TINH HOA XANH

Cây Chó đẻ răng cưa điều trị viêm gan siêu vi (phần 2)

Cây Chó đẻ răng cưa (CĐRC) đang được dùng chữa viêm gan siêu vi (VGSV) có tên dân gian là cây Cườm hoặc cây Cườm cườm, Cây Diệp hạ châu. Hiện nay có đề nghị dùng tên Diệp hạ châu đắng, thân xanh có tên khoa học là Phyllanthus amarus, họ Thầu dầu Euphorbiacae.

Xác định tên CĐRC đã phải qua một quá trình công phu, nhưng tên gọi Việt Nam của cây lại được thống nhất trong từng nhóm nhà khoa học nên vẫn có thể gây nhầm lẫn trong nhân dân giữa CĐRC và Diệp hạ châu. Các tài liệu xưa nay thường nói cây CĐRC chữa các chứng bệnh về gan, mật, nhiễm khuẩn, ký sinh vật (sốt rét) và virut.

Báo Giáo dục sức khỏe của ngành y tế một tỉnh trong nước ta đã viết về tình hình điều trị viêm gan siêu vi như sau: “Hiện nay bà con ta do sự mách bảo thiếu khoa học hay dùng cây Chó đẻ. Thật ra trong y văn cây Chó đẻ không có tác dụng gì trong điều trị đối với viêm gan siêu B… Chúng ta cần nên nhớ rằng gan đang có vấn đề (bệnh viêm gan siêu vi) nên chúng ta dùng để điều trị thời gian kéo dài rất nguy hiểm làm gan đang nhiễm độc, trúng thêm độc nữa…. Vì vậy, tuyệt đối không nên dùng thuốc Nam điều trị viêm gan B, cần tuân thủ những nguyên tắc trị liệu pháp: Thuốc nào cũng độc ngoại trừ sinh tố (Vitamin)”.

Để những người quan tâm nhất là bệnh nhân viêm gan đang dùng thuốc Nam nói chung và cây CĐRC nói riêng yên tâm hơn trong điều trị, không bị “sốc” trước những bình luận trên, chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin đang có trong tay để cùng tham khảo vấn đề này.

1. Những vấn đề chung của cây CĐRC cần làm sáng tỏ để đảm bảo an toàn trong điều trị.

Về tên gọi

Trong dân gian và các sách hiện nay còn lẫn lộn ba cây chó đẻ với nhiều cây thuốc Nam khác. Về cây CĐRC, chúng tôi đã có dịp trực tiếp khảo sát tính an toàn của một chế phẩm chữa viêm gan siêu vi từ cây CĐRC (Diệp hạ châu đắng thân xanh). Nó còn là một cây thuốc Nam được gia đình chúng tôi tâm đắc từ thập niên 40 của thế kỷ trước.

Trong dân gian có đến ba cây Chó đẻ, hai cây Cứt lợn, ba cây Cỏ hôi, hai cây Ngũ sắc, 4 cây Ngũ vị có thể gây nhầm lẫn dẫn đến sai lạc về công dụng và cách dùng, không những không cho tác dụng mong muốn mà còn có thể gây độc hại cho người bệnh. Nhiều người còn nhầm lẫn giữa cây Chó đẻ với cây Cứt lợn hy thiêm chữa thấp khớp. Tuy nhiên, trong các tài liệu Đông Tây y chưa ai nói Hy thiêm thảo chữa viêm gan mãn tính. Như vậy với tên Chó đẻ đã có sự nhầm lẫn giữa hai cây CĐRC chữa viêm gan và cây Cứt lợn hy thiêm chữa thấp khớp!

Theo Viện Dược liệu, Hy thiêm cũng có tên Chó đẻ hoa vàng và Vương Thừa Ân (Sách Thuốc quý ở quanh ta) cũng viết: Dân gian gọi cây Chó đẻ răng cưa là cây Hy thiêm. Trong sách Đông y điều trị bệnh tiêu hóa gan mật của GS. Trần Văn Kỳ có một bài thuốc chữa viêm gan virus A dùng Hy thiêm thảo (Cỏ đĩ, cây Cứt lợn).

Theo sách cổ, Hy thiêm hơi độc và trên lâm sàng sơ bộ cũng đã thấy gây tác dụng phụ không có lợi nếu không bào chế đúng cách.

Tình hình tên gọi thuốc Nam truyền miệng trong nhân dân và trong in ấn của sách báo hiện nay gây rất nhiều phức tạp, đáng lo ngại. Chúng tôi đã gặp tình trạng lẫn lộn giữa nhiều cây khác nhau, ngay cả trong các hồ sơ đăng ký xin sản xuất thuốc Đông dược của các Công ty gửi về Bộ Y tế. Ví dụ: Dùng lẫn lộn Phục linh với Thổ phục linh, Bạch biển đậu với Bạch đậu khấu, Hoa hồng với Hồng hoa… nếu các thẩm định viên không cẩn thận sẽ đe dọa tính mạng người bệnh.

