Huyết trong Đông y và Máu trong Tây y là một dạng vật chất hữu hình - một loại dịch lỏng, màu đỏ, lưu thông khắp cơ thể, là nền tảng cấu trúc và chức năng của cơ thể. Chứng Huyết hư và Thiếu máu có những nét tương đồng cho chúng ta một sự hình dung về sự giao thoa của hai nền y học.
Thiếu máu theo Tây y
Thiếu máu là một tình trạng mà trong máu không có đủ tế bào “hồng cầu khỏe mạnh” để vận chuyển đầy đủ oxy đến các mô. Chúng ta thường chú ý đến việc đủ/ thiếu của máu mà quên đi “hồng cầu khỏe mạnh”. “Hồng cầu khỏe mạnh” là một hồng cầu có khả năng thực hiện toàn bộ khả năng sinh lý vốn có của nó.
Bình thường, về hình dạng, hồng cầu có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính 7 - 8 micromet, bề dày phần ngoại vi 2 - 2,5 micromet và phần trung tâm dày 1 micromet. Chính hình dạng này giúp hồng cầu trở nên cực kỳ mềm dẻo, có thể đi qua các mao mạch tận - rất hẹp - mà không gây tổn thương mao mạch cũng như chính bản thân hồng cầu, đồng thời làm tăng diện tích bề mặt tiếp xúc (làm tăng khả năng khuếch tán khí thêm 30% so với hồng cầu cùng thể tích mà có dạng hình cầu). Về cấu tạo, hồng cầu trưởng thành không có nhân.
Thành phần chung của hồng cầu bao gồm: nước 63 - 67%, chất khô 33 - 37%, trong đó: prôtêin chiếm 28%; các chất có nitơ chiếm 0,2%, ure chiếm 0,02%, glucid chiếm 0,075%, lipid và lecithin, cholesterol chiếm 0,3%. Thành phần chính của hồng cầu là hemoglobin (Hb), chiếm đến 34% trọng lượng, Hemoglobin còn gọi huyết sắc tố, đó là chromoprotein gồm hai thành phần là nhân heme và globin. Mỗi heme gồm một vòng porphyrin và một Fe2+ chính giữa, đây là yếu tố tạo sắc đỏ cho máu. Globin là một protein gồm bốn chuỗi polypeptid giống nhau từng đôi một. Hemoglobin người bình thường là HbA gồm hai chuỗi A và hai chuỗi B. Hemoglobin thời kỳ bào thai là HbF gồm hai chuỗi A và hai chuỗi G.
Chính hình dạng và thành phần trong hồng cầu giúp nó thực hiện hai chức năng chính là: vận chuyển Oxy - Cacbon dioxit và góp phần vào điều hòa thăng bằng kiềm - toan. Trong đó, hai thành phần quan trọng nhất, được nghiên cứu nhiều nhất đó là hemoglobin và màng hồng cầu. Hemoglobin là thành phần rẩt quan trọng trong sự vận chuyển khí của máu. Còn màng hồng cầu mang nhiều kháng nguyên nhóm máu - liên quan đến truyền máu và các tai biến của truyền máu.
Việc chẩn đoán xác định thiếu máu dựa vào công thức máu trong xét nghiệm chứ không dựa vào triệu chứng hay thăm khám lâm sàng. Chẩn đoán thiếu máu khi nồng độ Hemoglobin thấp hơn:
13g/dl (130g/l) ở nam giới.
12g/dl (120g/l) ở nữ giới.
11g/dl (110g/l) ở người lớn tuổi.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, theo chu trình phát triển của hồng cầu, chúng ta có thể chia thành các nhóm nguyên nhân như: thiếu nguyên liệu sản xuất, lỗi trong quá trình sản xuất, hồng cầu được tạo ra nhưng bị mất đi hoặc bị “chết sớm”. Các bệnh lý thiếu máu mà chúng ta thường gặp nhất là: thiếu máu thiếu sắt (thường do ăn uống không đúng cách dẫn đến thiếu hoặc kém hấp thu sắt), thiếu máu do thiếu acid folic (hay gặp ở người nghiện rượu, phụ nữ uống thuốc ngừa thai), thiếu máu do thiết vitamin B12 (thường gặp trên bệnh nhân cắt đoạn dạ dày, thiểu năng tuyến tuỵ, viêm hoặc cắt đoạn hồi tràng… dẫn đến không hấp thu được Vitamin B12), Thalassemia, suy tủy xương, thiếu máu trong suy thận mạn…
Chứng Huyết hư trong Đông y
Theo Đông y, huyết hư là một chứng hậu, nguyên nhân bao gồm tất cả các yếu tố dẫn đến sự thiếu hụt huyết lưu hành trong tạng phủ, kinh mạch, biểu hiện ra bên ngoài là sự thiếu nuôi dưỡng. Huyết là “tinh” của đồ ăn, thức uống, được nạp vào Vị, được Tỳ hóa ra, rồi vận lên Tâm, Tâm dùng chân âm Hỏa mà hóa sắc đỏ cho “tinh” tạo ra huyết. Huyết lại nương vào Phế để lưu thông khắp cơ thể, rồi lại về tàng trữ ở Can. Thận thuộc Thủy, chủ về tất cả “Thủy”- mà huyết là một loại thuỷ, nên Thận Tinh cũng sinh huyết. Đây là con đường tạo ra và vận hành của huyết trong cơ thể.
