Vị thuốc: Hậu phác
Địa lý:
Mọc nơi ẩm thấp, đất tốt ở sườn núi. Có nhiều ở Hồ Bắc, Tứ Xuyên, An Huy, Triết Giang, Vân Nam (Trung Ouốc). Cây này chưa thấy phát hiện ở Việt Nam.
Thu hái, sơ chế:
Thu hái vỏ cây trên 20 năm vào tiết Lập thu tới Hạ chí, để cho nó ra mồ hôi rồi phơi trong râm cho khô, cuộn thành ống hoặc cán cho thẳng.
Hoặc sau khi bóc vỏ, phơi nơi mát cho khô, nhúng vào nước sôi, rồi lấy ra chất thành đống cho nước chảy hết, phơi khô, rồi lại hấp để cho vỏ mềm, cuộn thành ống, phơi nơi mát cho khô.
Phần dùng làm thuốc:
Vỏ thân (Cortex Magnoliae). Thứ vỏ dầy mềm, màu nâu tía, thơm và có nhiều dầu là tốt, đặc biệt thứ có đốm sáng (Kim tinh Hậu phác) là tốt hơn cả.
Bào chế:
- Rửa sạch nhanh, cạo bỏ vỏ thô, xắt lát mỏng 2 - 3 ly, tẩm nước sữa tô (cứ 1 cân Hậu phác thì sao với 4 lượng sữa tô), sao chín để dùng trong hoàn tán. Nếu dùng trong thuốc thang để uống thì dùng nước cốt gừng (cứ 1 cân Hậu phác thì sao với 8 lượng nước gừng) cho khô (Lôi Công Bào Chích Luận).
- Cạo bỏ vỏ thô, rửa qua, lấy 2 vị Gừng sống, Tô diệp trộn vào, nấu chín rồi bỏ Gừng và Tô diệp đi, cắt phiến, phơi trong râm cho khô để dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Bảo quản:
Đậy kín, để nơi khô ráo, vì dễ mốc. Tránh nóng vì dễ mất tinh dầu thơm.
Công dụng:
- Ôn trung, ích khí, tiêu đờm, hạ khí (Biệt Lục).
- Trừ đờm ẩm, khứ kết thủy, phá súc huyết, tiêu hóa thủy cốc, chỉ thống (Dược Tính Luận).
- Ôn trung, hạ khí, táo thấp, tiêu đờm (Trung Dược Đại Từ Điển)
(Thaythuoccuaban.com)