Còn gọi là Đậu khấu, Bạch đậu khấu. Tên khoa học là Amomum cardamomum L. thuộc họ Gừng (ZINGIBERACEAE). Đậu khấu là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây Bạch đậu khấu.
Đậu khấu là loại cỏ mọc lâu năm. Thân rễ có vảy, từ thân rễ có những trục mang lá và trục mang hoa, quả nhô lên mặt đất. Thân mang lá có thể cao 2–3 mét, lá mọc so le không cuống. Quả có sắc tro trắng hình cầu, bóp dễ vỡ. Trong quả có 3 buồng chứa 9 – 12 hạt vàng nhạt có mùi thơm cay tê, ngậm thấy có khí ấm, sảng khoái.
Theo Đông y, Đậu khấu có tính ấm, vị cay, không độc, vào các kinh Tỳ, Vị và Phế, có tác dụng hành khí, ấm dạ dày chữa nôn mửa ợ chua, tiêu hóa kém, bệnh phổi và làm tan màng mờ trong mắt. Bạch đậu khấu có khí thơm, nếu sao qua lửa hoặc sắc lâu sẽ giảm tác dụng, nên sao sơ tán bột hòa nước sắc thuốc uống là tốt nhất.
Bài thuốc có Bạch đậu khấu
* Trị dạ dày bị lạnh ăn vào nôn ra
Nhân sâm 10g, Bạch đậu khấu 12g, Quất bì 8g, Bạch truật 10g, Bạch linh 10g, Gừng sống 3 lát. Nước vừa đủ, sắc còn 1/3 uống ấm trước hoặc sau bữa ăn 60 phút.
*Trị đờm lạnh tích ở dạ dày gây nôn mửa
Bạch đậu khấu 12g, Bán hạ 10g, Quất hồng 8g, Bạch truật 10g, Phục linh 10g, Gừng sống 3 lát. Nước vừa đủ, sắc còn 1/3 uống ấm trước hoặc sau bữa ăn 60 phút.
* Trị tỳ hư, lòng trắng mắt có màng che
Bạch đậu khấu 12g, Quất bì 8g, Bạch truật 10g, Bạch tật lê 10g, Quyết minh tử 8g, Cam cúc hoa 6g, Mật mông hoa 6g, Mộc tặc thảo 8g, Cốc tinh thảo 8g. Nước vừa đủ, sắc còn 1/3 uống sáng và tối trước khi đi ngủ.
* Trị khí trệ ở thượng tiêu
Bạch đậu khấu 12g, Hoắc hương 8g, Quất bì 8g, Mộc hương 8g. Nếu đàn bà bị khí nghịch không hòa thì thêm: Ô dược 4g, Hương phụ chế 6g, Tử tô 6g. Sắc uống như bài thuốc trên.
* Cuối thu đau sốt rét lạnh nhiều nóng ít, nôn, ăn kém
Bạch đậu khấu 16g, Nhân sâm 12g, Bạch truật 12g, Quất bì 10g, Gừng sống 3 lát. Sắc uống như bài trên.
* Tỳ vị lạnh, đau ngực, ăn vào ói ra:
Bạch đậu khấu 3 quả giã nhỏ, rượu tốt 1 chén uống ấm, 2 lần trong ngày.
* Bỗng nhiên đau ngực
Bạch đậu khấu giã nhỏ đun nóng uống, 1 lần 4g, ngày 2 lần. Hoặc ngậm, nhá Bạch đậu khấu hàng ngày cũng có hiệu quả.
* Trẻ em bị nôn do lạnh, bú vào lại trớ ra
Bạch đậu khấu 14 nhân (bỏ vỏ lấy nhân), Sa nhân 14 nhân, Cam thảo 8g tán bột, dùng bột xát vào miệng trẻ.
* Trị tỳ hư phản vị (ăn vào ói mửa ra)
Bạch đậu khấu 80g, Sa nhân 80g, Đinh hương 40g, Gạo tẻ lâu năm 100g. Lấy đất sét khô trộn với gạo sao cháy, bỏ đất sét. Tất cả các vị tán nhỏ dùng nước gừng hòa làm viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 8 – 12g với nước gừng.
* Ợ nấc sau đẻ:
Bạch đậu khấu, Đinh hương đều 20g, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g với nước gừng, ngày uống 2 lần.
Minh Chánh (CTQ số 111)