Nếu bàn về chất lượng Đông dược chúng ta sẽ nói tới giống, tới chất đất, quá trình chăm sóc và thời gian thu hái của dược liệu, chế biến, bảo quản dược liệu. Trong phạm vi bài này chỉ đề cập tới tính an toàn. Nói an toàn trước hết phải nêu vai trò của người cho bệnh nhân thuốc vì trong ngành Đông y có người học nhiều, có người không qua đào tạo chỉ chép một bài thuốc có đâu đó cho người bệnh không khám bệnh (cố nhiên bài thuốc đó có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia nên hiệu quả có thể là tích cực hoặc tiêu cực), không có chẩn đoán, hoặc những người chữa bệnh theo bài thuốc gia truyền…Điều muốn nói ở đây là trong Đông dược có vị thuốc khi phối hợp với vị thuốc khác làm tăng tác dụng của vị kia, hoặc hạn chế tác dụng phụ không mong muốn. Nhưng cũng có khi phá hủy tác dụng của nhau, mất tác dụng mong muốn.
Bàn về tính an toàn của Đông dược
* Trong Đông dược có những chất phản nhau: Thập bát phản
- Cam thảo phản Đại kích, Nguyên hoa, Cam toại, Hải tảo.
- Ô đầu phản Bối mẫu, Qua lâu, Bán hạ, Bạch liễm, Bạch cập.
- Lê lô phản Nhân sâm, Đan sâm, Khổ sâm, Huyền sâm, Tế tân.
* Có các thuốc sợ nhau: Tương úy
Lưu hoàng sợ Phác tiêu; Thủy ngân sợ Tỳ sương, Lang độc sợ Mật đà tăng; Ba đậu sợ Khiên ngưu; Đinh hương sợ Uất kim; Nha tiêu sợ Tam lăng; Xuyên ô, Thảo ô sợ Tê giác; Nhân sâm sợ Ngũ linh chi; Nhục quế sợ Xích thạch chi.
* Trong đơn thuốc thường có nhiều vị thuốc khi phối hợp làm tăng tác dụng của nhau hoặc chữa các triệu chứng khác của bệnh, nhưng cũng có khi phá hủy tác dụng của nhau. Mai mực không phối hợp với Bạch cập, Phụ tử, Bạch liễm; Nga truật không phối hợp với Bạch truật, Nhân sâm vì phá tác dụng hoạt huyết, phá huyết của Nga truật.
* Có vị thuốc dùng cho người này được nhưng lại không thể dùng cho người kia. Thí dụ:
- Mã đề hạt (Sa tiền tử) – Tên khoa học là Semen plantaginis
Không dùng cho người bị di mộng tinh, người hay mất ngủ.
- Mạch môn – Tên khoa học Radix ophiopogonisjaponici
Tính vị cay đắng hơi lạnh, vào kinh phế, vị, tâm.
Không dùng vị này cho người tỳ vị hư hàn, ăn chậm tiêu, dễ ỉa chảy. Khi dùng Mạch môn nhắc người bệnh không nên ăn cá mè, cá diếc.
- Mạch nha - Tên khoa học là Fructus Hordei germinatus
Tính vị ngọt bình, vào kinh tỳ, vị. Không dùng mạch nha cho phụ nữ đang cho con bú, cũng không nên dùng cho người đang mang thai.
- Mai mực – Tên khác là Ô tặc cốt – Tên khoa học là Os sepiae
Tính vị ấm sáp, vào kinh tỳ, thận. Không phối hợp mai mực với Bạch cập, Phụ tử, Bạch liễm.
- Mạn kinh tử - Tên khác là Quan âm biển - Tên khoa học là Fructus Viticis trifoliae. Tính vị cay ấm hơi lạnh, vào kinh can, vị, bàng quang. Mạn kinh tử không dùng cho người thể huyết hư.
- Mần tưới - Tên khoa học là Herba Eupatorii. Tính vị đắng ấm, vào kinh phế, tỳ, vị. Không dùng cho người đang có triệu chứng chảy máu, phụ nữ băng huyết, kinh kéo dài.
- Lá mã đề - Tên khoa học là Folium Plantaginis. Tính vị ngọt lạnh, vào kinh can, phế, thận, tiểu tràng. Không dùng cho người thận hư đái đêm nhiều, phụ nữ đang mang thai.
- Hạt mã tiền - Tên khoa học là Semen Strychni. Tính vị cay ấm có độc, vào kinh can, tỳ. Không dùng cho người di mộng tinh, ngủ kém.
- Mẫu đơn bì - Tên khoa học là Cortex Paeoniae suffruticosae radicis
Tính vị cay đắng hơi lạnh, vào kinh tâm, can, thận. Không dùng cho người tỳ vị hư hàn dễ ỉa chảy, người có nhiệt ở khí phận. Dùng thận trọng với phụ nữ đa kinh hoặc đang mang thai.
- Mật ong - Tên khoa học là Mel. Tính vị ngọt, bình tính, vào kinh phế, đại tràng, tỳ. Dùng thận trọng với người tỳ vị hư hàn, hay đầy bụng dễ ỉa chảy.
- Miết giáp – Tên khác là Mai ba ba - Tên khoa học là Carapax Trionycis Tính vị mặn hơi lạnh, vào kinh can, thận. Không dùng với người tỳ vị, dễ nôn mửa, người âm hư không có nhiệt, phụ nữ đang mang thai…
Chỉ kể qua một số ví dụ trên ta thấy việc phối hợp Đông dược quan trọng thế nào.
- Khi cho người bệnh uống thuốc cần dặn cách sắc thuốc, có vị thuốc cần sắc trước, có vị thuốc cần sắc sau, có vị thuốc để riêng ngoài. Ví dụ các vị thuốc có mùi thơm thường sắc sau như Bạc hà, Mộc hương. Khi các vị thuốc sắc chuẩn bị chắt nước thuốc ra bát thì mới cho Bạc hà vào, đậy vung đun thêm 10 phút rồi chắt thuốc ra để ấm rồi uống.
- Cách uống thuốc cũng khác nhau tùy loại bệnh. Người bệnh hàn nên uống thuốc còn nóng, ấm. Người bệnh nhiệt uống thuốc mát hoặc ấm. Thuốc giải cảm nên uống nóng cho ra mồ hôi. Uống thuốc nên uống xa bữa ăn có thể uống trước hoặc sau bữa ăn 1 giờ. Khi uống thuốc cần kiêng thức ăn gì tùy thuộc vào bệnh, tùy thuộc vào vị thuốc ghi trong đơn.
-Thuốc có vị nóng và vị lạnh, để chữa các bệnh lạnh hoặc nóng, thức ăn cũng chia ra vị nóng hoặc vị lạnh, khi dùng thuốc nóng để chữa bệnh, để tăng tác dụng của thuốc cũng nên chọn vị thức ăn mát hoặc lạnh kiêng thức ăn nóng.
Tóm lại dùng thuốc an toàn và hiệu quả phụ thuộc vào thầy thuốc, phụ thuộc vào bệnh nhân. Thầy thuốc có chẩn đoán đúng và phối hợp vị thuốc đúng. Bệnh nhân biết tuân thủ các quy định của thầy thuốc đã dặn./.
Dương Trọng Hiếu (CTQ số 111)