Chế biến đông dược phần nhiều lấy lý luận quy kinh chỉ đạo, đặc biệt là dùng một số phụ liệu để chế biến như: Tẩm dấm sao để dẫn vào can kinh, tẩm mật sao để dẫn vào tỳ kinh, tẩm muối dẫn vào thận kinh...Nhiều dược vật tác động vào nhiều kinh, có thể trị bệnh của nhiều kinh lạc và tạng phủ; để dược vật tác động chính xác vào một tạng phủ, phát huy tốt nhất hiệu quả điều trị thì có thể thông qua chế biến để đạt được mục đích.
Dược vật sau khi chế biến, tác dụng với tạng phủ hoặc kinh lạc nào đó tăng lên và tác dụng với một số tạng phủ kinh lạc khác lại giảm đi, làm cho công hiệu thuốc càng tập trung. Ví dụ:
- Ích trí nhân vào tỳ, thận có tác dụng ôn tỳ chỉ tả, nhiếp bọt dãi, cố tinh súc niệu; sau khi sao muối thì chủ yếu vào thận chuyên dùng để sáp tinh súc niệu.
- Tri mẫu vào phế, vị, thận kinh, có tác dụng thanh phế lương vị, tả thận hỏa, sau chế biến với muối thì chủ yếu vào thận có thể tăng cường tác dụng tư âm giáng hỏa.
- Thanh bì vào can, đởm, vị kinh, sau tẩm dấm thì tăng cường tác dụng vào can kinh.
- Sinh địa có thể vào tâm, sở trường thanh dinh lương huyết, chế thành Thục địa thì chủ yếu vào thận kinh, sở trường là dưỡng huyết tư thận, ích tinh bổ thủy.
Sổ tay Chế biến Đông dược