TINH HOA XANH

Xoa bóp - bấm huyệt trong hoại tử chỏm xương đùi

 Phương pháp xoa bóp - bấm huyệt rất hiệu quả trong giảm đau, ngăn chặn tiến triển và phục hồi vận động, hạn chế tổn thương trong hoại tử chỏm xương đùi.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô mạch (Avascular Necrosis) chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế.

Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên (20 - 50 tuổi), nam thường gặp nhiều hơn nữ (nam chiếm 80%). Ngoài ra, bệnh chứng này còn xuất hiện thứ phát sau chấn thương và một số nguyên nhân khác và phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền.

Những tác dụng

Tác dụng giảm đau: những thao tác chậm nhịp nhàng mềm mại sẽ có tác dụng ức chế thần kinh, làm cơ thư giãn và giảm đau. xoa bóp - bấm huyệt kích thích làm cơ thể tiết ra morphin nội sinh (endorphin - có tác dụng giảm đau nhưng không gây nghiện và không độc hại như tiêm morphin) có tác dụng làm giảm đau, thư giãn cơ thể.

Ngăn chặn và phục hồi tổn thương: xoa bóp - bấm huyệt làm tăng lưu thông máu qua hệ thống mao mạch, tĩnh mạch, bạch mạch ở các tổ chức. Qua nghiên cứu tác dụng của xoa bóp đối với sự lưu thông mao mạch, người ta thấy xoa bóp và vận động có ảnh hưởng tới số lượng mao mạch hoạt động. Sự giãn nở mạch máu và lưu thông máu tốt giúp cho tổ chức cơ thể được cung cấp dinh dưỡng, oxy, thải trừ chất cặn bã và khí cacbonnic được tốt hơn.Vì vậy, làm cho tổ chức được xoa bóp hoạt động và hồi phục được nhanh hơn. Đặc biệt, xoa bóp làm tăng tuần hoàn bạch mạch 5 - 6 lần nên giảm phù nề tổ chức và giảm đau rất tốt trong các trường hợp ứ trệ tuần hoàn bạch mạch do chèn ép phù nề. Tuần hoàn bạch mạch lưu thông tốt giúp khả năng thực bào, miễn dịch được gia tăng nên khả năng chống viêm nhiễm được tốt hơn.

Đối với khớp: tác dụng của xoa bóp khớp cũng được tăng cường dinh dưỡng bao hoạt dịch tăng tiết chất nhờn làm trơn ổ khớp.

Đối với xương: tuần hoàn cơ được cải thiện khi xoa bóp làm xương được nuôi dưỡng tốt hơn, xoa bóp làm tan tụ máu cơ, chống kết dính các sợi cơ, gân trong chấn thương.

Xoa bóp làm cho sự cung cấp máu đến khớp xương, bao khớp, gân cơ, dây chằng được tốt hơn, gia tăng sự tiết hoạt dịch và làm cho dây chằng luôn giữ vững tính đàn hồi của nó.

Do đó xoa bóp có thể đề phòng và chữa những biến chứng của bệnh, làm vận động của khớp xương dễ dàng hơn.

Xoa bóp - bấm huyệt và vận động khớp háng

Xoa bóp - bấm huyệt xung quanh khớp bị đau và vận động khớp nhẹ nhàng. Xoa bóp - bấm huyệt chi dưới, chú ý xung quanh khớp háng đau và đùi bên đau.

Xoa bóp - bấm huyệt:

Tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đứng cạnh bên.

Xoa xát vùng đùi bên tổn thương để bôi trơn dầu xoa (hoặc phấn rơm) tránh trầy xước.

    Bóp nắn cơ: bóp nắn cơ khu vực đùi cơ tứ đầu đùi, cơ may, cơ tam đầu, lưu ý không bóp cơ vùng mặt trong 1/3 trên của đùi vì có nhiều tổ chức bạch huyết.

    Nhào cơ đùi: dùng 2 bàn tay nhào các cơ tứ đầu đùi, tam đầu vùng đùi.

    Day cơ: dùng mô ngón cái và mô ngón út day các cơ vùng đùi.

    Vuốt cơ: các đầu ngón tay áp sát da vùng đùi vuốt các cơ vùng đùi.

    Tìm điểm đau và day điểm đau: day ấn nhẹ nhàng xung quanh vùng đau.

    Day ấn huyệt vùng đùi: Phong thị, Lương khâu, Huyết hải, Hoàn khiêu, Phục thố…

    Vận động khớp háng:

    Ngả đùi: bệnh nhân nằm ngửa, để bàn chân này lên đầu gối chân kia, rồi ngả đùi xuống; thầy thuốc đứng bên cạnh, một tay giữ hông, một tay ấn đầu gối chạm giường hai đến ba lần; đổi bên.

     

    xoa-bop-bam-huyet-trong-hoai-tu-chom-xuong-dui-1

    Khép đùi: bệnh nhân nằm ngửa, co gối, hai bàn chân dang rộng, thầy thuốc đứng bên cạnh, giữ hai đầu gối bệnh nhân rồi luân phiên khép đùi vào bên trong, đầu gối chạm giường từng bên một, làm hai đến bốn lần.

    Co đùi: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đứng bên cạnh; để bệnh nhân co gối, thầy thuốc giữ đầu gối rồi gấp đùi vào bụng, làm từng chân hai đến ba lần. Đổi chân.

    Dang đùi: bệnh nhân ở tư thế nằm sấp, thầy thuốc đứng phía dưới chân, cầm hai cổ chân người bệnh, rồi dang chân ra khép chân vào, vài lần.

    Sau khi vận động khớp háng xong, có thể xoa bóp lại lần nữa thêm một ít dầu nóng để tăng tác dụng điều trị.

    Người bệnh nên đến khám chuyên khoa để được xác định yếu tố nguy cơ, chẩn đoán xác định và chỉ định bằng phương pháp điều trị phù hợp.

    BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

    Tags

    Hiển thị tất cả kết quả cho ""