Huyết là một phạm trù lớn, thuộc tính Âm trong Âm Dương - nên “thường bất túc” mà sinh Hư chứng. Lẽ ấy là do người xưa quan sát trời đất, thấy Mặt trăng có lúc vơi lúc đầy, so với sự rực rỡ của Mặt trời,thuộc Dương - thì thường sinh thực chứng. Huyết có quan hệ mật thiết với Khí - thuộc Dương - Tạo thành một “cặp đôi” không thể tách rời. Huyết chủ tĩnh, dựa vào khí mà hành, cũng là nơi để khí nương tựa mà thực hiện công năng. Huyết chảy trong kinh mạch tựa như sông ngòi chảy trên mặt đất, nước dồi dào đất được tươi tốt; nước cạn dòng chảy yếu sinh ứ trệ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Huyết hư, trong đó, Hư lao là một trong những nguyên nhân chính. Hư lao là tên gọi chung của “ngũ lao, thất thương, lục cực”. “Ngũ lao” chỉ sự hoạt động quá sức của cơ thể làm tổn thương ngũ tạng, gồm tâm lao, can lao, tỳ lao, phế lao, thận lao.
Nội Kinh viết:
- "Ngũ lao" bao gồm: nhìn lâu hại huyết (Tâm) vì huyết dựa vào mạch chứa đựng, các mạch lại quy về mắt, nằm lâu hại khí (Phế) do khí thuộc Dương, Dương chủ động, tĩnh làm khí trở trệ, ngồi lâu hại cơ nhục (Tỳ) vì Tùy chủ cơ nhục, chủ vận động, đứng lâu hại cốt (Thận) vì Thận chủ cốt tủy, cốt vững đứng được, đi lâu hại cân (Can) vì Can chủ cân, cân mạnh đi được, đó là thương tổn về ngũ lao.
- “Thất thương” chỉ sự tổn thương tạng phủ do bảy loại tình chí gây ra, Tôn Tư Mạo đời Đường khi bàn về “thất thương” còn thêm các nguyên nhân từ bên ngoài, ông cho rằng: ăn no quá tổn thương tỳ; giận quá khí bốc lên tổn thương can; gắng sức mang nặng quá, ngồi lâu ở chỗ cát ướt tổn thương thận; để thân thể bị lạnh và uống thứ lạnh tổn thương phế; buồn rầu lo nghĩ tổn thương tâm; mưa gió rét nắng tổn thương hình thể; khiếp sợ quá không tiết chế được tổn thương ý chí.
- “Lục cực” chỉ sự suy yếu đến mức cùng cực, gồm: Khí cực, Mạch cực, Cân cực, Cốt cực, Nhục cực, Tinh cực.
Giữa Nam và Nữ thì Nữ thường gặp Huyết hư, vì Nữ thuộc Âm lấy huyết làm gốc. Phụ nữ có kinh nguyệt, thai sản, đều phụ thuộc vào huyết mà điều hoà, nhờ huyết đến hai Mạch Xung - Nhâm vượng mà phụ nữ có thể thụ thai, nhờ Huyết đủ mà kinh nguyệt đều đặn.
Bài thuốc Tứ vật
Bài thuốc Tứ vật thang được ghi trong tác phẩm Thái bình huệ dân - Hòa tễ cục phương, được Danh y Chu Đan Khê trọng dụng - ông là người sáng lập phái “Tư âm” đời Kim - Nguyên. Bài thuốc gồm: thục địa, đương quy, bạch thược, xuyên khung. Đây là bài thuốc chủ đạo trong điều trị huyết hư, bổ huyết mà không trệ, hành huyết mà không phá, trong bổ có tán, trong tán có thu, giúp điều hòa kinh nguyệt, nên còn được xem là phương thuốc quý của phụ nữ. Cái hay của người thầy thuốc nằm ở chỗ “dụng dược”, cùng là bài Tứ vật nhưng tùy vào mục đích sử dụng mà có thể bào chế, tăng giảm vị thuốc.
