TINH HOA XANH

Thu hái và chế biến dược liệu như thế nào cho đúng (phần 2)

Chế biến dược liệu

Chế biến sơ bộ dược liệu thường được tiến hành ngay sau khi thu hái, thường bao gồm các công đoạn sau:

1. Chọn dược liệu:

Các dược liệu sau khi thu hái về đều phải được lựa chọn đúng bộ phận dùng làm thuốc đảm bảo quy cách, loại bỏ các tạp chất và các bộ phận khác của cây lẫn vào trong khi thu hái, hoặc các phần nằm trong bộ phận cần phải loại bỏ

ví dụ: Cúc hoa khi sơ chế cần loại bỏ lá và cuống

2. Làm sạch dược liệu:

Làm sạch dược liệu là bước loại bỏ các tạp chất còn lẫn hay bám dính vào dược liệu mà khi lựa chọn chưa loại bỏ hết được như đất cát, bụi bặm, rơm rác...

Để làm sạch dược liệu người ta có thể dùng các phương pháp

- Rửa bằng nước: dược liệu được rửa nhanh bằng nước sạch, không ngâm lâu

- Sàng, sẩy: nhằm loại bỏ các tạp chất còn sót lại, các dược liệu không đảm bảo chất lượng. Phương pháp này hay dùng cho các dược liệu là hạt.

- Chải: nhằm làm sạch các tạp chất bên ngoài hoặc bên trong dược liệu, hoặc nấm mốc...mà không rửa sạch bằng nước được.

- Cạo gọt: nhằm loại bỏ lớp vỏ ngoài của dược liệu (như Sắn dây, Củ mài)

3. Giã dược liệu: nhằm loại bỏ các tap chất bên ngoài như lông, gai...không dùng được. Dược liệu được cho vào cối giã như giã gạo, sau đó được sàng sẩy cho rụng hết lông, gai (như Bạch tật lê, Hương phụ).

4. Cắt thái dược liệu: nhiều dược liệu sau khi thu hái cần được cắt ngắn thành từng khúc, thành phiến hoặc đoạn ngắn, hoặc thành miếng cho tiện bào chế và sử dụng.

5. Ngâm dược liệu: dược liệu được ngâm trong chất lỏng thích hợp để làm mềm cho dễ thái, hoặc để loại bỏ bớt tính chất không dùng đến, loại bỏ chất độc. Thời gian ngâm dài hay ngắn, ngâm trong loại chất lỏng nào là tùy thuộc vào loại dược liệu và mục đích bào chế (ví dụ như ngâm Hà thủ ô với nước vo gạo, ngâm Bạch truật với cám...)

6. Ủ dược liệu: là cách làm ẩm dược liệu rồi đem ủ kín, trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích của việc ủ dược liệu cũng rất khác nhau, có thể chỉ để cho dược lệu mềm ra dễ bào thái, hoặc để làm cho men trong dược liệu hoạt động nhăm fthay đổi tác dụng hoặc tăng tác dụng của vị thuốc (như Sinh địa)

7. Chưng, đồ dược liệu: một số dược liệu sau khi thu hái về cần được chưng, đồ, hoặc nhúng nước sôi. Mục đích của việc chưng, đồ là nhằm diệt men trước khi phơi khô để dược liệu không bị men phá hủy trong quá trình bảo quản.

Nguồn: Trường Cao đẳng Dược Hà Nội.

 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""