Đó cũng chính là nỗi băn khoăn của chúng tôi trước cái tên “cây Chó đẻ” trong bài báo của tỉnh bạn

Về tính năng, tác dụng

Các tài liệu khoa học có tính pháp lý thường được tham khảo hầu hết đều ghi cây CĐRC có vị đắng, tính mát, lạnh. Riêng tài liệu của Ly Việt (tỉnh Tây Ninh và An Giang) ghi tính ôn. Nếu có tính vị khác nhau thì tất yếu công năng tác dụng phải khác nhau.

Về thực vật học

Cũng cần nhất quán về mô tả: Thân có màu xanh hay hồng, đỏ hoặc tía? Lá kép mọc so le? Dùng cây nào và tác dụng của từng cây, cách thu hái… Phần thực vật học rất quan trọng cần phải được mô tả chi tiết rõ ràng trong phần chủ đề nghiên cứu để biết chính xác cây đã dùng, tránh gây nhầm lẫn đáng tiếc.

2. Cây chó đẻ răng cưa Phyllanthus amarus chữa bệnh viêm gan siêu vi

Hiệu quả điều trị

Từ những năm 1988 – 1990, S.P Thyagarajan, BS. Blumberg và cộng sự đã nghiên cứu thấy cây CĐRC (Phyllanthus amarus) có chất ức chế men AND polymerase của virut viêm gan B và có tác dụng trong điều trị bệnh nhân mang virut viêm gan B. Nước ta đã có nhiều bài báo viết về hiệu quả tốt trong điều trị viêm gan bằng cây CĐRC.

Từ cây CĐRC nhiều đơn vị đã có thành phẩm ở những mức độ khác nhau như: Trung tâm nghiên cứu phòng chống ung thư thuốc dùng nội bộ với tên Hebereva; XNDP 150 (Bộ Quốc phòng) sản xuất viên nang Hepamarin (1996) xin lưu hành toàn quốc. Hebereva có khả năng làm sạch HbsAg (16,53%) và tác động lên hệ miễn dịch làm tăng sản xuất kháng thể chống HbsAg (60,20%). Công ty Pharimexco (Cửu Long) đã nhập chế phẩm Ayurviva của ấn Độ, trong công thức có cây CĐRC có công dụng trị bệnh và giải độc gan. Trung tâm chẩn đoán y khoa thành phố Hồ Chí Minh sử dụng chế phẩm này. Với từng ấy thông tin đã đủ để chúng tôi có thể yên tâm hơn về tính an toàn và hiệu lực của cây CĐRC trong điều trị viêm gan siêu vi.

Thông tin gần đây khi đề cập đến dịch cúm ở gà và cây Hy thiêm Siegesbeckia orientalis chống virut cúm ở chim. Hai cây thường bị nhầm lẫn với nhau này đều có tác dụng chống virut cúm gia cầm.

Tính an toàn của thuốc Nam nói chung và cây CĐRC nói riêng

Thuốc có hiệu lực chữa bệnh thì ít nhiều có thể gây tác dụng phụ, đặc biệt khi không tôn trọng chỉ định, phản chỉ định, cách dùng, liều lượng, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Trong suốt quá trình sử dụng cây CĐRC và các chế phẩm có chứa cây này chưa thấy một khuyến cáo nào về tác dụng xấu của cây CĐRC.

Các tài liệu nước ngoài cho biết không thấy độc tính xuất hiện trên động vật thí nghiệm và người. Chúng tôi cũng đã trực tiếp khảo sát độ an toàn (cấp tính và bán tính) của chế phẩm Hebevera và chưa thấy có biến đổi nào đủ chứng cớ để nghĩ đến có độc tính trên động vật thí nghiệm. Trong thử nghiệm lâm sàng tại các phòng khám của các trung tâm ở Hà Nội, cũng chưa có khuyến cáo nào về tác dụng không mong muốn của Hebevera. Trong tạp chí Thông tin y dược (số chuyên đề gan mật), các giáo sư của Trung tâm phòng chống ung thư cùng bộ môn miễn dịch học trường Đại học Y Hà Nội và Viện Quân y 108 đã nhận xét về tác dụng của Hebevera. Các tác giả nhận thấy thuốc được dung nạp tốt, không có tác dụng phụ trong điều trị. Theo tạp chí YHTH số 12/1996 thì trung tâm KHTN và CNQG dùng CĐRC làm một thành phần của thuốc tăng trọng gia súc VITACHO.

Để các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (tiền lâm sàng) về cây CĐRC có tính thuyết phục cao hơn mong các nhà khoa học sớm nghiên cứu bằng các phương pháp hiện đại hơn, chuyên sâu hơn. Mong rằng Hội đồng dược điển sớm thống nhất những nội dung còn có ý kiến khác nhau của các cơ quan hữu trách về thuốc cổ truyền để từng bước tiến tới chuẩn hóa thuốc Nam làm tài liệu tra cứu thống nhất toàn ngành có tính pháp lý cao nhưng cũng phù hợp hơn với đặc thù của thuốc cổ truyền nói chung và thuốc Nam nói riêng như với cây CĐRC

Phó Đức Thuần – CTQ số 57

 

 

Tags

Hiển thị tất cả kết quả cho ""