Thục địa là quân dược trong bài thuốc, là vị thuốc được chế từ tiên địa hoàng (rễ tươi của cây địa hoàng), qua cửu chưng cửu sái (chín lần chưng, chín lần phơi) mà thành. Tiên địa hoàng có vị ngọt, đắng, tính hàn - tác dụng thanh nhiệt là chính, còn Thục địa có vị ngọt, tính ấm, quy ba kinh âm, bổ huyết là chính. Qua chưng - phơi, thục địa có tác dụng tư bổ Can âm, ích Thận tinh, dưỡng Tâm huyết, là vị thuốc hàng đầu bổ Hạ nguyên. Số chín trong bào chế không chỉ là kinh nghiệm để thục địa đạt chất lượng tốt nhất mà số 9 còn mang ý nghĩa nhất định. Số 9 là số dương, nhưng là Lão dương (là số lớn nhất trong dãy số dương, gồm: 1, 3, 5, 7, 9), cực dương vừa “trợ dương”, vừa “sinh âm” (âm cực sinh dương)
Đương quy (đương là nên, quy là về, nghĩa là nên về nơi cần về, có ý nghĩa dẫn huyết quy kinh mạch) có vị ngọt, cay, tính ôn, quy vào ba kinh âm. Toàn quy tác dụng bổ dưỡng toàn cơ thể. Quy thân có sức bổ huyết mạnh nhất, dùng cho huyết hư nhiều mà không có huyết ứ. Quy vĩ (đuôi của Đương quy) có tác dụng tiêu ứ mạnh, dùng khi huyết hư kèm huyết ứ. Đương quy tu (nhánh bên của củ Đương quy), bổ âm huyết kém hơn, chủ yếu thông kinh lạc. khi cần hoạt huyết thông kinh, có thể chế Đương quy với rượu, mượn tính thăng phù của rượu để phát huy tác dụng.
Bạch thược có vị đắng, chua, hơi hàn, quy kinh Can, Tỳ, có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, hòa Can chỉ thống. Bạch thược nếu được chế với rượu và sao vàng với cám thì sẽ khử được tính hàn, tăng tác dụng bổ Can, Tỳ.
Xuyên khung có vị cay, tính ôn, quy kinh Can, Đởm. Xuyên khung có vị cay nên có khả năng tán kết, là thuốc “trị huyết trong khí”. Sách Bản thảo hội ngôn có ghi: “vị xuyên khung, thượng hành đầu mục, hạ điều kinh thủy, trung khai uất kết, huyết trung khí dược”, nên dùng cho bệnh khí huyết đều tốt.
Bộ ba huyệt bổ huyết: Huyết hải, Cách du, Tam âm giao
Bổ huyết bằng phương pháp châm cứu chú trọng đến ba huyệt: Huyết hải, Cách du, Tam âm giao. Tuy nhiên việc sử dụng ba huyệt này cũng có những đặc trưng riêng.
Huyết hải (nghĩa là biển huyết) là huyệt thứ 10 thuộc Kinh Tỳ, huyệt có tác động đến huyết và thúc đẩy chức năng của Tỳ trong việc kiểm soát sự lưu thông, điều dẫn huyết trong mạch giống như việc dẫn nước của các dòng sông đổ ra biển. Có tác dụng bổ huyết, lương huyết, hoạt huyết dùng để trị các bệnh về huyết ở nửa người dưới, chi dưới như: các bệnh kinh nguyệt, viêm khớp gối...
Cách Du là huyệt thứ 17 thuộc kinh bàng quang, là huyệt hội của huyết có tác dụng bổ huyết, thiên về chữa bệnh huyết ở nửa phần trên cơ thể, điều khí làm khoan khoái lồng ngực dùng, trị bệnh huyết ở Tâm, Can, Phế. Châm cứu Đại thành phối Cách du với Đởm du, Dũng tuyền, Đại lăng, Nội quan, Hợp cốc để điều trị chứng ngũ tâm phiền nhiệt do âm huyết hư gây ra.
Tam âm giao (nơi hội tụ của 3 kinh âm ở chân: Can, Tỳ, Thận) là huyệt thứ 6 của đường kinh Tỳ, dùng để điều trị bệnh về huyết ở toàn thân, hỗ trợ điều trị các rối loạn liên quan đến Tỳ và các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt: kinh nguyệt không đều, mất kinh, thống kinh ở phụ nữ.
Huyết là một phần vật chất quan trọng của cơ thể, để tránh làm huyết hư, đạt được đời sống khỏe mạnh và lâu dài, chúng ta hãy lựa chọn một lối sống tĩnh tại, bớt căng thẳng, bớt áp lực, hòa mình vào thiên nhiên…
TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN, NGUYỄN NGỌC HUYỀN TRÂM