Vào đầu năm 1955, tôi được chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng sau một cơn chảy máu dạ dày tới độ ngất đi giữa đường, được người đi đường thuê xe đưa về nhà. Khi về nhà, còn chảy máu mấy ngày liên tiếp. Bác sĩ Hoàng Sử, Chủ nhiệm khoa X quang Bệnh viện Việt - Đức và Chủ nhiệm bộ môn X quang khi ấy đã chiếu chụp nhiều lần. Hình vết loét rõ tới mức bác sĩ Hoàng Sử đã xóa tên bệnh nhân (nguyên tắc của nghề) để giới thiệu cho sinh viên. Khi ấy tôi đã được các bác sĩ đầu ngành nội khoa kê những đơn thuốc chữa bao tử như Cavet, Belladon, Sous-nitrate bismuth… nhưng tôi đều không dùng (vì những lý do trình bày dưới đây) và chỉ theo một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi thích hợp mà đã khỏi bệnh hơn 30 năm nay.
Cắt cơn đau
Trong những thuốc cổ điển của Tây y để cắt cơn đau, thường dùng nhất là Belladon hoặc Cà độc dược… là những vị có tác dụng dịu đau nhất thời, nhưng đều có độc tính, cho nên tôi muốn tránh không dùng. Ngoài ra người ta còn cho uống để phủ lên vết loét những chất gọi là chất trơ như Sous-nitrate bismuth, Kaolin (đất sét trắng). Gọi là chất trơ nhưng thực ra không phải hoàn toàn vô hại. Cho nên tôi nghĩ rằng không dùng đến những chất trơ này mà cắt được cơn đau vẫn hơn.
Chống chất chua trong bao tử, tham gia cắt cơn đau:
Chính chất chua trong bao tử khi tiếp xúc với những vết loét đã gây ra xót (giống như nước chanh trên những vết đứt tay). Để trung hòa, người ta thường dùng các chất như Natri bicarbonat, Canxi carbonat, Mai mực (ô tặc cốt). Nhưng con người là một cơ thể sống, chất chua tiết ra có nhiệm vụ của nó. Nếu làm giảm đi thì cơ thể tìm cách tiết ra nhiều hơn để bù vào phần chất chua đã bị trung hòa.
Do đó luôn có một cuộc chạy đua giữa lượng chất chua tiết ra và chất kiềm uống vào để trung hòa.Do những nhận định trên, cho nên để cắt cơn đau, đồng thời không cho chất chua tiếp xúc với những vết loét trong bao tử, khi có cơn đau xuất hiện (thường vào lúc đói, nửa đêm), tôi ăn những thức ăn xốp, có nhiều chất bồi dưỡng như bánh biscuit, bánh trứng nhện, bánh gatô (trứng, đường, bột hoặc sữa), ăn từng ít một, nhai thật kỹ, làm ướt mềm và nhão bánh để bao tử hầu như không phải làm việc nữa. Các chất bột nhão ấy trải lên mặt trong bao tử và tá tràng che lấp các vết loét đồng thời lại là những chất bổ dưỡng, chứ không phải là chất trơ, vừa hết cơn đau lại vừa bồi bổ cơ thể.
Giúp bao tử được nghỉ ngơi, lành vết loét
Khi ăn phải nhai thật kỹ và muốn nhai kỹ thì không chan canh. Nhưng trong nước canh có chất bổ, khi ngồi vào bàn ăn, húp một ít nước canh, sau đó ăn cơm với thức ăn khô, không chan. Ăn hết bát canh lại uống một ít nước canh, sau lại ăn cơm khô.
Không bao giờ ăn no quá dù bữa ăn ngon và thịnh soạn đến mấy đi nữa. Mỗi bữa đáng ăn 3 chén, ta chỉ ăn gần 3 chén để khi rời mâm cơm trong bụng vẫn còn thòm thèm. Đừng nghĩ rằng phải ăn cho no mới đủ chất bổ. Khi ăn quá no, rất mệt, bụng đầy ách khó chịu, hại người hơn là tốt cho cơ thể. Ăn xong, kiên quyết nằm nghỉ từ 15 phút đến nửa giờ. Trong khi nghỉ có thể ngủ hay đọc tiểu thuyết giải trí.
Để làm lành vết loét, đồng thời chống chảy máu, tôi dùng cao ban long (cao chế từ sừng hươu). Đây là một vị thuốc có 3 tác dụng chính: tác dụng cầm máu, bồi dưỡng (vì cao có rất nhiều chất đạm và axit amin quý, trong đó có chất mà Tây y chế thành thuốc đau bao tử Laristine). Năm 1955, cao ban long rất sẵn, nhưng sau hiếm, tôi dùng cao xương hươu nai và cao một số xương động vật chế biến đúng phép cũng được. Mỗi miếng cao nặng 100g, chia ra 10 ngày đến 20 ngày. Cắt thành miếng nhỏ ngậm trong ngày.
Như vậy, nếu nói đến thuốc tôi chỉ dùng cao ban long vừa bồi bổ vừa chữa bệnh.
Cùng với chế độ ăn uống nghỉ ngơi, cần giữ cho tâm hồn bình thản, nghĩa là không để những bực bội trong công tác, trong gia đình chi phối. Vì chúng tôi nhận thấy những cơn đau bao tử thường xuất hiện vào những lúc thời tiết thay đổi, khi có nhiều chuyện rắc rối trong công tác, trong gia đình. Tôi áp dụng thở dưỡng sinh theo 4 thì: Thở ra thót bụng lại. Nín thở một lúc ngắn. Hít vào phình bụng lên. Nín càng lâu càng tốt đồng thời tập trung tư tưởng vào một vấn đề tích cực - ví dụ nhẩm trong đầu 3 từ “tôi mạnh khỏe”. Mỗi sáng tôi đều luyện thở ít phút. Mỗi khi có điều gì bực dọc, tôi luyện thở chỉ 10-15 phút sau, bình thảnh trở lại.
Kiêng khem trong ăn uống
Khi mới chảy máu tôi ăn cháo trong 10-15 ngày, sau đó ăn cơm nếp, về sau ăn cơm tẻ. Chỉ kiêng không ăn bắp, chuối già, những chất chua, cay, rượu.
Nhưng đã gần 30 năm nay tôi không kiêng gì nữa. Những năm đầu, khi thấy hết đau, tôi lại ăn vội, có khi bị đau lại. Tôi cố nhớ ăn chậm, nhai kỹ, chỉ sau một hai hôm lại hết đau. Về sau tôi theo đúng chế độ, và có thể coi như đã khỏi hẳn. Nhiều bác sĩ cũng đã giới thiệu phương pháp này cho nhiều bệnh nhân đạt kết quả.
Đỗ Tất Lợi (CTQ số 102)
Những thực phẩm tốt cho người bệnh viêm loét dạ... |