TINH HOA XANH

Bệnh viêm mũi-xoang và những điều cần biết

Bệnh viêm mũi - xoang xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi.

Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng hay gặp khi thời tiết lạnh hoặc chuyển mùa nhất. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên cấp tính với sự trở nặng và kéo dài của các triệu chứng. Bệnh có khả năng tái phát nhiều lần hay chuyển thành mạn tính. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị dứt điểm là vô cùng quan trọng.

Các nguyên nhân dẫn đến VM-X gồm: viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng, suyễn, suy giảm miễn dịch, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bất thường về hốc mũi, dị vật hốc mũi... Các yếu tố này xảy ra, kéo dài dẫn đến niêm mạc bị phù nề, ứ đọng dịch, gây tắc lỗ thông mũi xoang. Ngoài ra bệnh hay gặp nhiều ở những đối tượng làm những nghề tiếp xúc với khói, bụi, như thợ mộc, thợ xây dựng, công nhân quét đường... Nhiều trường hợp mắc bệnh do đi ngoài đường thường không đeo khẩu trang, hoặc sống ở khu vực có môi trường bị ô nhiễm.

Diễn biến của bệnh

VM-X là tình trạng viêm xảy ra trên niêm mạc vùng mũi - xoang với các triệu chứng: nghẹt mũi, chảy nước mũi màu trắng vàng hoặc xanh, cảm giác nặng, căng trong mũi, đau nhức vùng mũi, nhức đầu, hơi thở hôi, nghe kém, viêm thanh quản, mệt mỏi...

Ở giai đoạn cấp, VM-X thường kéo dài dưới 4 tuần. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh VM-X cấp do sức đề kháng kém, bệnh tăng cao trong mùa lạnh do vi khuẩn hoặc virut gây ra... Bệnh bắt đầu nặng hơn kể từ ngày thứ 5 và kéo dài hơn 10 ngày. Nếu không được điều trị, bệnh VM-X cấp có thể lan rộng, gây nên các biến chứng: viêm tấy ổ mắt, viêm màng não...

Tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Việc chẩn đoán viêm xoang chủ yếu dựa vào những ghi nhận được khi thăm khám trực tiếp. Đôi khi các bác sĩ cần phải sử dụng thêm các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp Xquang, CTscan, MRI, nội soi để định bệnh chính xác và đánh giá mức độ viêm cũng như những bất thường của các thành phần khác trong hốc mũi nếu có để quyết định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.

Điều trị VM-X cấp phải kéo dài và dứt điểm mới mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều bậc phụ huynh chủ quan, không kiên trì cho con uống thuốc đủ liều, không tái khám theo chỉ định bác sĩ... khiến bệnh nặng thêm và chuyển thành mạn tính.

Do vậy, khi điều trị viêm mũi xoang bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối y lệnh của thầy thuốc. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Thời gian điều trị thường kéo dài, bệnh nhân và gia đình phải kiên trì, sử dụng thuốc đúng liều, tái khám theo đúng hướng dẫn. Không tự ý dùng thuốc, ngưng thuốc,... sau khi được điều trị khỏi bệnh, nên chú trọng giữ gìn để bệnh không tái phát.

Phòng bệnh viêm xoang

Khi mắc bệnh VM-X cấp nếu không được điều trị kịp thời và đúng dễ chuyển thành mạn tính và có nguy cơ tái phát. Vì vậy, phòng bệnh là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.

Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc mắc VM-X cũng như bệnh viêm xoang tái phát. Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối pha loãng.

Khi có biểu hiện của viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp, cần đi khám. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Ở một số người, nhất là trẻ em, niêm mạc mũi xoang nhạy cảm không tắm ở ao hồ dễ bị viêm mũi xoang khi đi tắm hồ bơi.

Trường hợp bị viêm mũi dị ứng, tái đi tái lại nhiều lần, có các biểu hiện như chảy nước mũi, ngạt mũi, điếc mũi do thay đổi thời tiết có thể điều trị và dự phòng bằng cách sử dụng các vị thuốc thảo dược có tính ấm, tính kháng sinh tự nhiên để làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng. Tránh uống rượu, bia quá nhiều, vì nó làm cho niêm mạc mũi xoang phù nề do vậy rất dễ đưa đến viêm xoang.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thời tiết nóng, khi ngủ không nên để quạt điện thốc vào mặt. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Khi thời tiết chuyển mùa, chú ý khi buổi sáng dễ nhiễm lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực và mũi. Tránh ngoáy mũi nhiều thì sẽ gây tổn thương phần tiền đình mũi và niêm mạc mũi.

Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống ôxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng. Người bị viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng hắt xì, chảy mũi, ngứa mũi và nghẹt mũi khi tiếp xúc với dị nguyên, các triệu chứng này có thể quanh năm hoặc theo mùa. Khi đó niêm mạc mũi xoang bị phù nề, tiết dịch, nếu không điều trị tích cực sẽ dẫn đến viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn từ môi trường. Muốn phòng bệnh tốt nhất nên tránh tiếp xúc với dị nguyên đã biết, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày, khám và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa...

(theo SK&ĐS)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""