Với nhan nhản những lời quảng cáo: ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa, giảm béo, đẹp da, ngăn chặn hình thành tế bào ung thu, chữa đái tháo đường, hỗ trợ tim mạch... trên mạng xã hội cùng với sự xuất hiện hàng chục sản phẩm - hoa Nghệ tây (saffron) - trong nhóm các gia vị đắt nhất thế giới bỗng trở thành “thần dược”. trong khi, tác dụng trị bệnh của nó chưa được chứng minh, người tiêu dùng có thể bị lừa vì các loại saffron “giả” mà không hay biết.
Nổi tiếng chủ yếu trên mạng, Nhụy hoa nghệ tây (còn gọi saffron) được tôn vinh là “thần dược” và được rao bán với giá đắt đỏ (loại thượng hạng lên đến 28.000USD/ký) và lại kèm theo thông tin hư thực có các nghiên cứu khoa học nói trong Nhụy hoa nghệ tây có chứa nhiều dược chất quý giúp ức chế tế bào ung thư, chống trầm cảm, trị mất trí nhớ, làm mờ vết thâm da...
Saffron chưa đi đến thử nghiệm lâm sàng
Saffron là chế phẩm từ thực vật ta gọi là Nghệ tây (tên khoa học Crocus satisus L., họ Diên Vĩ IRIDACEAE). Trong ẩm thực, saffron tạo nên hương vị và màu sắc đặc biệt cho các món ăn cao cấp của Pháp, Ấn Độ, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha… Chỉ cần dùng một vài sợi Nhụy hoa nghệ tây tạo gia vị là giúp món ăn ngon hoàn hảo về mùi vị và màu sắc.
Saffron nằm trong nhóm các gia vị đắt nhất thế giới. Bởi vì quá trình trồng trọt và thu hoạch nhụy hoa để làm ra nó thật kỳ công, nhiều khó khăn nên giá thành rất cao. Để có khoảng 0,5kg saffron, người ta phải thu hái 75.000 Nhụy hoa nghệ tây với 40 giờ công cộng với kỹ thuật thu hái đúng quy cách và sau đó là quy trình chiết xuất saffron từ nhụy hoa. Do quá đắt nên saffron rất dễ bị làm giả, thường bị trộn với các chất độn là bột nghệ hoặc các loại bột khác có màu sắc tương tự saffron.
Saffron tạo mùi thơm đặc biệt vì chứa các tinh dầu. Tinh dầu Nhụy hoa nghệ tây có hơn 150 chất thơm dễ bay hơn, trong đó thành phần chính là safranal (chiếm đến 70%). Màu sắc saffron tạo ra là do có chứa các hợp chất carotenoid (crocin, crocetin), các anthocyanin (còn gọi flavonol glycosid). Chính các chất vừa kể, theo quan điểm y dược học hiện đại, giúp saffron có tính kháng khuẩn, kháng nấm, đặc biệt chống oxy hóa rất tốt.
Tác dụng gọi là trị bệnh của saffron được lan truyền từ thời xa xưa.
Cách nay hơn 14 thế kỷ, các tài liệu xưa của nền Y học cổ truyền Hồi giáo đã ghi nhận saffron có tác dụng chữa chứng mất ngủ, chống khối u (trị ung thư), chống trầm cảm, bổ gan, trị hen suyễn, giúp việc sinh nở dễ dàng (oxytocic). Thế là saffron đã được sử dụng theo Y học cổ truyền như thế trong thời gian dài.
Cũng giống như một số thực phẩm đặc biệt, nhất là các chế phẩm gọi là thực phẩm chức năng (TPCN), saffron đã được nghiên cứu một số tác dụng nào đó về sức khỏe. Nhưng những nghiên cứu khoa học về saffron có tính đơn lẻ, thử trên động vật thí nghiệm, thường là đi đến kết luận “saffron có một số đặc tính chữa bệnh gọi là tiềm năng” chứ chưa đi đến thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khẳng định trị bệnh thật sự.
Gia vị, thực phẩm như saffron đã không có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nào chứng thực tác dụng trị bệnh của nó. Nhờ quảng cáo rầm rộ, saffron được xem như là “thần dược” chữa bá bệnh. Quảng cáo kiểu như “trị ung thư, chống trầm cảm, trị mất ngủ, trị liệt dương ở nam giới…” với sản phẩm rất đắt tiền mà lại là gia vị, dễ mua nhầm thứ giả như saffron, oái oăm thay, lại rất dễ hấp dẫn nhiều người.
Người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng bất kỳ chế phẩm nào, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu thông tin và cần được sự tư vấn từ dược sĩ, bác sĩ để tránh sử dụng không cần thiết, dẫn đến tình trạng vừa tốn kém vừa nguy ngại đến sức khỏe. Khi bị rối loạn và nghĩ mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (là bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị.
(Theo SK&ĐS)