Con kiến nhỏ bé lẻ đàn không biết từ đâu bò lên cuốn sách, có lẽ muốn đọc sách, học đòi viết văn, làm thơ...muốn tiến hoá để trở thành động vật bậc cao chăng?Bỗng đất trời mênh mông tối sầm lại như có nhật thực, càn khôn thu nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay, thịt da tan nát, xương cốt rã rời, hồn xiêu phách lạc... Tận thế rồi! Con kiến nghĩ vậy rồi siêu thoát nhẹ nhàng như gió thoảng...”Công lực” chưa bằng lật một trang sách, con kiến đã bị bẹp dí dưới đầu ngón tay. Đơn giản !
Hẳn con kiến cũng có cha mẹ, có ông bà, có tổ tiên... trước đó chắc chắn cũng được trời đất phôi thai, có một “thái cực” để khí hoá, có đầy đủ cả âm dương, ngũ hành để hoá dục. Chẳng lẽ tạo hoá công phu cho nó một hình hài để đi lang thang, cắn người, rồi bị người đè bẹp dưới đầu ngón tay...Trần thế này là vậy sao? Nếu người không giết kiến thì kiến sẽ cắn người. Có bao nhiêu người hiểu được cái giáo lý uyên thâm của nhà Phật, rằng khuyên người chớ sát sanh. Làm sao có thể có sinh mà không có tử? Trong từng sát na, trong từng sự hô và hấp đã có biết bao nhiêu sinh tử luân hồi, cái này chết để cho cái kia sinh ra và lớn lên.”Sống và chết chính là hai mặt của sự tồn tại”!
Rong ruổi tháng ngày, cái triết lý ấy cũng theo anh ta vào tận chiến trường xa xôi, khốc liệt, nơi sự sống và cái chết như trở bàn tay. Đồng đội anh đã chiến đấu anh dũng và nhiều người đã hy sinh vì một lý tưởng cao cả “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Còn anh vẫn sống bởi quân thù không thể địch nổi anh, một tay súng thiện xạ, cừ khôi. Nhưng oái oăm thay, tai hoạ như từ trên trời giáng xuống, trong những tháng ngày đóng quân nơi rừng thiêng nước độc, anh mắc một chứng bệnh hiểm nghèo quái lạ: giống như đậu mùa mà không phải đậu mùa, giống như giời leo mà không phải giời leo, giống như mụn cóc mà không phải mụn cóc... những sang thương vô cùng kỳ lạ, nổi u, nổi cục khắp cả toàn thân mà xưa nay chưa từng thấy mô tả trong y văn. Đồng đội thương xót đem anh đi điều trị nhiều nơi nhưng đều vô phương cứu chữa. Người ta cho anh xuất ngũ để về nhà sống những ngày còn lại với gia đình. Ở tại quê nhà, người thân tiếp tục tìm thầy cứu chữa. Có bệnh thì vái tứ phương, nghe đâu có thầy hay thuốc lạ thì tìm đến, nhưng cuối cùng cũng chỉ là hoài công và vô vọng. Hàng xóm láng giềng thương xót cũng đến thăm anh vài lần rồi thưa dần không ai dám đến nữa vì những sang thương trên người anh quá kinh dị, ai nhìn thấy cũng rùng mình khiếp sợ. Ngay cả người thân của mình, anh cũng cảm nhận được nỗi xót xa lẫn sự kinh sợ của họ.
Đau khổ và tuyệt vọng, anh đi lang thang một mình về phía khu rừng, suy tư miên man về một thời trai trẻ hào hùng đã qua, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài vọng của một người lính trẻ với những chiến công hiển hách nay đã tan thành mây khói. Anh nhìn những bông hoa rừng khoe hương đua sắc, đang nở rộ trên đài vinh quang mà như đang báo hiệu sự sắp lụi tàn của nó. Bản lĩnh oai hùng của một người lính giờ đây không còn nữa, anh cảm thấy mình quá yếu đuối và bất lực không thể nào chiến đấu được với căn bệnh trầm kha này... Anh đến đây tìm một nơi vắng vẻ với ý định muốn kết liễu đời mình.
Trong lúc vô cùng tuyệt vọng, định lao mình xuống vực sâu... một cảm giác lành lạnh từ phía sau gáy chạy xuống sống lưng, bất giác anh rùng mình quay đầu lại nhìn. Một cụ già đứng sau lưng anh tự lúc nào, áo quần rách rưới, bẩn thỉu, tay chống gậy, đầu đội nón cời tả tơi. Cụ nhìn anh rồi nói vỏn vẹn: “Kiến!”. Anh nhìn kỹ cụ già, thấy râu tóc bạc trắng, khuôn mặt như toả ánh hào quang, biết không phải là người thường. Chưa kịp hỏi thêm cho rõ ngọn ngành, ông già vội bước đi như bay, phút chốc đã mất hút vào rừng sâu. Anh ngẩn người, buông tiếng thở dài: “Thần nhân đã có ý giúp ta sao còn lấp lửng, không giúp cho trót” . Vừa dứt lời, anh cảm giác hình như có vật gì đó rơi vào cổ áo, lọt xuống lưng... không biết bao nhiêu là những con vật nhỏ bé tua tủa chạy khắp người anh. Thì ra đó là một tổ kiến rừng từ trên cây gần chỗ anh đứng rơi xuống! Phản xạ tự nhiên anh cởi phăng áo rồi chà xát khắp cùng mình để giết những con kiến, càng chà xát da càng đỏ lên rồi lan đỏ ửng khắp cả người, toàn thân nóng sốt, mê man. Trong cơn mê sảng, anh thấy cơ hồ vô số kiến chạy khắp châu thân cắn rỉa lên những sang thương đau đớn vô cùng... Không phải thần y đến cứu giúp mà những con kiến đang báo oán anh đây! Lúc mê lúc tỉnh, anh mơ hồ thấy người nhà đem anh về, kẻ khóc oà, người bịn rịn chuẩn bị hậu sự... Không biết bao lâu, khi anh hoàn toàn tỉnh lại, tưởng chừng như lạc vào cảnh giới khác, ngạc nhiên vô cùng khi thấy thân mình da thịt liền trơn, những sang thương u cục kinh sợ kia đã biến đi hết như có phép mầu. Những người thân đứng bên anh hiện rõ sự vui mừng đong đầy trên mắt...
