Nhân sâm có 3 loại: Sâm núi, Sâm lấy ở núi đem về nhà trồng và Sâm tự gieo trồng. Sâm núi phẩm chất tốt giá rất cao; Sâm đánh từ núi rừng đem về nhà trồng giá trị thứ 2; còn Sâm tự gieo trồng chỉ là loại 3 thường bán ở các quầy hàng, nhãn hiệu đẹp nhưng giá trị thấp, cần phân biệt chính xác.
Nhân sâm tính hơi lạnh, vị ngọt, không độc. Trong sâm có loại saponin sterolic, một ít tinh dầu làm cho Nhân sâm có mùi đặc biệt; có các vitamin B1, B2, các men diataza, tro, axít photphoric và các tạp chất khác. Nhân sâm chuyên trị tạng tâm suy nhược, ăn uống tiêu hóa không tốt, là thuốc bổ mạnh nguyên khí và tinh thần, sinh tân dịch, bệnh lâu nguyên khí hư tổn cần phải dùng.
Công năng của Nhân sâm là làm thuốc tăng cường sinh lực. Những người phế lao, thần kinh suy nhược... Nhân sâm cũng dùng trị ngũ tạng suy yếu làm yên tinh thần...
Tuy Shân sâm đại bổ nhưng dùng nhiều cũng có hại lớn: nếu dùng lâu, quá liều lượng có thể làm dạ dày đầy chướng không thèm ăn uống. Trên lâm sàng, quan sát thấy một số bệnh nhân dùng Shân sâm lâu dài thường có tình trạng mất ngủ, giảm khoái cảm, dễ kích động, ngứa họng, thậm chí có hiện tượng hưng phấn thần kinh làm tăng huyết áp, nổi rôm, sáng sớm đi lỏng.
Đông y cho rằng, phàm những bệnh ứ hơi trong phổi, tức ngực, chưa giải được tà khí bên ngoài và chứng nhiệt thì không được dùng Nhân sâm. Những người âm hư hỏa vượng mà dùng Nhân sâm thường mắc chứng bí đại tiện, chảy máu cam. Người bị ngoại tà mới bị cảm mà không có chứng hư bên trong nếu dùng Nhân sâm thì sinh ra tình trạng thuốc bổ thu hút tà khí đọng lâu tà khí bên trong gây bệnh tình thêm trầm trọng. Đặc biệt, cho trẻ sơ sinh uống nước Nâm với hy vọng khỏi bị bệnh, chóng lớn là hoàn toàn sai lầm! Trẻ sơ sinh là thể thuần dương, các khí quan nội tạng chưa phát triển hoàn thiện, công năng điều tiết thần kinh kém mà Nhân sâm là thuốc đại bổ nguyên khí lại kết hợp với thể thuần dương, quả là cho đầu vào lửa.
Ngoài ra, các cháu nhi đồng cũng không nên cho ăn những thực phẩm có Nhân sâm như bánh nướng Nhân sâm glucoza trường thọ, bột sữa Nhân sâm... Bởi vì Nhân sâm có tác dụng phân tiết kích thích tố, nếu các cháu ăn số lượng lớn thực phẩm Nhân sâm sẽ dậy thì quá sớm, ảnh hưởng tới sự phát dục bình thường của các cháu. Những người đang có bệnh viêm túi mật, viêm gan, khi không muốn ăn uống, bựa lưỡi quá dày mà uống Nhân sâm có thể làm giảm sự thèm ăn uống đồng thời xuất hiện các chứng mất ngủ, ngực khó chịu, nôn nóng, choáng. Trong thời gian bị cảm mạo mà dùng Nhân sâm có thể tích tụ tà bệnh, làm bệnh nặng thêm, gây sốt cao. Nói chung Nhân sâm là loại thuốc bổ khí quý giá nhưng tùy người, tùy sức khỏe mà dùng đúng thì có lợi lớn; trái lại thì có hại to. Người không có bệnh mà dùng một lượng quá lớn hoặc dùng một lượng rất ít nhưng với thời gian dài cũng có thể gây ra những hậu quả không tốt. Người có nhu cầu dùng Nhân sâm cũng phải dùng với lượng thích hợp, tuyệt đối không dùng quá nhiều hoặc dùng lâu dài nhằm tránh gây ra những tác dụng phụ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Lương y Nguyễn Minh