Phương pháp sao tẩm
Theo quan niệm Y dược học cổ truyền, phương pháp này dùng để điều khiển tác dụng của thuốc, dẫn thuốc vào từng bộ phận của cơ thể theo ý muốn của thầy thuốc (quy kinh). Dược liệu sau khi bào thái thành phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô, cũng có khi sao nóng mới tiến hành tẩm ủ. Tiến hành tẩm ủ một trong các chất sau: rượu, dấm, nước muối, nước gừng, nước mật, nước đường, sữa, nước tiểu trẻ em…Lượng dùng từ 5 – 30% so với lượng dược liệu. Thời gian tẩm ủ thuộc dược liệu: 1 – 5 giờ. Thông thường tẩm đến khi Dược liệu hút hết dịch tẩm. Đa số các chất dùng để tẩm có ảnh hưởng đến độ hòa tan của một số hoạt chất trong Dược liệu. Có thể coi giai đoạn tẩm là giai đoạn xử lý trước khi chiết xuất. Trong khi tẩm, dung môi thấm vào Dược liệu, khuếch tán trog các tế bào, hòa tan hoạt chất và làm cho các tế bào trương phồng lên, nước dễ thấm giúp cho việc nấu sắc sau này lấy được nhiều hoạt chất hơn, thời gian sắc nhanh hơn. Khi sao, dùng nhiệt độ cao nên nhiều tạp chất trong Dược liệu bị phá hủy (Albumin, diệp lục, chất keo) tạo điều kiện giải phóng hoạt chất, dịch chiết trong hơn, màu sắc đẹp, tránh gây tủa bẩn. Sao tẩm còn có tác dụng bảo quản dễ hơn, nhiệt thấm đồng đều bên trong và ngoài nên ít cháy hơn.
Sổ tay chế biến Đông dược.