Viêm quanh khớp vai là bệnh viêm khớp có tỉ lệ mắc ngày càng gia tăng, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng đau dai dẳng và hạn chế vận động khớp vai, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai: gân, túi thanh dịch, bao khớp; không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp... Ở Mỹ và Anh khoảng 5 - 10% người trưởng thành mắc bệnh viêm quanh khớp vai. Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam, vai phải thường gặp hơn vai trái.
Theo y học cổ truyền, viêm quanh khớp vai còn được gọi là Kiên tý, Kiên ngưng, Ngũ thập kiên… Bệnh phần nhiều là do khí huyết suy hư, cảm thụ phong hàn thấp tà hoặc tổn thương lâu ngày dẫn đến kinh lạc bế tắc, khí huyết vận hành không thông khiến các tổ chức xung quanh co rút dính lại với nhau, gây tình trạng đau nhức và hạn chế vận động vùng vai. Mục tiêu điều trị của y học cổ truyền là nhằm giúp khí huyết vận hành thông suốt, “thông tắc bất thống”.
Ứng dụng ôn châm cứu trong viêm quanh khớp vai
Phương pháp ôn châm cứu, còn gọi là ôn châm, châm bính cứu, thiêu châm bính… là một trong những phương pháp điều trị độc đáo, an toàn của y học cổ truyền, là sự kết hợp giữa ngải cứu và châm kim. Phương pháp ôn châm lấy hào châm làm chủ, mượn nhiệt lực của ngải cứu, vừa đạt được mục đích của châm kim là thúc đầy điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc; vừa có thể dẫn nhiệt của ngải cứu thông qua thân kim vào sâu bên trong nhằm ôn kinh tán hàn, tiêu ứ tán kết, điều hòa khí huyết, thư cân thông lạc, giải uất chỉ thống. Như “Thiên kim dực phương” có nói: “Phàm bệnh đều do khí huyết ủng trệ, không thể tuyên thông, dùng châm để khai đạo, dùng cứu để ôn ấm”, từ đó đạt được hiệu quả điều trị.
Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của ôn châm cứu trên bệnh nhân viêm quanh khớp vai. Như trong nghiên cứu của tác giả Wei Zhi, sau 3 liệu trình 90,2% số bệnh nhân đạt được hiệu quả điều trị.
Thao tác
Sát khuẩn vùng huyệt vị châm cứu gồm A thị huyệt và các huyệt Kiên ngung, Kiên liêu, Kiên trinh, Tý nhu, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc. Sau khi châm kim, vê kim để đạt được đắc khí, lưu kim ở độ sâu thích hợp, tiến hành gắn miếng bìa cứng có lỗ ở giữa hoặc vải dày vào nhằm bảo vệ vùng da xung quanh huyệt đạo, gắn vào đốc kim châm tại các A thị huyệt mẩu ngải cứu dài 2cm, đốt cháy ngải. Lưu kim 15 - 20 phút, dùng nhíp nhổ kim từ từ ra.
Khoảng cách giữa đoạn ngải và da khoảng 2 - 3cm, giải thích trước cho bệnh nhân về các mức độ nóng cần thiết để điều chỉnh thích hợp, tránh cố gắng chịu nóng dễ gây bỏng. Trong quá trình lưu kim đốt ngải, người bệnh không nên di chuyển cơ thể, tránh làm bỏng da, cong kim, gãy kim.
Một liệu trình gồm 10 lần châm, mỗi ngày châm 1 lần.
Lưu ý
Để phòng bệnh, cần tránh lao động quá mức, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai. Tránh các chấn thương ở vùng vai.
Không sử dụng ôn châm ở người bệnh có các tổn thương như gãy xương, trật khớp, đứt gân vùng vai. Không nên châm khi bệnh nhân đang trong tình trạng mệt mỏi quá mức, đói, say rượu, đổ mồ hôi nhiều, hôn mê, co giật; các bệnh tính nhiệt như sốt cao, bệnh truyền nhiễm cấp tính.
Ôn châm là một thủ thuật y khoa dành riêng cho các nhân viên y tế được đào tạo cùng ngành, những người không được đào tạo không nên tùy tiện làm. Vì các kỹ thuật, thao tác cũng như cách ứng dụng sai sẽ không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí gây tổn hại sức khỏe cho người bệnh.
TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN (Trưởng bộ môn Dưỡng sinh, khoa Y học Cổ truyền Đại học Y Dược TP.HCM) DƯƠNG THỊ NGỌC LAN