Trong những năm gần đây, tình trạng ngộ độc mật cá trắm có xu hướng gia tăng. Không biết căn cứ vào đâu, người ta vẫn truyền nhau một kinh nghiệm gây chết người mà tự cổ chí kim không hề có sách thuốc nào nói đến: mật cá trắm có thể chữa được các chứng đau bụng, đau lưng, hen suyễn, ho kinh niên, suy nhược cơ thể..., có khả năng tăng cường sinh lực, làm trơn tóc trắng da, thậm chí với cánh “mày râu” có thể dùng loại mật này thay cho “viagra” !?
Người ta mách nhau nên uống mật cá trăm tươi hoặc hòa cùng với rượu thì mới có hiệu quả. Nhưng rốt cuộc, tất cả những người áp dụng kinh nghiệm này đều phải đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng: sau khi uống chừng 1 đến 2 giờ, xuất hiện đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều, tiêu chảy nặng..., nếu không được cứu chữa kịp thời đến ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sẽ thấy các triệu chứng đái ít hoặc vô niệu, phù, khó thở do suy thận, thậm chí có thể nôn ra máu, hôn mê và đi đến tử vong.
Trong y học cổ truyền, mật cá trắm (thanh như đởm), kể cả cá trắm đen và cá trắm trắng, đều được dùng để làm thuốc. Mật cá trắm vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt giải độc, thoái ế minh mục, được dùng để chữa các chứng bệnh như cổ họng sưng đau, trẻ em đờm dãi ủng trệ...
Trong sách Lĩnh Nam bản thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông viết : “Thanh ngư mật cá trắm giang hồ, mua lấy đem về và để khô, chữa kẻ té cây cùng nhiệt độc, vì chưng tính phó thủy ngao du”. Sách Dược tính chỉ nam ghi rằng : “Mật cá trắm chủ trị những chứng ác sang, hòa nó với vôi mà bôi vào chỗ lở. Người đau cổ họng hoặc sưng tấy, hòa nó với bột bạch phấn phơi chỗ bóng mát, dùng một chút thổi vào được là khỏi. Theo sách Bản thảo cương mục, mật cá trắm có công dụng tả nhiệt, làm sáng mắt, dùng để chữa mắt sưng đỏ đau, có màng, hầu tý (đau họng), nhiệt sang (lở loét do nhiệt).
Để chữa đau mắt đỏ, sáchCung thị dị giản phương dùng hoàng liên thái phiến, sắc đặc, bỏ bã, cô thành cao rồi cho mật cá trắm vào trộn đều, thêm một chút mai phiến, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày nhỏ mắt 1 lần. Sách Tứ xuyên trung dược chí ghi lại kinh nghiệm chữa ác sang bằng cách lấy mật cá trắm, hạt gấc và thổ đại hoàng sấy khô, tán mịn, trộn đều rồi bôi vào vết loét...
Có thể thấy, người xưa hầu hết sử dụng mật cá trắm dưới dạng dùng ngoài và sấy khô, rất ít dùng đường uống trong và liều lượng không rõ rệt. Một số tài liệu ghi rõ mật cá trắm là có độc. Không hề có y thư nào nói đến việc dùng mật cá trắm để bồi bổ và tăng cường sinh lực. Bởi vậy, muốn sử dụng mật cá trắm phải hết sức thận trọng về cả chỉ định, cách dùng và liều lượng, tuyệt nhiên không được tùy tiện, cẩu thả và nhất thiết phải có sự tư vấn của các thầy thuốc có chuyên khoa.
Theo SKDS