TINH HOA XANH

Thuốc quý như: Bèo...

Thuốc quý như:  bèo...


Bèo tây

Người quê tôi ăn cục nói hòn, không văn hoa vòng vo kiểu như gạo châu củi quế. Hễ cái gì hiếm hoi đắt đỏ thì nói mắc như thuốc bắc, cái gì có nhiều vô thiên lủng hay rẻ rúng mạt hạng thì ví rẻ như bèo. Cắc cớ sao tôi lại nói ngược đời rằng thuốc quý như … bèo.

Xin bạn đọc bình tâm và đừng vội tìm một ý nghĩa bóng gió xa xôi nào, mà hãy hiểu trực diện theo nghĩa đen của nó. Tôi xin cam đoan những điều viết ra hoàn toàn là hiện thực khách quan, cả cái dấu chấm câu (: , …) kia cũng ý nhị nghiêm túc chứ không hề hàm nghĩa ba lơn hay xiên xỏ gì. 
Số là trước mặt nhà tôi có mấy đám ruộng lúa được thành phố thu hồi phân lô cấp cho một số cán bộ san lấp làm nhà hết phân nửa đám ruộng phía ngoài mặt tiền đường. Còn phân nửa bên trong đám ruộng để nguyên trạng chờ … quy hoạch chỉnh trang đô thị. Thế là nước thải của mấy dãy nhà và hàng quán mới xây lên tha hồ đổ dồn ra phía sau khiến đám ruộng trở thành một cái ao quanh năm nước đọng thối inh. Nhất là cứ mỗi độ hè sang, hùa với cái nắng nóng ban ngày là mùi xú uế ban đêm từ cái ao nước thải bốc lên nồng nặc xông vào tận buồng ngủ, khiến tôi không còn biết làm gì hơn là … nằm ngâm nga mấy vần thơ của cụ Tam nguyên Yên Đổ :

Tháng tư đầu mùa hạ,
Tiết trời thật oi ả . 
Tiếng dế kêu thiết tha, 
Đàn muỗi bay tơi tả.
Nỗi ấy ngỏ cùng ai,
Cảnh này buồn cả dạ…
Nói thiệt lòng, nếu không nhờ bóng vía cụ Nguyễn Khuyến không chừng tôi phải đến bệnh viện tâm thần để chữa chứng… mất ngủ rồi!
May mà anh bạn hàng xóm kế vách là một võ quan quân đội, chứ không phải là hạng văn nhân thi sĩ nửa mùa như tôi, nên đã quyết tâm tìm cách khắc phục bằng một giải pháp tích cực khác. Một ngày cuối tuần, anh xồng xộc kéo tôi đi ra bờ sông cùng hì hụp lội vớt mấy bao tải bèo tây chở về đổ xuống ao. Nhờ nước ao đậm đặc chất dinh dưỡng cho nên bèo tây lớn nhanh như thổi, chỉ cần hơn tháng đã phổng phao xanh um, sinh sôi nảy nở lan kín cả mặt ao. Và hiệu quả thanh lọc nước và không khí ô nhiễm thì khỏi phải nói, độ mấy tháng sau mùi hôi giảm hẳn trên 70%. Đến mùa hè năm sau, gặp bạn bè sính văn chương chữ nghĩa đến chơi mỗi khi trăng thanh gió mát, có ai hỏi còn cái gì quý hơn thơ thì tôi trả lời một tiếng dứt khoát: Bèo! 
Xin bạn đọc nán thêm chút nữa. Câu chuyện của tôi chưa dừng ở đây. Cách nhà tôi hai cái nhà, có bà cụ người Bắc vô ở giữ cháu cho con trai cũng là sĩ quan ở Trường Quân chính. Cụ bị đau một khớp cổ tay bên phải, có đi châm cứu năm bảy ngày, chỉ thấy đơ đỡ rồi lại đau như cũ. Thầy thuốc giới thiệu bà cụ nhập viện với ý đồ cho khớp cổ tay cụ có điều kiện nghĩ ngơi (không phải làm việc bế cháu)  cho mau lành. Nhưng cụ dứt khoát không nghe theo, ai lại “cái chứng đau xoàng mà đi viện?” (Xin lỗi nhà thơ Phạm Tiến Duật, vì cái tội trích một câu thơ mà để  sai vài chữ!). Thế là đành tiễn cụ ra về. Hơn tháng sau gặp lại, cụ hồ hởi khoe cái tay đãhết đau. Hỏi nhờ đâu, cụ chỉ cái ao bèo tây trước nhà. Thì ra có người mách dùng cuống lá bèo tây giã với chút muối bó khớp đau, cụ làm theo mươi hôm thì khỏi.
Vốn tính đa nghi, nghe chuyện một lần tôi chẳng vội tin, nhưng cứ thấy ngờ ngợ trong lòng, liền lật sách tra cứu. Thì ra các cụ Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi đều có ghi nhận bài thuốc bó bèo này trong mấy cuốn sách thuộc hàng kinh điển như Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Từ điển Cây Thuốc Việt Nam. Nói về bèo làm thuốc thì sách thuốc còn nêu nhiều loại, ngoài bèo tây (còn gọi bèo lục bình, bèo sen, bèo Nhật bản), còn có bèo ong (bèo tai chuột), bèo tấm (bèo cám), bèo tấm tía (bèo đánh trống), bèo hoa dâu,… và chữa được nhiều bệnh chứng khác nữa chứ không phải mỗi chứng… đau cổ tay. Nhưng xin để dành cho bạn đọc tự tìm hiểu. 
Phần tôi, xin kể nốt vài câu, từ hôm nghe chuyện bà cụ, có ai đến chơi hỏi thăm quanh vườn nhà có cây thuốc gì quý. Tôi đã không ngần ngại bắt đầu bảng điểm danh: Thuốc quý như: bèo, ...

Phan Phú Sơn (CTQ số 86)

 
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""