Lạ lùng thay cho trần thế này! Bên bờ vực tử thần, mầm sống lại vươn lên mãnh liệt; hạnh phúc đến khi đau khổ tột cùng. Ai bảo hoa nở rồi lụi tàn phế bỏ, chỉ là cách thể hiện một nghĩa cử cao đẹp kết hạt tạo nhân. Kiến cắn người đâu phải để cho vui, chỉ là hy sinh cho sự sống khác về... Tạo hoá phôi thai ra muôn loài đâu phải đều không có chủ ý !
... Bây giờ đây anh vẫn còn rất mù mờ về cái giáo lý uyên thâm của nhà Phật, rằng khuyên người chớ sát sanh. Nhưng có một điều anh chắc chắn rằng: từ đây và mãi mãi về sau anh sẽ không bao giờ giết kiến, bởi kiến chính là ân vật cứu nhân. Chẳng phải kiến đã sinh anh ra lần thứ hai hay sao!
Lâu nay, ở nước ta, kiến mới chỉ được sử dụng trong dân gian. Kiến dùng để làm thuốc phổ biến nhất là kiến đen. Tên thuốc trong Y học cổ truyền là Hắc mã nghĩ, được dùng sống, có vị mặn, cay, hơi độc, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, giảm đau.
Từ điển Động vật và khoáng vật Việt Nam của Võ văn Chi ghi: Từ tháng 11 đến tháng giêng năm sau ở trên cây khô có tổ kiến, hun khói cho kiến đi hết, lấy về bỏ hết đất và vỏ bọc đi. Tính nó có tác dụng cầm được huyết, chóng lên da non, làm vết thương chóng khỏi, dùng bôi những vết thương lở loét rất thần hiệu.
Trị rắn cắn và mụn nhọt sưng đau dùng kiến giã nát đắp hoặc bôi.
Sách thuốc của Tuệ Tĩnh có ghi loài kiến có tác dụng chữa bệnh viêm tai, suy giảm chức năng sinh dục, tăng cường sinh lực, giải độc, điều trị rắn cắn...
TS. Nguyễn Thị Vân Thái, Phó trưởng khoa Nghiên cứu Đông y thực nghiệm (Bệnh viên Y học cổ truyền Trung ương) đã nghiên cứu tập tính sinh học có lợi của côn trùng và khả năng ứng dụng trong y học cổ truyền, chủ yếu loài kiến gai đen, dự kiến những ứng dụng đầu tiên sẽ được thử nghiệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, điều trị chứng suy giảm trí nhớ và suy giảm chức năng sinh dục.
Câu chuyện trên đây được phóng tác từ một sự việc có thật. Nhân vật trong câu chuyện là anh: Nguyễn văn P. sinh năm 1965, hiện ở tại thôn 2, xã Nghĩa Dũng, Quảng Ngãi. Đi bộ đội năm 1985, năm 1986 anh mắc một chứng bệnh ngoài da lạ, đã điều trị tại Bệnh viện đa khoa thị xã Stungtreng ở Campuchia, Bệnh viện 15, Bệnh viện da liễu ở Đăklăk, không rõ chẩn đoán và điều trị không kết quả. Sau đó đựơc một người dân tộc ở Campuchia mách cho phương thuốc dùng tổ kiến rừng (loại kiến đỏ, cả tổ, cả trứng, cả kiến) chà xát lên khắp người, sau hơn một tháng điều trị như vậy, thật là thần hiệu, những sang thương trên người anh dần dần biến mất không để lại dấu vết.
Tuy nhiên việc nghiên cứu tác dụng điều trị bệnh ngoài da của loại kiến này đến nay vẫn còn đang bỏ ngõ. Một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ: xác định bệnh danh của chứng bệnh ngoài da này theo thuật ngữ Y học hiện đại; phạm vi điều trị thuộc những loại bệnh ngoài da nào cũng như tác dụng không mong muốn của loại kiến này (kiến đen và kiến đỏ); bộ phận nào của tổ kiến (trứng kiến, toàn thân kiến hay tổ kiến) có hoạt chất trị bệnh... Nhưng hy vọng câu chuyện sẽ là một “cú hích” cho quí đồng nghiệp vì sự nghiệp chung của y dược học nước nhà tiếp tục nghiên cứu để bảo tồn và phát triển một phương thuốc quý trong dân gian.
Đỗ Thanh Sơn (CTQ số 91)