TINH HOA XANH

Kiến ba khoang độc tố gấp 15 lần rắn hổ

Gần đây, rất nhiều chung cư ở Hà Nội xuất hiện kiến ba khoang; nhiều người đã bị kiến ba khoang đốt với những vết phồng rộp da, mất nhiều ngày mới lành.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở khu chung cư

Anh Nguyễn Quang Tuấn (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấy ngày gần đây, trong nhà anh liên tiếp xuất hiện Kiến ba khoang. “Có tối mình bật điện nhưng quên không đóng cửa sổ, rất nhiều con kiến ba khoang bay vào phòng ngủ của vợ chồng. Tôi đếm được đến 30 con”.

Nhiều nhà hàng xóm của anh Tuấn ở cùng khu đô thị này cũng đã bị kiến ba khoang tấn công, có người bị kiến ba khoang làm phỏng rộp, cả tuần nay chưa khỏi.

Anh Lê Huy Hà cùng khu dân cư chia sẻ: “Nhà mình tầng 30, nếu tối mà mở cửa sổ thì bắt mỏi tay, khoảng 30-50 con mỗi hôm. Ông xã bị đốt 2 hôm nay vẫn sưng tấy”.

Tại khu chung cư ở Dương Xá, Gia Lâm, Nội nhiều hộ gia đình cũng phản ánh, kiến ba khoang xuất hiện rất dày đặc.

Chị Lê Thị Hà, cư dân khu chung cư Dương Xá nói: “Mấy ngày nay, lúc nào cũng phải đóng cửa sổ cả ngày. Vậy mà tối vẫn có vài con kiến ba khoang xuất hiện trong nhà. Mình đang tính mua lưới chống côn trùng để hạn chế chúng vì nhà có cháu nhỏ”.

TS-BS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện đang vào mùa kiến ba khoang nên số lượng bệnh nhân nhập viện vì độc tăng mạnh. Có ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân. Kiến ba khoang đốt, nhẹ thì phồng rộp rất khó chịu, nặng thì máu mủ, loét, gây sốt, phù nề, thậm chí hoại tử”.

Kiến ba khoang độc gấp 15 lần rắn Hổ

Theo TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thời điểm này (mùa thu), kiến ba khoang xuất hiện, phát triển nhiều. Hơn nữa kiến ba đang vào mùa sinh sản do thời tiết ẩm ướt.

Loại côn trùng này thường hay xuất hiện vào ban đêm, ở những nơi có ánh điện, đèn nê-ông… Hiện nay, trong các thành phố hầu hết đều dùng đèn nê-ông nên loại côn trùng này xuất hiện ngày càng nhiều và lan rộng rất nhanh.

Cũng theo TS. Trương Xuân Lam, thực tế kiến ba khoang xuất hiện rất lâu nhưng vì nó quá quen thuộc nên không ai nghĩ là loại côn trùng gây hại. Tuy nhiên, những loại thuốc diệt côn trùng thông thường không có tác dụng với chúng.

Cũng theo các chuyên gia, trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa chất pederin, có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ… Nhưng may mắn là tuy độc tính cao, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây ra chết người như nọc rắn.

Lý giải tại sao các khu chung cư, tập thể xuất hiện kiến ba khoang nhiều hơn ở các khu khác, TS Lam cho rằng, ở những khu đó thường ở gần cánh đồng mà kiến ba khoang bắt mồi ăn thịt, thức ăn chính của chúng là sâu bọ. Khi nguồn thức ăn này cạn kiệt (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên sâu bọ kháng thuốc rất nhiều) dẫn đến số lượng kiến ba khoang được “cung cấp” nhiều thức ăn nên số lượng cũng nhiều lên.

Bên cạnh đó, người dân có thể ngăn cản kiến ba khoang vào nhà bằng cách: Dùng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào. Nên ngủ trong màn, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây chính là nơi trú ẩn tốt cho loài này. Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.

Bộ Y tế cũng lưu ý, để xử lý triệt để, tránh tình trạng kiến ba khoang lan tràn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, khi có đàn kiến ba khoang xuất hiện người dân nên liên hệ ngay với các đơn vị y tế chuyên trách (Viện Sốt rét – KST – CT, các Trung tâm YTDP huyện/thị...) để hướng dẫn xử lý kịp thời.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""