hoàn chỉnh bộ xương, đủ vững chắc và mạnh mẽ (đạt được khối lượng xương đỉnh cao nhất) để đảm nhiệm các chức năng quan trọng của bộ xương trong suốt cuộc đời mỗi người. Giai đoạn này cần cung cấp đầy đủ Calcium và Vitamin D, duy trì các vận động thể lực theo từng lứa tuổi để phát triển thể chất tốt nhất, trong đó có phát triển và hoàn thiện bộ xương.

    - Ở chính giai đoạn thanh xuân của bộ xương (từ 25 đến trước tuổi 40), là giai đoạn bộ xương hoàn thiện nhất cả về chất và lượng, tuy nhiên ở giai đoạn này con người lại bị chi phối bởi rất nhiều việc: công việc, thu nhập, lập gia đình, sinh con, nuôi con, cho con đi học… nên rất dễ “quên mình”. Vì vậy, xin chớ chủ quan và luôn nhớ rằng, thanh xuân cũng phải gìn giữ, không giữ là mất, và mất rồi không tìm thấy nữa.Giai đoạn này vẫn rất cần cung cấp đầy đủ Calcium và Vitamin D, duy trì các vận động thể lực hợp lý để giữ gìn và kéo cho giai đoạn thanh xuân tươi đẹp này càng dài càng tốt.

    Thực tế cuộc sống cho thấy vì rất nhiều lý do, nhiều người đã rút ngắn, thậm chí làm mất giai đoạn thanh xuân quý giá này mà không biết. Nhiều thanh niên phải đi khám bệnh để điều trị các chứng bệnh đau nhức, nhức mỏi xương và cơ bắp liên quan đến tình trạng thiếu calcium, vitamin D, ít vận động, khối lượng xương thấp (không đạt khối lượng xương đỉnh theo lứa tuổi).

    - Bắt đầu độ tuổi 40, toàn bộ cơ thể, trong đó có bộ xương, đều bắt đầu bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa, các hormon sinh dục có chiều hướng giảm đi, các Cytokines (các yếu tố tiền viêm) và các gốc oxy tự do gia tăng…, hoạt động của các tế bào hủy xương bắt đầu có xu hướng vượt trội so với tế bào tạo xương, bộ xương bắt đầu giảm cả về khối lượng và chất lượng. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, cả vô ý và cố ý, con người vẫn cứ để sức khỏe và tuổi trẻ của mình “bị gió cuốn đi”. Ở giai đoạn này, nếu nhận thức được những thay đổi bất lợi đang cận kề, chúng ta vẫn có thể làm chậm những thay đổi này bằng việc bổ sung những gì thiếu hụt, duy trì một lối sống năng động, lạc quan, một chế độ dinh dưỡng thích hợp cho lứa tuổi (đầy đủ Calcium, Vitamin D, các yếu tố vi lượng, các Vitamin, giảm bớt tinh bột, đường, chất béo, muối, tăng cường rau xanh, trái cây tươi và chất đạm từ cá).

    - Sau 50 tuổi, đây là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng với mỗi người, đặc biệt là chị em, do tình trạng thiếu hụt hormon Estrgen của buồng trứng liên quan đến tình trạng mãn kinh (ở nam giới, tình trạng mãn dục nam xảy ra chậm hơn, nhẹ hơn và không có thời điểm rõ ràng), hoạt động của các tế bào hủy xương ngày càng vượt trội so với tế bào tạo xương, sự suy giảm cả về khối lượng và chất lượng bộ xương ngày càng rõ rệt. Mặc dù đây được coi là quy luật của tạo hóa, nhưng nếu hiểu rõ nguyên nhân và các biện pháp khắc phục, nếu chúng ta tích cực và kiên trì hơn trong việc điều chỉnh những thiếu hụt, duy trì chế độ tập vận động và dinh dưỡng phù hợp (đầy đủ Calcium, Vitamin D, các yếu tố vi lượng, các Vitamin, giảm bớt tinh bột, đường, chất béo, muối, tăng cường rau xanh, trái cây tươi và chất đạm từ cá), chúng ta vẫn có thể làm chậm, làm nhẹ các thay đổi bất lợi này.

    - Ở người cao tuổi, loãng xương là một bệnh khá thường gặp, là một hiểm họa cho mỗi người bệnh, là gánh nặng mỗi gia đình và cộng đồng. Loãng xương gây đau đớn, biến dạng cơ thể, hạn chế vận động, gia tăng mắc các bệnh khác, giảm chất lượng sống và gia tăng nguy cơ tử vong. Tuy nhiên loãng xương lại là bệnh có thể phòng ngừa, phòng ngừa loãng xương hữu hiệu nhất là tạo dựng ngay từ đầu một bộ xương khỏe mạnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho việc hình thành, phát triển, hoàn thiện và bảo vệ khối xương suốt cuộc đời, duy trì chế độ vận động hợp lý với từng lứa tuổi để bộ xương được phát triển tối ưu lúc trưởng thành. Khoa học đã chứng minh, nếu khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành tăng 10%, sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời. Và nếu như chúng ta biết cách giữ gìn và kéo dài giai đoạn thanh xuân của bộ xương, cũng chính là giữ và kéo dài được sự khỏe mạnh và trẻ trung cho mỗi con người.

    Những tiến bộ của y học trong thế kỷ 21 đã mang lại nhiều thay đổi và nhiều cơ hội cho con người, tuổi thọ ngày càng cao hơn (trên 76 với nam và trên 81 với nữ), tuổi trẻ hay giai đoạn thanh xuân ngày càng dài hơn, các quan điểm về tuổi đã thay đổi, với một số người 60 tuổi mới là trung niên (middle-aged), người ta thay đổi và phá bỏ các giới hạn về tuổi, “tuổi thật của bạn không hẳn là số năm bạn đã sống”. Với hiểu biết và các kiến thức khoa học, với tình yêu cuộc sống, với khát khao cống hiến và sự cố gắng không mệt mỏi cho những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời … chúng ta hoàn toàn có thể giữ gìn, kéo dài thêm thanh xuân cho bộ xương, đồng nghĩa với giữ gìn, kéo dài sức khỏe và tuổi trẻ của mỗi chúng ta. Làm được điều đó chúng ta đã tự trao cho mình thêm cơ hội để làm cho cuộc sống này ngày càng tốt đẹp hơn.

    PGS.TS.BS. Lê Anh Thư

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""